Phóng to |
Lê Đức Công trên giường bệnh tại nhà - Ảnh: T.Phúc |
“Mừng ngày nhà báo VN, em chúc anh mọi điều tốt lành, vui vẻ, mạnh khỏe. Còn em thì đang thê thảm, mới đi mổ chấn thương cột sống về nhà (nằm nhà hai tháng). Những ngày nằm dưỡng bệnh, nghĩ về quá khứ mà buồn quá anh ơi. Nhớ ngày nào còn được gọi là “chàng béo đa năng” đánh môn gì cũng có thành tích, còn nay thì nằm một chỗ trả giá cho những tháng ngày khổ luyện... May mà em còn có gia đình, người thân, bạn bè giúp đỡ, chứ bây giờ đi đứng còn khó khăn thì mong gì đi làm kiếm sống anh ơi - Em Lê Đức Công”.
Trên đây là nội dung tin nhắn mà tôi nhận được vào ngày 21-6.
30 năm gắn bó thể thao
Có lẽ bây giờ không hẳn ai cũng nhớ Lê Đức Công là ai. Riêng mình, tôi vẫn nhớ như in cách đây gần 20 năm, trong đội tuyển judo VN có một anh chàng to béo chuyên thi đấu hạng không kể cân. Sở hữu thân hình trên trăm ký, một gương mặt rất ngầu nhưng Công hiền như cục đất và luôn là đối tượng để các đồng đội, em út như “cô gái vàng” Cao Ngọc Phương Trinh, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Quốc Thắng... chọc ghẹo trong những phút thư giãn sau tập luyện.
Công sinh năm 1963, theo học judo từ tấm bé và đến năm 1982 đặt chân vào con đường thi đấu thể thao đỉnh cao. Ngày ấy Công nặng trên 80kg và được khuyến khích phấn đấu chơi ở hạng không kể cân của judo, vốn chỉ dành cho những võ sĩ trên 100kg! Ăn rồi tập, tập rồi ăn, cuối cùng Công trở thành võ sĩ không có đối thủ trong nước ở hạng cân này. Tuy nhiên trên đấu trường quốc tế chưa bao giờ Công đoạt được huy chương vàng, mà chỉ là bạc hoặc đồng ở các giải vô địch Đông Nam Á, SEA Games. Năm 1997, Công chuyển sang môn vật và đoạt ngay huy chương vàng hạng cân -125kg tại SEA Games ở Jakarta. Sau đó, Công quay về với môn judo và chơi đến năm 2001 mới chính thức giải nghệ (khi ấy vẫn còn đoạt huy chương bạc judo Đông Nam Á hạng không kể cân).
Tính từ ngày bước chân vào đội tuyển judo TP.HCM đến khi giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, Công có tròn 30 năm cống hiến.
8 chiếc đinh trong cột sống!
Sau khi giã từ thể thao đỉnh cao, dù có tấm bằng tốt nghiệp ĐH TDTT trong tay nhưng Công không theo nghiệp này mà về làm bảo vệ cho khách sạn Đệ Nhất - nơi đã cưu mang anh trong những tháng ngày còn thi đấu.
Cách đây hai tháng, Công phải lên bàn mổ cột sống sau chẩn đoán của các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình: di chứng của việc tập luyện quá sức dẫn đến thoái hóa cột sống, đĩa đệm.
Mặc dù các bác sĩ đều biết và thương Công nên ưu ái rất nhiều trong chi phí, song ca mổ nhằm gắn tám chiếc đinh để phụ cho cột sống của Công ngốn hết 60 triệu đồng. Giờ đây “người khổng lồ” phải nằm bẹp một chỗ và theo dự đoán của các bác sĩ phải cần ít nhất khoảng nửa năm mới hồi phục. Tuy nhiên, hồi phục có nghĩa có thể đi đứng được, song không thể giống người thường là cấm chạy nhảy, cúi gập người, mang vác...
Nhìn cảnh “người khổng lồ” nằm một chỗ để bà mẹ già 80 tuổi chăm sóc (Công không dám lập gia đình), thật xót xa nếu nhớ lại cảnh tung hoành trên thảm đấu ngày xưa của Lê Đức Công.
Không phải VĐV nào sau khi giã từ thể thao cũng lâm vào thảm cảnh như Lê Đức Công. Nhưng cũng không hiếm những cuộc đời khiến mọi người phải rơi nước mắt khi chứng kiến. Ví dụ nhà vô địch SEA Games bảy môn phối hợp (điền kinh) Thu Cúc đang bán cà phê ở Cần Thơ, hay mới đây một cựu VĐV bóng chuyền có tiếng do chấn thương mà bị phân công đi làm tạp vụ (chị chỉ tâm sự cho chúng tôi nghe, chứ không chịu xuất hiện trên báo vì ngại)...
Còn nhớ năm 1997, khi nghe tin VĐV thể dục dụng cụ Trần Ngọc Anh Thư bị chấn thương, bộ trưởng - chủ nhiệm Ủy ban TDTT lúc ấy là ông Hà Quang Dự đã gửi quà rồi sau đó đích thân đến thăm cô. Giá trị vật chất của món quà chẳng là bao nhưng đủ làm Thư và những VĐV khác cảm thấy ấm lòng. Còn bây giờ sau khi báo chí viết về chuyện cô Nụ đi nhổ cỏ, cô Cúc đi bán cà phê... mọi chuyện vẫn lặng như tờ từ lãnh đạo Tổng cục TDTT. Thậm chí một cuộc trò chuyện về vấn đề làm sao để thu hút nhân tài đến với thể thao cũng bị từ chối!
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận