Ba câu chuyện xúc động dưới đây đến từ những trang nhật ký, sổ tay của các phóng viên Tuổi Trẻ theo học bổng “Tiếp sức đến trường”. Sau những số liệu cụ thể tổng kết chương trình là biết bao tấm lòng ăm ắp nghĩa tình của các nhà tài trợ, nhà hảo tâm, của bạn đọc gần xa đến với tân sinh viên nghèo.
Phóng to |
Chị Bạch Tuyết (bìa trái) và nhà hảo tâm trao tiền giúp đỡ tân SV Lê Nhật Trường - Ảnh: Khuyến học |
"Chọn ai, bỏ ai ra khỏi danh sách này đây? Câu hỏi này quá khó đối với những người làm công tác tổ chức" |
“Bỏ ra thì tội các em lắm!”
Đã diễn ra bảy năm liên tục, nhưng chưa lần nào lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi tại hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre lại có nhiều tiếng thở dài, tiếc nuối như năm 2013 này.
Đầu tiên là việc “Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường tỉnh Tiền Giang tại TP.HCM” vận động kinh phí trao học bổng rất khó khăn, do các doanh nghiệp làm ăn không thuận lợi. Ban đầu câu lạc bộ dự kiến trao 60 suất (tỉnh Tiền Giang 40 suất, tỉnh Bến Tre 20 suất). Sau đó, tìm thêm được 20 suất nữa. Do đó, đã xét chọn 80 tân sinh viên khó khăn nhất trong hàng trăm hồ sơ gửi về.
Danh sách gút xong thì chúng tôi nhận liền hai thông tin sét đánh: Các nhà tài trợ thông báo chỉ hỗ trợ được 40 suất. Nhìn danh sách trích ngang của các tân sinh viên với những thông tin “hộ nghèo, gia đình không có đất sản xuất, cha mẹ làm thuê, cha hoặc mẹ bệnh nặng, mồ côi cha hoặc mẹ...”, chúng tôi muốn rớt nước mắt. Chọn ai, bỏ ai ra khỏi danh sách này đây? Câu hỏi này quá khó đối với những người làm công tác tổ chức.
Sau nhiều lần bàn tính, chúng tôi quyết định chọn lại 15 trong số 20 tân sinh viên tỉnh Bến Tre đưa về Cần Thơ nhận học bổng chung với 11 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Còn tại tỉnh Tiền Giang, mất rất nhiều thời gian để cân nhắc chọn 40 bạn khó khăn nhất và phải bỏ lại 20 bạn...
Chúng tôi phải chia nhau gọi điện thoại cho các bạn để giải thích, xin lỗi vì không thể hỗ trợ các bạn dịp này. Rất đau lòng!
Cũng vì vậy mà chúng tôi mang danh sách 20 bạn này liên hệ một số cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm kêu gọi họ chung tay giúp các bạn. Chị Đồng Thị Bạch Tuyết (chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Tiền Giang) nhận được tin liền xách xe đi vận động tiền để giúp 20 bạn này. Ngày 28-9, đến dự và chung vui với 40 bạn tân sinh viên được nhận học bổng, chị Bạch Tuyết vui mừng báo tin: “Chị đã vận động được 20 triệu đồng rồi. Ráng ít bữa kiếm thêm 20 triệu đồng nữa để trao mỗi em 2 triệu đồng. Các em đều nghèo, rất cần tiền trang trải chi phí học tập. Mình giúp được bao nhiêu hay bấy nhiêu chứ bỏ các em ra thì tội lắm”.
Vừa đi vận động học bổng cho 20 bạn tân sinh viên nghèo, chị Bạch Tuyết còn vận động giúp các tân sinh viên được báo Tuổi Trẻ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” nhưng vẫn rất bế tắc, có thể gãy gánh giữa đường. Rồi từ sự giới thiệu của chị, Công ty Tân Hoàn Cầu đã bảo trợ ba tân sinh viên: Lê Nhật Trường (ĐH Nông lâm TP.HCM), Nguyễn Quốc Tuấn (ĐH GTVT) và La Thị Diễm Quyên (ĐH Kinh tế TP.HCM). Hiện chị Bạch Tuyết đang tiếp tục vận động giúp đỡ các bạn tân sinh viên nghèo đặc biệt khó khăn khác.
Sáng 4-10, chị Bạch Tuyết lại thông báo tin vui với chúng tôi: “Cố gắng cuối tháng 10 này sẽ mời 20 em tân sinh viên bị lọt sổ hôm trước về trao học bổng, mỗi em được 2 triệu đồng. Biết là số tiền này chẳng thấm vào đâu nhưng đó là cái tình của người dân Tiền Giang dành cho các em”. Mãi đến hôm nay chúng tôi mới cảm thấy nhẹ cả người. Nếu không có tấm lòng như chị Bạch Tuyết và các nhà hảo tâm, có lẽ chúng tôi sẽ ray rứt mãi.
V.TR.
Phóng to |
ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing TP.HCM, đón Dương Ngô Chấn Quang (nhân vật trong bài “Cha vái cho con thi rớt”) về trường sau buổi trao học bổng của trường cho Quang - Ảnh: Quang Định |
Người dưng như ruột thịt
Sau lời kêu gọi “Không để tân sinh viên nghèo phải bỏ học” của Tuổi Trẻ, từ khắp mọi nơi, bạn đọc đã nhiệt tình, hối hả tiếp bước cho ước mơ của tân sinh viên.
Bạn đọc đã tận tình sát cánh bên nhân vật của chúng tôi trên mặt báo, chuẩn bị vật chất, hỗ trợ tinh thần để các tân sinh viên không bị lỡ hẹn ngày khai trường. Rất nhiều bạn đọc đã phập phồng lo âu với từng số phận nghiệt ngã của các tân sinh viên nghèo, cùng đau với nỗi đau mà các bạn đang gánh chịu, sốt sắng lo lắng cho các bạn như những người ruột thịt trong gia đình.
Có lúc chỉ mới 7g sáng sau khi báo ra đã có bạn đọc tất tả chạy đến báo ủng hộ tân sinh viên Lâm Văn Vũ - người “” (Tuổi Trẻ ngày 28-8-2013). Có bạn đọc thì chu đáo lo toan từ chỗ ăn, chỗ ở đến kiến tạo việc làm thêm sao cho nhân vật của chúng tôi không bị ảnh hưởng đến việc học. Nỗi lo toan ấy chỉ có thể bắt gặp ở những người cha người mẹ trong những dịp họ cùng con cái sắp vượt qua những kỳ thi quan trọng của cuộc đời...
Cuộc sống ở Sài Gòn vốn chật vật, vội vã với áo cơm. Nhưng đôi khi trên đường gặp cảnh người dưng ngã xe, nhiều người vẫn dừng lại nâng đỡ. Cậu bé trong bài báo “” (Tuổi Trẻ 30-9-2013) - Dương Ngô Chấn Quang đã gọi cho chúng tôi và chia sẻ về cảm xúc ấm áp như khi được nâng dậy lúc ngã giữa đường như thế. Một ngày đầu tháng 10, Quang gọi đến chúng tôi khấp khởi khoe: “Có chú ở Bình Dương mới cho em 10 triệu đồng. Chú không chịu nói tên, địa chỉ hay nghề nghiệp gì cả. Chỉ nói là quê ở Bình Dương, ngày xưa cũng khổ như em nên giờ giúp em để bớt phần nào gian nan đi học”.
Những “người dưng” bất chợt đến với các tân sinh viên như Quang giữa cuộc sống tấp nập này giống như một tấm áo choàng bỗng xuất hiện bất ngờ giữa cơn mưa nặng hạt. Đó là anh Trường, cô Minh, anh Dự, anh Khoa... những người xa lạ nhưng luôn đồng hành bên tân sinh viên nghèo như những người cha, người mẹ, người chú, người dì của chính các bạn.
Tin rằng trong cuộc đời này, những “người dưng” như vậy sẽ còn rất nhiều, sẽ luôn có mặt kịp lúc để nâng bước ước mơ cho các tân sinh viên khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận