Một tác phẩm văn học dịch cần bám sát nghĩa tới mức nào?
Nabokov, người thông thạo ba ngôn ngữ và viết bằng hai trong số đó, tin rằng "bản dịch vụng về nhất vẫn tốt hơn nghìn lần bản tóm tắt đẹp đẽ nhất".
Trong khi đó Borges lại cho rằng người dịch không nên sao chép văn bản, mà cần biến đổi và làm giàu cho nó.
"Dịch thuật là giai đoạn cao cấp hơn của văn minh" - Borges khẳng định, hay tùy theo bản dịch, có thể là "giai đoạn cao cấp hơn của viết lách".
Dụ ngôn tự hủy và ám ảnh Bản chất của người
Cuốn The Vegetarian (Người ăn chay) cấu trúc như kiểu dụ ngôn, kể về quá trình tự hủy rất sinh động của một cơ thể con người. Con người đó là bà nội trợ Yeong Hye, mà theo lời mô tả của chồng, ông Cheong, là "người xét mọi khía cạnh hoàn toàn không có gì đặc biệt".
"Trong tính cách thụ động của người phụ nữ đấy, tôi chẳng thể tìm thấy gì tươi mới hay hấp dẫn, hay tinh tế, và vậy là rất hợp với tôi". Nhưng có một điều mà ông Cheong thấy vợ mình khác biệt: cô không thích mặc áo ngực, vì nó bóp nghẹt bầu ngực của cô.
Cô không mặc áo ngực ở nơi công cộng, kể cả trước mặt bạn bè chồng, dù theo lời chồng, cô không sở hữu "một bộ ngực hợp với phong cách không áo ngực".
Một sáng nọ, ông Cheong phát hiện vợ mình đã bỏ hết thịt trong tủ lạnh. Cô tuyên bố mình trở thành người ăn chay vì "tối qua đã nằm mộng".
Quyết định không ăn thịt của Yeong Hye bị coi là thái độ chống đối đáng ghét với cả gia đình.
The Vegetarian có phong vị dụ ngôn về thái độ chống đối lặng lẽ và hệ quả của nó, một suy nghiệm sâu sắc về nền văn hóa Hàn Quốc, với những câu hỏi về quyền tự quyết và đòi hỏi đồng phục theo xã hội vang vọng khắp nơi. Đó cũng là những câu hỏi trung tâm trong các tác phẩm của Han Kang.
Gia đình Han Kang rời quê hương Gwangju chuyển tới Seoul năm 1980, khi Han mười tuổi, không lâu sau khi viên tướng độc tài của Hàn Quốc Chun Doo Hwan giành chính quyền bằng đảo chính và tuyên bố thiết quân luật.
Những cuộc biểu tình của sinh viên ở Gwangju bị đàn áp bằng vũ lực: súng đạn và lưỡi lê. Tổ chức dân quân gồm sinh viên và công nhân đã cướp vũ khí của các đồn cảnh sát và có lúc buộc quân đội phải rút ra ngoại ô thành phố.
Biến cố này kéo dài chín ngày. Hàng trăm hoặc hàng nghìn người đã bỏ mạng, không ai biết chính xác.
Cuốn Human Acts (Bản chất của người) in năm 2014 kể lại câu chuyện đó, và trong một tiểu luận về cuốn đó trên tạp chí Asymptote, dịch giả Deborah Smith mô tả đọc tác phẩm của Han Kang giống như "bị nhấn chìm trong những hình ảnh sắc như dao cạo trồi lên từ câu chữ, dù không hề được mô tả trực tiếp ở đấy".
Dịch thuật và tính phổ quát của văn chương
Năm 2016, cuốn The Vegetarian trở thành tiểu thuyết tiếng Hàn đầu tiên được giải Man Booker International Prize, dành cho cả tác giả (Han Kang) và người dịch (Deborah Smith).
Trong thế giới nói tiếng Anh, Smith, lúc bấy giờ là nghiên cứu sinh tiến sĩ 28 tuổi học tiếng Hàn đã được sáu năm, rất được ca ngợi vì tác phẩm đấy.
Tuy nhiên trên truyền thông Hàn Quốc, lòng tự hào quốc gia vì chiến thắng của Han Kang, cùng số sách in ra tăng 20 lần (lúc in lần đầu năm 2007, cuốn sách chỉ thành công vừa phải), nhanh chóng bị phủ bóng bởi những cáo buộc dịch thuật sai.
Dù Han Kang đã đọc và chấp thuận bản dịch, trang Huffington Post Korea nói nó "hoàn toàn sai lạc".
Charse Yun, người Mỹ gốc Hàn từng dạy phiên dịch ở Seoul, sau đó viết một bài trên báo Mỹ The Los Angeles Times, có đoạn:
"Smith đã khuếch đại phong cách yên ắng, thư thả của Han Kang, trang trí thêm cho văn chương của bà bằng trạng từ, tính từ so sánh và những lựa chọn từ ngữ kịch tính khác không hề có trong bản gốc. Không phải một hay hai lần, mà gần như là trang nào cũng thấy".
Yun so sánh là lối dịch đấy giống như biến Raymond Carver thành Charles Dickens. Theo quan điểm của Yun, đây không chỉ là vấn đề chính xác mà là vấn đề văn hóa lớn hơn.
Hàn Quốc có truyền thống văn chương phong phú và đa dạng, và lịch sử gắn bó với phương Tây, nhất là với Mỹ, trong thời hiện đại.
Nhưng không có nhiều tác phẩm văn chương tiếng Hàn thành công trong thế giới nói tiếng Anh, chắc chắn là không thể sánh được với văn chương Trung Quốc hay Nhật Bản về độ phổ biến ở phương Tây.
Charse Yun, trong tiểu luận về cuốn The Vegetarian, nói ông ngưỡng mộ dịch phẩm của Smith nhưng cho rằng đó là một "sáng tạo mới".
Smith thì khăng khăng những gì cô đã thêm vào là những hình ảnh "được ngôn ngữ tiếng Hàn gợi lên bạo liệt đến mức tôi thấy mình tìm kiếm vô vọng trong văn bản gốc, tin rằng phải có những từ ngữ đấy ở đâu đó, vì trong đầu tôi, chúng hiện lên sinh động vô cùng".
Bỏ qua tranh cãi về ngôn ngữ học, những gì Smith mô tả là tác động mà nhà văn nào cũng muốn thấy ở độc giả: cảm xúc tuôn ra từ ruột gan như thể mình đã trực tiếp trải nghiệm những gì bày ra trên trang sách. Han Kang có vẻ đã làm được điều đó.
Lược dịch từ bài của tác giả JIAYANG FAN (THE NEW YORKER)
Chiều 10-10, giải Nobel văn chương 2024 được công bố thuộc về tác giả người Hàn Quốc Han Kang "vì tác phẩm văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt, đối diện với những tổn thương lịch sử và làm lộ rõ sự mong manh của đời người" mà bà viết ra, theo Viện hàn lâm Thụy Điển.
Với chiến thắng này, Han Kang trở thành tác giả nữ thứ 18 đoạt giải trong lịch sử Nobel văn chương.
Han Kang sinh năm 1970 ở Gwangju. Thành phố tỉnh lẻ nằm ở cực nam bán đảo Triều Tiên vào thời bấy giờ có dân số khoảng 600.000 người.
Cha bà, Han Seung-won, là tiểu thuyết gia nổi tiếng và từng giành nhiều giải thưởng văn chương.
Ông còn làm nghề giáo viên, và gia đình bà hay đổi chỗ ở theo công việc của ông. Khi còn nhỏ, Han học năm trường tiểu học khác nhau nên sách vở đã luôn là bạn thân thiết của bà.
Tại Việt Nam, sách của Han Kang được dịch khá sớm, từ năm 2011 với Người ăn chay, sau đó là Trắng, Bản chất của người...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận