A girl walks home alone at night không thuần túy là một bộ phim ma cà rồng |
A girl walks home alone at night bởi vậy không thuần túy là một bộ phim ma cà rồng.
Xuất hiện lần đầu tiên trong khuôn khổ chương trình “Next” của Liên hoan phim Sundance năm ngoái, A girl walks home alone at night gây tò mò vì tấm apphich chỉ với ba màu căn bản: đen, đỏ, trắng cùng lời giới thiệu đây là một phim kinh dị.
Sau những lời tán thưởng và cả những cái nhìn đầy e ngại, Ana Lily Amirpour đã phải đem phim đi ngao du rất nhiều liên hoan phim lớn nhỏ khác nhằm tìm kiếm nhà phát hành.
Đến tận mùa hè vừa rồi bộ phim mới được ra mắt rộng rãi tại Mỹ nhưng thông qua mạng xã hội. Được đánh giá là kênh phát hành đầy hứa hẹn bởi công nghệ kết nối thời đại, thế nhưng mạng xã hội đã không tìm được tiếng nói chung với nhà sản xuất. Bộ phim thu về chỉ hơn 500.000 USD - một con số quá khiêm tốn nếu so với các phim cùng đề tài, thậm chí cùng thể loại.
Đối diện với thất bại về doanh thu, Ana hiểu rõ những câu hỏi xoay quanh việc cô làm bộ phim này cho thị trường nào, cho ai xem... “Đó là điều không thể đoán trước, bởi phim ảnh là một thị trường mở rộng, luôn có khán giả chờ đón điều mới mẻ hấp dẫn họ cho dù chỉ một ít sự mới mẻ...”.
Cũng như Hầu Hiếu Hiền và bộ phim võ hiệp The assassin bị chê “chẳng ra chất võ hiệp”, các nhà làm phim nổi tiếng buộc lòng phải tiên phong định nghĩa lại một thể loại phim có tính đặc thù như kinh dị, võ thuật... vốn đã “ăn sâu” vào tư tưởng người xem.
Khán giả của A girl walks home alone at night là những người không chờ để được thưởng thức vài ba cú cắt cảnh giật mình, càng không mong nghe được những bản nhạc nền rùng rợn đến tê liệt cảm xúc, hay vì sự ly kỳ thắt nút dồn dập (đôi khi ngô nghê, vô nghĩa)...
Không gây sợ cho số đông, nhưng bộ phim vẫn mở ra góc nhìn mới qua cách mà Ana Lily Amirpour tiếp cận đề tài và khai thác chúng, khéo léo lược bớt những cảnh loang máu, tăng tính thẩm mỹ cho phim...
Trong phim chẳng có gì vui, thậm chí cả khi tình yêu đến với thị trấn Taft vốn nổi tiếng qua những câu chuyện ma. Khu dân cư quạnh quẽ có chàng Arash lông bông sống cùng cha già ốm yếu. Gia đình hèn mọn ấy tất nhiên chưa đủ vẽ một bức tranh sơ đẳng về Taft, mà còn đó là Atti - một phụ nữ luống tuổi hành nghề mại dâm, bất cần đời, chán tình yêu...
Cả thị trấn không hay biết họ đang bị một cô ma cà rồng theo dõi, xuất hiện mỗi đêm đằng sau lớp vải nhung đen che kín đôi môi, lần theo những nạn nhân. Cách tiếp cận của cô ma cà rồng rất tùy hứng, ve vãn họ, thậm chí theo họ về nhà riêng, đôi khi lại lao vào cấu xé họ thô bạo, cũng có lúc kéo cái mạng che khoe hàm răng nanh trắng muốt chỉ để hù dọa một đứa trẻ khiến chúng sợ phát khiếp! Những lần tha mạng là những lần cô đồng cảm với thân phận.
Nhiều hơn một lần đó là với Atti và Arash - hai kẻ lương tâm vì nghèo mà sinh trộm cắp, tệ nạn. Nếu như với gái bao Atti, cô ma cà rồng “lóc” hết nội tâm để lấy cho mình một phần nữ tính, thì khi gặp Arash, cảm giác một người đàn bà khao khát yêu nhưng không dám yêu trong hình hài ma cà rồng lại cuồng phá dữ dội...
A girl walks home alone at night truyền tải một thông điệp cụ thể: nỗi cô đơn, nhưng lại cố tình không định nghĩa rõ ràng. Cô ma cà rồng dõi theo nạn nhân mỗi lúc nửa đêm vì cần nạp năng lượng hay vì cô đơn quá với cuộc đời dị biệt? Hoặc thay vì nhìn ra đối tượng để mình thỏa mãn cơn đói, cô lại nhìn thấy tình yêu - một thứ xa xỉ với ma cà rồng.
Con người rất sợ cô đơn, thậm chí sợ cả khi yêu vì tình yêu sẽ tan vỡ và con người lại quay về với cô độc. Ngày chúng ta tôn vinh những giá trị văn minh cũng là ngày chúng ta chấp nhận tiếp xúc với một thế giới bằng công nghệ.
Khi con người mất dần kết nối trực tiếp với nhau, sẽ có lúc họ cô đơn như ma cà rồng, nhìn cuộc sống từ xa và tình yêu cũng dần trở nên xa lạ.
Trong một buổi phỏng vấn, Ana nói rằng cô đưa âm nhạc vào phim để làm tăng tính đời sống cho nhân vật - họ phải có sở thích, thú vui nào đó, có thể là phản biện, cũng có thể là hình ảnh chân thực của xã hội. Không chỉ có âm thanh - âm nhạc là điểm mạnh, Ana còn sử dụng ngôn ngữ điện ảnh hiện đại, đủ tạo không khí căng cứng xen lẫn những trích đoạn nội tâm qua các cuộc hội thoại tự nhiên, khiến người xem nhớ tới David Lynch hay Jim Jarmusch, nhưng cá nhân Ana lại khẳng định cô không bị ảnh hưởng bởi những tên tuổi cựu trào này. Suốt chiều dài bộ phim là những góc máy trung và toàn cảnh, thỉnh thoảng là cận cảnh nhằm miêu tả vẻ đẹp chết người của hàm răng trắng có nanh vuốt hay đôi mắt đen sâu chất chứa nhiều tâm sự. Diễn viên người Mỹ gốc Iran Sheila Vand làm khán giả hoang mang bởi định nghĩa sự gợi cảm nay đã ở phạm trù khác. Là bộ áo choàng màu đen dài đến gót chân, là những trang phục giấu kín toàn bộ da thịt, là nụ cười đã tắt trên môi?... Khi bối rối là lúc chúng ta không biết mình có như Arash, ngã vào tình yêu với một cô ma cà rồng hay tháo chạy để bảo toàn tính mạng? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận