Chảo lửa Cao Lãnh với đông đảo CĐV Đồng Tháp khi đội nhà còn thi đấu ở V-League - Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Tôi có một người bạn sinh sống và làm việc ở TP.HCM. Có dịp về Đồng Tháp, bạn tôi lại rủ đi xem CLB Đồng Tháp thi đấu.
Mua vé để ủng hộ đội nhà
Có những lần bạn tôi về Cao Lãnh muộn, vào sân khi đã đá xong hiệp 1, thường khi đó đã xả cổng không thu vé. Nhưng bạn tôi vẫn tìm cho bằng được người bán vé để mua cặp vé vào sân. Bạn nói dù số tiền vé không nhiều nhưng vẫn mong đóng góp phần nào cho nguồn quỹ của đội nhà.
Thế đấy, có những người hâm mộ như bạn tôi trong số hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người đã dành nhiều tình cảm, sự mến thương cho đội bóng từng rất nghèo khó, phải tính đến phương án giải thể vào năm 2014.
Vì vậy, sự thật về các cầu thủ U21 Đồng Tháp tham gia cá độ tại Giải U21 quốc gia 2019 như một nhát dao cứa vào tim nhiều người hâm mộ Đồng Tháp.
Nhắc về thời vàng son, CLB Đồng Tháp từng "bị" ghen tị khi có một "chảo lửa" người hâm mộ đến sân để cổ vũ cho đội bóng. "Chảo lửa" không chỉ "nóng" vì từng đường bóng của cầu thủ, sự hò reo của người hâm mộ mà còn nóng vì cái nắng gay gắt.
Khán đài B thường miễn phí vé vào cổng và cũng là phía khán đài trực diện với nắng chiều. Chính khán đài ấy có sự cổ vũ cuồng nhiệt nhất mặc cho cái nắng có chói chang, chỗ ngồi có chật ních.
Thế nên, mới có câu truyền miệng vui vui "Cao Lãnh đi dễ khó về, khi đi tỉnh táo khi về héo queo" để ám chỉ cái nắng Cao Lãnh, sự choáng ngợp trước tình cảm của người hâm mộ tỉnh nhà mà đội bạn thường thất thểu ra về trắng tay.
Nỗi đau "chảy máu" tài năng
Có những mùa bóng hầu hết các trận Đồng Tháp được đá sân nhà là từ hòa tới thắng, số trận thua rất hiếm hoi. Có lẽ cũng chính sự nhiệt huyết muốn cống hiến cho chính người hâm mộ trên "chảo lửa" Cao Lãnh của cầu thủ đã làm nên kết quả đáng tự hào đó.
Khán đài đông kín khán giả ở sân Cao Lãnh khi Đồng Tháp thi đấu ở V-League - Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Đội bóng Đồng Tháp còn được biết đến với nỗi đau "chảy máu tài năng", đào tạo được lứa cầu thủ trẻ tài năng khi mãn hạn hợp đồng là y như rằng không thể giữ ở lại.
Riết rồi những người hâm mộ của tỉnh cũng quen khi mùa trước còn là trụ cột của đội nhà thì mùa sau lại ở phần sân đội bạn. Quen trong sự tiếc nuối, ngậm ngùi và cũng chẳng trách các cầu thủ này vì đội bóng nghèo không đủ sức chi trả như các đội bóng khác.
Không chỉ mất cầu thủ giỏi, huấn luyện viên giỏi, đỉnh điểm năm 2014 Đồng Tháp còn bên bờ vực phải bỏ giải V-League, giải tán đội bóng. Khi ấy CLB Đồng Tháp cần 31,5 tỉ đồng cho mùa giải - một số tiền quá lớn so với khả năng của một tỉnh như Đồng Tháp khi ấy.
Phút 89, cả cầu thủ, lãnh đạo câu lạc bộ và lãnh đạo tỉnh đã tính đến phương án: dù rút khỏi V-League nhưng tỉnh Đồng Tháp vẫn sẽ đầu tư đào tạo tuyến trẻ để thi đấu các giải quốc gia. Còn CLB Đồng Tháp chỉ thành lập để chơi phong trào, chẳng hạn như mời các đội bóng không dự V-League hay Giải hạng nhất thi đấu giao hữu thường xuyên phục vụ người dân.
Nghe mà thấy lòng nao nao, buồn và tiếc nuối. Khi ấy, điều mà cầu thủ tiếc nuối nhất là "chảo lửa" Cao Lãnh sẽ không còn nữa.
Cả Việt Nam này ít có nơi nào có cổ động viên đặc biệt như ở đây. Trời nắng như thiêu như đốt, nhưng từ 15 giờ người hâm mộ đã kéo nhau tới sân chật kín (16 giờ trận đấu mới bắt đầu). Cũng nhờ sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả mà cầu thủ chơi sung, dù thực lực có thể thua đối thủ. Nhiều đội bóng khi ấy thèm khát có đông khán giả mà không được. Có tiền cũng không mua được khán giả cuồng nhiệt như Đồng Tháp.
Vượt khó nhờ tình yêu người hâm mộ
Chính sự khắc khoải, sự tin yêu của hàng chục ngàn người hâm mộ tỉnh nhà, hình ảnh đáng tự hào về "chảo lửa Cao Lãnh" đã cứu đội bóng vào phút bù giờ. Nhiều doanh nghiệp đồng ý tài trợ và đội bóng vẫn tồn tại đến ngày nay dù cứ "ngụp lặn" giữa V-League và hạng nhất.
Đã từ lâu, đội bóng và người hâm mộ vẫn luôn có niềm tin và hi vọng vào các lứa cầu thủ trẻ, vì dù đội có nghèo lại có nhiều lứa trẻ tài năng. Năm 2016, U17 Đồng Tháp vô địch quốc gia. Cũng lứa cầu thủ ấy vào năm 2018 tiếp tục giành ngôi quán quân U19 quốc gia.
Tôi vẫn còn nhớ khi các cầu thủ trở về sau chiến thắng đã có một màn chào đón dù không ồn ào nhưng ấm áp với người hâm mộ và lãnh đạo tỉnh. Tôi và bạn tôi lại hi vọng rằng rồi đây trên sân Cao Lãnh sẽ thấy lại "chảo lửa" ngày nào và sẽ nhiều hơn những trận thắng.
Thế nhưng, năm 2019 một số em trong lứa U21 lại dính cá độ bóng đá, tiêu cực. Chắc không chỉ riêng tôi và bạn tôi hụt hẫng, đau lòng.
Nỗi buồn trên "chảo lửa Cao Lãnh"
Sáng 12-5, ngay sau quyết định kỷ luật 11 cầu thủ Đồng Tháp vì cá độ, cũng trên "chảo lửa Cao Lãnh" ngày nào, đội Đồng Tháp vẫn tập luyện như thường khi. Trong đội có nhiều cầu thủ vừa bị kỷ luật, không khí nặng nề, ưu tư.
"Bóng đen" đang bao trùm đội bóng nhưng khác với những giai đoạn khó khăn trước cái "bóng ma" cá độ, tiêu cực, đe dọa cướp đi của cầu thủ không chỉ là 5 năm hay 6 tháng thi đấu mà rất có thể là sự tin yêu, bước chân rộn ràng của người hâm mộ đến sân vào mỗi cuối tuần.
Người hâm mộ có thể dang nắng ở khán đài B, có thể chẳng buồn khi nhìn cầu thủ giỏi tỉnh nhà thi đấu cho đội bạn, nhưng sẽ quay lưng khi những bước chạy, đường chuyền trên sân thiếu lửa, toan tính, bị chi phối bởi đồng tiền.
Tôi lại hỏi bạn tôi về Cao Lãnh thì có xem Đồng Tháp đá không?
Bạn bảo vẫn sẽ đi, vẫn sẽ mua vé dù đến muộn và bạn tin rằng những "đứa trẻ" trót bồng bột, sa ngã sẽ đứng lên và quay đầu "chạy" về phía chúng ta và những người hâm mộ Đồng Tháp - những người có tiền cũng không mua được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận