Không có bàn học nên Nguyên thường "bò" ra nền để viết bài - Ảnh: MINH PHƯỢNG
Nguyên mới học lớp 3 nhưng có cách nói chuyện khá người lớn vì vào đời sớm. Cha mẹ thôi nhau, mẹ lấy chồng khác và đã có em. Ba ở Bình Thuận đi làm phụ hồ khổ quá cũng không nuôi được con. Vậy là Nguyên theo ông bà nội vào Sài Gòn để vừa học, vừa mưu sinh.
Nuôi ước mơ từ vé số đêm
"Ông nội bị cụt tay. Hằng ngày, ông bà nội đi bán vé số từ sáng đến tối. Con sáng đi học, chiều về nhà học bài rồi tối cũng đi bán vé số kiếm tiền" - Nguyên cho biết.
"Đi bán vé số cũng ngại, sợ bạn bè nhìn thấy. Con nhìn thấy bạn, thấy cô giáo thì con trốn. Con thương bà nên con mới đi".
Hồ Bảo Nguyên
Ngày nào cũng như ngày nấy, cứ gần 19h, Nguyên một mình rời phòng trọ lang thang khắp các con hẻm gần đấy cố bán hết 50 tờ vé số. Đến hơn 22h Nguyên mới trở về. Cậu học trò tâm sự: "Con tự đi bán một mình, cũng có khi bán hết, có khi không. Bán được bao nhiêu thì đưa bà giữ để sáng bà bắt xe ôm cho con đi học và cho tiền ăn sáng".
Vừa nuôi ước mơ con chữ, vừa mưu sinh kiếm sống, Nguyên cứ bền bỉ như vậy đã hơn một năm nay. Hỏi Nguyên đi bán vé số vậy có mệt không, em trả lời nhẹ tênh: "Mệt nhưng con cũng quen rồi, vì con đi bán cũng được năm mấy rồi đó!"
Nguyên theo bà nội vào TP.HCM mưu sinh vì cha mẹ thôi nhau - Ảnh: MINH PHƯỢNG
Trước đây, vì ông bà không có tiền nên Nguyên đi học ở lớp học tình thương. Thấy Nguyên chịu khó, học khá nên các thầy cô ở lớp tình thương xin cho Nguyên vào trường Tiểu học Nguyễn Du.
Trong phòng trọ lụp xụp nhỏ xíu với những tấm tôn vá đụp đã rỉ sét là nơi ở của ông bà và Nguyên. Mỗi khi cần viết bài, Nguyên cứ bò ra nhà để viết. Bà nội Nguyên buồn tủi vì đến chiếc bàn chỉ trăm ngàn đồng vẫn chưa mua nổi cho cháu. Bà phân trần: "Hai vợ chồng vô Sài Gòn được 6 năm nay. Cũng ráng làm để lo cho cháu nhưng già rồi nên cực lắm".
Ông bà nội đều cố gắng để đứa cháu có thể thực hiện được ước mơ "học giỏi để làm cảnh sát", và trước tiên là để Nguyên được đến trường, được học hành như bao đứa trẻ khác.
Tuổi thơ buồn tủi giữa một thành phố tấp nập, hối hả nhưng chẳng phải là nhà, Nguyên bảo: "Ở đây, con nhớ ba mẹ lắm, nhưng phải đến hè mới về thăm được!"
Học giỏi tìm học bổng đóng tiền trường
Biết hoàn cảnh của mình nên Trang - cô Liên đội trưởng của trường THCS Lương Thế Vinh luôn cố gắng học giỏi - Ảnh: MINH PHƯỢNG
Cũng sống với ông bà ngoại từ nhỏ là cô học trò Nguyễn Thùy Trang - học sinh lớp 8/8 trường THCS Lương Thế Vình.
Trang bảo em không biết ba ngay khi còn ở trong bụng mẹ. Mẹ Trang bị động kinh, chân bị tật, đi lại khó khăn nên không thể làm ra tiền. "Mẹ đi thêm bước nữa nên em ở với ông bà ngoại" - Trang kể.
Bà Trần Thị Gắng (62 tuổi) - bà ngoại của Trang cho biết bà nuôi Trang từ nhỏ đến giờ. "Ba nó bỏ đi. Mẹ nó có tật không làm ra tiền nên mình mang về nuôi. Nó cũng buồn lắm nhưng hoàn cảnh vầy nên phải chịu thôi" - bà Gắng nói.
Nhìn sang cháu, bà khoe rằng: "Nó học giỏi lắm đó. Nó học được tui cũng vui lắm. Mình cứ nói nó thôi con ráng học đi, học được thì đỡ cho con sau này. Ở nhà có gì ăn nấy, lay lắt cho qua ngày vậy đó, nhưng nó học được thì cứ cho nó học chứ không tội lắm".
Hiểu được sự cố gắng của ông bà, các năm học Trang đều là học sinh giỏi. Hiện nay em vừa là lớp trưởng, vừa là Liên đội trưởng của trường. Cô học trò này cho biết em cố gắng học thật giỏi để được nhận học bổng, để có tiền đóng học - đó cũng là cách em nuôi ước mơ đến trường của mình.
Cô học trò này cũng chia sẻ rằng em rất thích làm tổng phụ trách đội. Và để thực hiện ước mơ đó, có hoạt động gì ở Quận tổ chức, Trang đều xin tham gia. Còn ước mơ hiện tại của Trang là mong ông bà ngoại sống lâu với mình, mai này lớn lên em sẽ đi làm và có tiền để nuôi ông bà ngoại.
Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "", trị giá 3 triệu đồng/suất.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận