03/10/2017 13:25 GMT+7

Nỗi ám ảnh với người thân các nạn nhân thảm sát

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Ông Eamon Javers, phóng viên Đài truyền hình CNBC, kể lại những ký ức kinh hoàng khi đưa tin về các vụ thảm sát bằng súng tại Mỹ. Las Vegas là cơn ác mộng mới đối với ông.

Nỗi ám ảnh với người thân các nạn nhân thảm sát - Ảnh 1.

Cờ Mỹ được kéo xuống tại khu Đài tưởng niệm Washington ngày 2-10 để tưởng nhớ các nạn nhân vụ xả súng Las Vegas - Ảnh: REUTERS

Có một nhịp điệu kinh khủng trong các vụ xả súng giết người hàng loạt mà tất cả chúng ta đều cùng trải qua. Những bản tin đầu tiên. Rồi xuất hiện nhiều thông tin mâu thuẫn. Con số thương vong cứ tăng lên, không ngừng tăng lên.

Nhưng đối với những gia đình có người thân kẹt trong trận tắm máu như thế, có một thứ cảm xúc trộn lẫn còn kinh khủng hơn.

Đầu tiên, họ nghe tin người thân có mặt tại hiện trường, họ hốt hoảng chạy đi nghe ngóng, rồi họ di chuyển đến một trung tâm đoàn tụ do chính quyền dựng lên tạm. Nhưng không phải gia đình nào cũng có thể đoàn tụ.

Năm ngoái, tôi đã chứng kiến khoảnh khắc đó ngay sau vụ xả súng ở hộp đêm Pulse (TP Orlando, bang Florida). 

Nhận nhiệm vụ đưa tin cho Đài CNBC, tôi di chuyển đến khách sạn Hampton Inn cách không xa hiện trường nơi 49 người bị sát hại. Tôi tới đúng vào lúc nhà chức trách đang thông báo cho các gia đình danh sách những người thiệt mạng.

Đó là thứ khủng khiếp nhất tôi từng chứng kiến.

Nỗi ám ảnh với người thân các nạn nhân thảm sát - Ảnh 2.

Trong buổi tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát ở Las Vegas vào ngày 2-10 - Ảnh: REUTERS

Chính quyền đã làm đúng mọi thứ - họ nhờ sự hỗ trợ của các mục sư, chuyên gia tâm lý... Thật ra, tất cả những gì nhóm giúp đỡ có thể làm ban đầu là dìu mọi người, không để họ gục ngã xuống sàn nhà.

Là một phóng viên, bản năng của anh là cứ đưa tin, phỏng vấn, thu nhặt thông tin, tìm hiểu câu chuyện... Nhưng tôi không thể hỏi những người đó bất cứ điều gì.

Hàng trăm người lạ mặt tập trung vào một nơi chỉ để nhận thông báo rằng con cái họ - phần lớn là thanh niên trong độ tuổi 20 - bị sát hại đúng vào những năm tháng đỉnh cao của cuộc sống. Đó là một thực tế tàn nhẫn.

Mọi người ai cũng la lên "Không, không!"... Cảnh tượng trộn lẫn giữa sự bàng hoàng, giận giữ, không chấp nhận. 

Số lượng người giúp đỡ ở đó không đủ để giữ tất cả mọi người đứng vững. Quá nhiều đau buồn dồn vào một nơi. 

Nhân viên khách sạn tập trung các gia đình ở sảnh chính, họ đi qua lại mời nước uống, gối nằm và sự giúp đỡ. Nhưng thật sự là không có cách nào để giúp. Không cách nào mang những người đã chết quay lại, không cách nào xóa hết những gì xảy ra...

Nỗi ám ảnh với người thân các nạn nhân thảm sát - Ảnh 3.

Dòng người xếp hàng chờ hiến máu cứu các nạn nhân bị thương trong vụ thảm sát ở Las Vegas - Ảnh: REUTERS

Tôi nhớ đó là một ngày nóng hừng hực. Mọi người dần lê bước về phía bãi đậu xe, tránh sự thiêu đốt của mặt trời. Một phút trước còn ở với nhau, mỗi người giờ đây quay về với thế giới và nỗi đau của chính mình.

Còn những thành viên khác trong gia đình phải thông báo, những đám tang phải tổ chức...

Buổi trưa đó ở khách sạn Hampton Inn chỉ là một lần. Những vụ xả súng vẫn cứ xảy ra. Nhịp điệu chết chóc của chúng không dừng lại. 

Và cứ mỗi lần như vậy, tôi lại nghĩ đến những gia đình vĩnh viễn mất người thân. Họ được cảnh sát, bệnh viện, quan chức... mời đến một nơi nào đó, trung tâm hội nghị hay khách sạn, để thông báo tin buồn.

Cú sốc kinh khủng. Nỗi mất mát quá lớn.

Dù các vụ xả súng có vẻ xảy ra thường xuyên như chúng ta đang chứng kiến, tôi vẫn không nghĩ chính quyền sẽ khá hơn trong chuyện giúp mọi người vượt qua cú sốc. Tôi không nghĩ đây là thứ người ta có thể quen được.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp