Đập thủy điện Đakrông 3 bị vỡ một mảng lớn thời điểm tháng 10-2012 - Ảnh: QUỐC NAM
Nước chỉ chảy một tí không đáng gì đâu
Ông MAI VĂN HUẾ (đại diện chủ đầu tư thủy điện Đắkrông 3 nói về sự cố vỡ đập năm 2012 cuốn trôi hơn 10 tỉ đồng mùa vụ của người dân)
Nghe mưa là... run
Gia đình chị Hồ Thị Mo ở bản Vôi, xã Tà Long, nằm cách đập chưa đến 3 cây số. Bản này là một trong hai bản của xã Tà Long nằm sát với mép sông Đakrông nên đây cũng là nơi người dân bị ám ảnh nhất với này.
"Bình thường tôi đi rẫy từ sáng đến quá trưa mới về, nhưng mấy bữa nay mưa gió bất thường nên hễ cứ thấy trời sắp chuyển mưa là tui chạy về nhà ngay" - chị Mo nói và cho biết điều chị lo nhất khi có mưa chính là ở cái đập thủy điện Đakrông 3 ngay phía trên.
Chị vẫn chưa thể quên được ký ức kinh hoàng khi xảy ra sự cố lần đầu sáu năm trước. Nhà chị đã từng bị nước cuốn đi nhiều lương thực, hoa màu.
"Cả nhà vừa mới thức dậy thì một tiếng nổ lớn phát ra từ phía đập thủy điện. Người trong bản túa ra đường ngơ ngác hỏi nhau chuyện gì. Chưa ai kịp có câu trả lời thì thấy nước ào ào đổ xuống khúc sông ngay trước nhà, rồi khoai mì mới thu hoạch đang đóng bao để sát bờ sông bị cuốn trôi trong phút chốc" - chị Mo nhớ lại.
Điều ám ảnh nhất trong đầu chị Mo là tốc độ chảy của nước. Nó nhanh và mạnh hơn tất cả những trận lũ mà chị từng nhìn thấy. Cứ như có người bưng xô nước hắt từ trên cao xuống. Thi thoảng chị còn nhìn thấy những khối bêtông lớn hàng chục tấn bị nước cuộn đi nhẹ như khúc gỗ.
Chỉ trong vài phút mực nước đã dâng lên sát mép nhà. Cụ ông Pả Thanh, ở ngay sát chân đập thủy điện này, nói nhà ở gần nên nghe tiếng nổ như bom Mỹ trong chiến tranh. Ông cũng chạy ra nhìn xuống suối thì thấy đập bêtông đã vỡ một mảng lớn.
Đoạn đập bị vỡ sau đó đã được làm mới. Thủy điện cũng đưa vào vận hành. Vùng hồ phía trên lại tích nước.
"Nói thiệt là dù họ có vá lại rồi nhưng hễ cứ mùa mưa lũ là dân ở đây lại bất an. Khối bêtông dày đến thế mà còn bị nước giật vỡ tung thì không có gì đảm bảo đập sẽ không vỡ tung lần nữa. Rồi cả triệu mét khối nước trong lòng hồ chứa sẽ ào về phía hạ lưu bất ngờ..." - cụ Pả Thanh nói.
Và những lo lắng của cụ ông Pả Thanh đã đến ngay sau đó một năm. Thật trùng hợp là cũng vừa khi bắt đầu mùa mưa bão. Đập được thiết kế theo dạng phím tràn. Tức nước tích đủ cao ngang mức phím thì tự tràn qua.
Nhưng dân trong bản phát hiện có nước chảy qua thân đập, dù mực nước tích trong hồ chứa phía trên thời điểm đó chưa đủ tràn qua phím.
UBND huyện Đakrông và đoàn kiểm tra của Sở Công thương Quảng Trị sau đó lên kiểm tra thì phát hiện phím số 4 của thân đập bị vỡ một mảng có chiều cao 3m, chiều dài 7m. Chủ đầu tư khai báo rằng do bị gỗ trong nước lũ từ cơn bão số 8 trước đó va vào gây vỡ.
"Đập cứ gặp sự cố liên tiếp như rứa nên dân ở dưới hạ lưu không thể không lo. Mấy năm nay đập thủy điện này chưa có thêm sự cố nào. Nhưng các ký ức về những lần vỡ trước đó vẫn cứ ám ảnh người dân.
Thậm chí cả khi ăn, ngủ mà nghe mưa lớn dân bản cũng phải chạy ra ngước về phía đập xem có an toàn không" - anh T., một cán bộ UBND xã Tà Long, chia sẻ.
Hố hàm ếch ở hạng mục phụ phía dưới chân đập mới xuất hiện cũng mang đến sự bất an cho người dân - Ảnh: QUỐC NAM
Dối trá và không hợp tác
Đập thủy điện Đakrông 3 do Công ty cổ phần thủy điện Trường Sơn (trụ sở tại tỉnh Quảng Bình) làm chủ đầu tư với công suất 8MW. Hồ chứa có dung tích 3,4 triệu mét khối.
Đến thời điểm hiện tại, ngay dưới chân đập vẫn còn dấu tích của những lần gặp sự cố. Nhiều khối bêtông lớn bị vỡ ra từ thân đập năm 2012 vẫn nằm ngổn ngang rải dọc hàng trăm mét dưới lòng suối.
Chính quyền địa phương cho biết họ cũng bị "ám ảnh" bởi sự bất hợp tác của chủ đầu tư khi xảy ra sự cố.
Ông Lê Đa Sơn, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, kể thời điểm xảy ra sự cố vỡ đập lần thứ nhất vào tháng 10-2012, sau sự cố một tuần, chủ đầu tư mới chịu làm việc với các cơ quan chức năng sau nhiều lần trì hoãn.
Thế nhưng, trong báo cáo giải trình gửi UBND tỉnh Quảng Trị họ lại phủ nhận chuyện vỡ đập và giải thích rằng hạng mục bị vỡ chỉ là hạng mục xây tạm.
Ở lần vỡ đập thứ hai vào tháng 9-2013, ban đầu chủ đầu tư cũng không hợp tác với đoàn kiểm tra và phủ nhận có sự cố. Họ từ chối đưa cơ quan chuyên môn ra giữa thân đập để kiểm tra.
Phải đến khi đoàn kiểm tra dùng máy quay phim zoom lại để quan sát thì phát hiện một bàn phím đã bị vỡ. Chủ đầu tư lúc đó mới buộc phải khai báo.
Từ những sự cố này, tỉnh Quảng Trị đã buộc nhà đầu tư phải cam kết báo cáo ngay khi có sự cố để kịp thời ứng cứu người dân khỏi vùng nguy hiểm.
Ông Phạm Văn Hùng, phó chủ tịch UBND huyện Đakrông, cho biết huyện phải luôn chuẩn bị sẵn phương án di dời cho người dân sống ven sông Đakrông thuộc xã Tà Long và xã Đakrông khi dự báo có mưa lũ hoặc bão lớn.
Từ khi có đập thủy điện Đakrông 3, mỗi mùa mưa lũ người dân xã Tà Long phải đối diện với tình trạng nước từ lòng hồ tràn lên đường Hồ Chí Minh gây chia cắt đoạn qua xã này - Ảnh: QUỐC NAM
Đến năm 2014, tức sau khi công trình thủy điện này đi vào vận hành khoảng một năm, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị lại phát hiện có một hố xói lớn ở ngay chân đập.
Trong ba tháng từ tháng 5 đến tháng 8-2014, các cơ quan này liên tục yêu cầu chủ đầu tư phải gia cố chân đập, khắp phục hố xói để đảm bảo an toàn cho thân đập.
Đến cuối tháng 8-2014, chủ đầu tư báo cáo đã thực hiện gia cố chân đập và hoàn thành kiểm định an toàn đập. Tuy nhiên, sau đó hai tháng, khi cơ quan chuyên môn của tỉnh này lên kiểm tra thì hố xói ở chân đập này vẫn y nguyên kích thước 40m dài, gần 2m sâu.
________________________________
Kỳ tới: Dưới quả "bom nước" Hố Hô
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận