Hãng tin Reuters nói hàng ngàn người dân Zimbabwe đã tụ tập từ sáng 21-11 trước tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Harare gây áp lực để buộc các nghị sĩ luận tội và hạ bệ Tổng thống Mugabe - Ảnh: REUTERS
Cuộc họp nội các hằng tuần diễn ra vào ngày thứ Ba nhưng hôm nay (21-11), chỉ 5 bộ trưởng và tổng chưởng lý Zimbabwe có mặt theo yêu cầu của Tổng thống Mugabe. Báo Herald - tờ báo nhà nước của Zimbabwe, cho biết cuộc họp buổi sáng vì thế không tiến hành được.
Theo đài RFI, 17 vị bộ trưởng còn lại lại xuất hiện tại buổi họp khác nhằm lên kế hoạch luận tội nhà lãnh đạo 93 tuổi này. Điều đó đã nói lên quá nhiều điều về tình thế hiện tại của vị Tổng thống từng cầm quyền suốt 37 năm.
Trong khi đó, Đài phát thanh Conscience dẫn lời Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Zimbabwe, Simon Khaya Moyo cho biết trong cuộc bỏ phiếu vừa kết thúc, 230 nghị sĩ của đảng Zanu-PF cầm quyền trong tổng số 260 nghị sĩ Quốc hội Zimbabwe đã thông qua đề xuất luận tội Tổng thống.
Dự kiến các thủ tục luận tội ông Mugabe sẽ bắt đầu ngay trong ngày 21-11.
Trong sáng nay, Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa cũng đã phá vỡ im lặng thông tin với báo giới rằng Tổng thống Mugabe đã có liên lạc với ông và kêu gọi ông trở về nước để đối thoại tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tuy nhiên ông Mnangagwa khẳng định chưa thể trở về nước vào lúc này do lo ngại an nguy của bản thân. Và ông lại lên tiếng kêu gọi Tổng thống Mugabe từ chức.
Kể cả những người thân cận của ông cũng không tiết lộ ông đang ở đâu. Những đồn đoán là Nam Phi hoặc Mozambique.
Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa (trái) chúc mừng sinh nhật thứ 93 của Tổng thống Mugabe (phải) tại Dinh Tổng thống vào ngày 21-2 năm nay - Ảnh: REUTERS
Hai tuần trước, hôm 6-11, quyết định của Tổng thống Mugabe cách chức Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tư lệnh quân đội là tướng Constantino Chiwenga và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia châu Phi này.
Đêm 14-11, quân đội nước này đã tiến hành các hoạt động quân sự nhằm truy lùng "những phần tử tội phạm" xung quanh ông Mugabe, giành quyền kiểm soát các cơ quan nhà nước và các phương tiện truyền thông, đồng thời quản thúc Tổng thống Mugabe và Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe tại khu "Nhà Xanh" ở thủ đô Harare.
Dù khẳng định đây không phải là cuộc đảo chính, nhưng phía quân đội Zimbabwe cùng nhiều lãnh đạo đảng ZANU-PF cầm quyền đã gây sức ép đòi Tổng thống Mugabe từ chức.
Cùng ngày hôm nay, lãnh đạo 4 nước thuộc Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) gồm Nam Phi, Angola, Zambia và Tanzania đã họp thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe bên lề hội nghị thượng đỉnh của khối này diễn ra ở thủ đô Luanda của Angola.
Một ủy ban của tổ chức khu vực này cũng đề xuất tiến hành một hội nghị gồm toàn bộ 16 nước thành viên để thảo luận về tình hình tại Zimbabwe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận