30/01/2021 12:01 GMT+7

Nơi bị lũ xóa sổ, làng Trà Văn A 'mọc' lại với tốc độ kinh ngạc

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - 'Suốt 3 tháng, bà con ngủ trên nền bùn, dưới lều tạm bằng bạt nhựa. Nhưng nay mọi thứ dần ổn rồi, nhà đã được dựng lên để người làng kịp đón tết' - trưởng làng Trà Văn A, xã Phước Kim (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) Trần Văn Lý xúc động tâm sự.

Nơi bị lũ xóa sổ, làng Trà Văn A mọc lại với tốc độ kinh ngạc - Ảnh 1.

Nụ cười đã xuất hiện trên gương mặt người dân sau bao đau thương - Ảnh: B.D.

17 căn nhà cho bà con vùng sạt lở đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam cùng doanh nghiệp làm lễ bàn giao cho các hộ dân ở làng Trà Văn A ngày 22-1. Đây là ngôi làng đầu tiên trong hàng chục nơi bị tàn phá bởi trận lũ lịch sử tháng 10-2020 tại Quảng Nam được tái thiết với tốc độ nhanh kinh ngạc.

Ngày dài hơn thế kỷ

Trà Văn A là ngôi làng của đồng bào Bh’noong nằm bên triền sông Nước Xe. Bao thế hệ dân ở đây sống bình yên giữa rừng già, nhưng chiều 28-10-2020, trong cơn bão số 9, nước thượng nguồn đổ về đã xóa sổ gần như toàn bộ ngôi làng rẻo cao này.

Ba tháng trôi qua, dẫn chúng tôi đi quanh làng những ngày cuối năm, trưởng làng Trần Văn Lý vẫn rùng mình: "Mỗi lần nhớ lại tôi bủn rủn người. Cả đời mình chưa bao giờ nghĩ có trận lũ lớn như vậy". 

Hôm 28-10-2020, sau nhiều ngày mưa gió lớn do ảnh hưởng của bão số 9, những ngọn núi quanh các ngôi làng vùng cao bắt đầu no nước. Lúc 14h trưa 28-10, sông Nước Xe vốn hiền như lòng suối nhỏ bỗng cuồn cuộn đỏ màu thác lũ. 

Nước từ thượng nguồn đổ về dữ dội kéo theo củi, đất đá đổ trùm lên những ngôi nhà dọc lòng sông. Người làng thất kinh dẫn nhau tháo chạy, tiếng trẻ con la khóc, người lớn bồng bế dắt díu ngược lên núi trốn lũ nhưng bốn bề đều là thác lũ.

"Nước đổ về rất lớn, xé trôi hết toàn bộ nhà của bà con dọc sông. Cả đêm hôm đó bà con chạy tán loạn. Nhà sinh hoạt cộng đồng của làng ở nơi cao nhất, được xây bằng bêtông kiên cố trở thành nơi lánh nạn cho 200 con người. Nhưng cũng có nhiều bà con hoảng quá, ôm đồ chạy vào rừng trốn tới hôm sau mới về. Sáng ra, gần như tất cả chỉ là đổ nát, không một thứ gì còn sót lại ngoài những nền nhà" - ông Lý kể lại.

Chủ tịch UBND xã Phước Kim Hồ Văn Tròn cho biết đó là những ngày khó khăn và ám ảnh nhất từ khi thành lập xã. Núi lở khắp nơi, nhà bị vùi lấp nhiều vô kể. Theo ông Tròn, người dân làng Trà Văn A đã tháo chạy được nên không có ai tử nạn, nhưng làng thì gần như bị xóa sổ. 

Làng Trà Văn A có tổng cộng 67 hộ thì gần 40 ngôi nhà bị lũ xé toạc, 26 gia đình lâm cảnh màn trời chiếu đất.

Nơi bị lũ xóa sổ, làng Trà Văn A mọc lại với tốc độ kinh ngạc - Ảnh 2.

Chỉ sau hai tháng xây dựng, làng mới khang trang đã được chính quyền, doanh nghiệp và người dân dựng lên ở Trà Văn A

Thần tốc dựng làng

Trong tất cả khu dân cư bị hư hại vì lũ quét lịch sử cuối năm 2020 tại huyện Phước Sơn, Trà Văn A là ngôi làng chứng kiến sự tái thiết thần tốc nhất với sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp, chính quyền tỉnh Quảng Nam lẫn bà con. 

Ngày 22-1, sau gần 3 tháng làng bị xóa sổ trong bão số 9, một ngôi làng mới đã được dựng lên kế bên làng cũ. Những tấm bạt nhựa tạm bợ làm chỗ ở qua ngày cho các hộ dân mất nhà đã được gỡ bỏ. Mọi người bận bịu dọn đồ đạc về nhà mới để chuẩn bị cho một cái tết đặc biệt.

Chủ tịch UBND xã Phước Kim cho biết hàng tháng trời sau khi lũ quét xóa sổ làng, con đường bêtông và cầu bắc qua sông Nước Xe bị xé tan tành. Để có gạo, mắm muối, chăn màn... cho bà con sống qua những ngày khó khăn, trai tráng mạnh khỏe của xã và bộ đội, dân quân đã được huy động. 

Trong mưa lạnh, những bóng người lầm lũi vượt rừng, cõng từng bao gạo vào tiếp tế cho 500 con người đang bị cô lập. 

Hình ảnh xúc động nhất là dù đói khổ, hoạn nạn nhưng những người dân vùng cao ở các ngôi làng gần Trà Văn A đã vận động nhau góp gạo, lấy bớt áo quần, chăn màn của mình để bộ đội cõng ngược núi qua tiếp tế cho bà con nơi bị cô lập.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, sau bão số 9, tỉnh Quảng Nam thiệt hại nặng nề, nhiều ngôi làng trong phút chốc tan hoang nên tỉnh không thể tái thiết sớm cuộc sống cho bà con. Làng Trà Văn A cách trung tâm tỉnh khoảng 140km, ngổn ngang đổ nát. Giữa cảnh khó khăn, một doanh nghiệp tại huyện Phước Sơn đã đề xuất được đưa máy móc, nhân công vào tái thiết làng.

Ông Lý Minh Tám - giám đốc Công ty TNHH thương mại và du lịch Lý Châu Giang (huyện Phước Sơn), đơn vị trực tiếp tài trợ tái thiết làng Trà Văn A - cho biết sau bão số 9 mưa lũ kéo dài liên tiếp hàng chục ngày. Đường sá bị lũ và đất đá san phẳng, làng Trà Văn A bị cô lập hoàn toàn giữa bốn bề núi lở. 

Cuối tháng 11-2020, xe cơ giới cùng hàng trăm người được huy động vào thông đường, tái thiết làng. Sông Nước Xe rách toạc và mở rộng các hàm ếch sau lũ; dưới dòng nước chảy xiết, những dòng người dàn hàng ngang thả rọ đá mở đường. Những chuyến xe vật liệu nối đuôi nhau vượt sông vào làng Trà Văn A.

"Chúng tôi chưa bao giờ xây công trình nào mà với tốc độ nhanh, vượt những khó khăn tới mức như ở làng Trà Văn A. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, giữa mưa lũ dầm dề, anh em công nhân, người dân đã dựng được 17 căn nhà cho bà con vào tá túc. Khi nhà được lợp mái, nhiều người mừng tới phát khóc. Họ từng có nhà cửa, sống yên ổn nhưng tai họa bất ngờ làm nhiều người màn trời chiếu đất" - ông Tám nói.

Nhiều hộ dân suốt hàng tháng trời sống trong cảnh dầm dề giữa lều tạm đã được nhận nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi. Nhà được bố trí trên khoảnh đất bằng phẳng ở nơi cao ráo, cách làng cũ khoảng 100 mét, đủ an toàn khi có mưa lũ lớn. Mỗi căn rộng 50m2, được làm bằng khung sắt thép, tường và mái bằng tôn.

Những nụ cười đã trở lại trên nét mặt người làng.

Không để hộ dân nào đói rét, không có tết

tra van 5

Cuộc sống mới đã xuất hiện bên dấu tan hoang sau lũ quét - Ảnh: B.D.

Mưa lũ lịch sử tháng 10-2020 đã làm 650 ngôi nhà của người dân Quảng Nam bị tàn phá, hư hại. Nặng nhất là huyện Phước Sơn và Nam Trà My. Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết ngoài làng Trà Văn A được tái thiết, tỉnh Quảng Nam cùng các doanh nghiệp đang tranh thủ từng giờ xây dựng lại các ngôi làng bị sạt lở nặng cho bà con. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là mặt bằng tái định cư.

"Các hộ chưa có nhà cửa thì chính quyền đang bố trí ở tạm chờ tái định cư ổn định. Chúng tôi cấp gạo, huy động mọi nguồn lực để đảm bảo bà con có cái tết đầm ấm, không ai bị đói rét, không một hộ dân nào không có tết" - ông Dũng nói.

Tất niên sớm ở ngôi làng bị xóa sổ

22-1 là ngày vui nhất ở ngôi làng bị lũ xóa sổ Trà Văn A. Hàng chục ôtô vượt núi chở hàng hóa nối nhau lên tặng quà tết. Để ăn mừng làng được xây lại, già làng và bà con đã quyết định tổ chức lễ cúng tất niên sớm bằng nghi lễ bản địa.

"Người Bh’noong trước đây chỉ coi Tết mùa (Tết mừng lúa mới) là Tết truyền thống. Năm nay bà con trải qua lũ lụt, mất nhà mất cửa nhưng được giúp làm lại làng nên ai cũng vui. Chúng tôi sẽ đón Tết cổ truyền, đến nhà nhau chúc tết, cầu mong một năm an lành" - ông Hồ Văn Deo, già làng Trà Văn A, nói.

Trở lại ngôi làng bị xóa sổ trong lũ dữ Trở lại ngôi làng bị xóa sổ trong lũ dữ

TTO - Đêm 15 rạng sáng 16-12, một ngôi làng ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã bị xóa sổ chỉ trong vài giờ nước lũ tràn qua.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp