Trong bối cảnh đòi hỏi cải cách thể chế, hoàn thiện pháp luật để đẩy nhanh đầu tư công, tránh các dự án "đắp chiếu" thì mặt khác cũng cần phát huy sự năng động, chủ động của các địa phương nhằm nối dài hiệu quả các dự án đầu tư.
Sân bay Long Thành tại Đồng Nai là một "siêu dự án" của khu vực và cả nước đang được xây dựng.
Đây là một trong những dự án đầu tư công tiêu biểu. Dù còn vài năm nữa những hạng mục đầu tiên của sân bay Long Thành mới đi vào hoạt động, nhưng ngay từ bây giờ các địa phương liền kề như TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ đã chủ động quy hoạch và làm đường kết nối.
Có như vậy khi sân bay xong thì cũng có đường, không chỉ trong nội bộ địa phương mà còn kết nối đồng bộ với cả vùng, qua đó phát huy hiệu quả đầu tư các dự án.
Việc này sẽ tránh được cảnh "cầu xây xong chờ đường", các công trình ngàn tỉ làm xong nhưng "nằm chờ" vì thiếu công trình phụ trợ đã từng xảy ra ở một số nơi.
Ngay từ bây giờ TP.HCM đã tính toán vận chuyển hành khách đi và về sân bay Long Thành như thế nào.
Vì như Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi từng phát biểu dù sân bay ở Đồng Nai thì hầu hết khách cũng sẽ qua lại TP.HCM cũng như đi, về các tỉnh khác.
Hay như các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Bình Dương đã "bắt tay" với Đồng Nai làm thêm nhiều cây cầu, mở rộng thêm nhiều tuyến đường mới kết nối với sân bay Long Thành, cũng như cảng nước sâu tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh cũng tính cách kết nối sân bay Long Thành thông qua các tuyến đường mở mới, bên cạnh đó là khai thác quỹ đất xung quanh để mở khu công nghiệp, phát triển đô thị, dịch vụ…
Việc các địa phương chủ động, năng động hợp tác với nhau tạo sức sống, động lực mới cho kết nối vùng, cho phát triển. Hiệu quả có thể thấy rõ bằng định lượng.
Ví như một container hàng hóa, nguyên liệu từ cửa khẩu tại Tây Ninh, khi đi về sân bay Long Thành và các cảng nếu đi theo các cây cầu, tuyến đường mới mà các tỉnh hợp tác xây dựng sẽ rút ngắn khoảng cách được hàng chục km, qua đó giảm thời gian và chi phí, tăng sức cạnh tranh với quốc tế.
Một mặt hàng có thể được sản xuất trong khu công nghiệp tại Bình Dương nhưng chắc chắn khi xuất khẩu phải qua các cảng hàng không, cảng biển tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vì vậy, để khơi thông cho "mạch máu" của nền kinh tế, không chỉ là một địa phương làm những dự án đơn lẻ, mà còn cần dựa vào nhau, cùng hợp tác để kết nối các dự án và cùng sẻ chia lợi ích để phát triển.
Mới đây, Chính phủ đã báo cáo để Quốc hội xem xét một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư công trình giao thông đường bộ, trong đó có đề xuất tăng tỉ lệ tối đa vốn nhà nước tham gia dự án PPP, hay thẩm quyền thực hiện đầu tư cao tốc, quốc lộ thì có thể giao về cho UBND cấp tỉnh đảm trách…
Trước đó, nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM cũng đã được thông qua, giúp tháo gỡ nút thắt để hàng loạt dự án hạ tầng có chuyển biến mới.
Về lâu dài, cần hoàn thiện hệ thống luật pháp, không còn chồng chéo, có cơ chế khuyến khích để các địa phương, cơ quan có thẩm quyền năng động sáng tạo.
Để ngay cả khi không phải ban hành các "cơ chế đặc thù" thì các dự án đầu tư công vẫn được thúc đẩy nhanh, hiệu quả được "nối dài".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận