Ba nhà kinh tế học (từ trái qua) Joshua Angrist, Guido Imbens và David Card - Ảnh: Reuters
Ba nhà kinh tế học David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens được trao giải vì chứng minh rằng những câu trả lời chính xác cho một số câu hỏi cấp bách nhất của xã hội có thể được thu thập từ các "thí nghiệm tự nhiên". Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết cả ba đã "hoàn toàn định hình lại công việc thực nghiệm trong khoa học kinh tế".
Các nghiên cứu của Card về những câu hỏi cốt lõi đối với xã hội cùng những đóng góp về phương pháp luận của Angrist và Imbens đã chỉ ra rằng các thí nghiệm tự nhiên là một nguồn kiến thức phong phú. Nghiên cứu của họ đã cải thiện đáng kể khả năng của chúng ta trong việc trả lời các câu hỏi quan trọng về nhân quả, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội.
Ông Peter Fredriksson (chủ tịch Ủy ban giải Nobel kinh tế)
Tăng lương tối thiểu ít có tác động xấu
David Card, nhà kinh tế học người Mỹ gốc Canada, giành một nửa giải Nobel vì đã có nghiên cứu tiên phong cho thấy việc tăng lương tối thiểu không dẫn đến việc mất việc làm và người nhập cư không tạo ra nguy cơ lớn với đồng lương của người bản địa.
Theo Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, các nghiên cứu của ông David Card từ đầu những năm 1990 đã "thách thức trí tuệ thông thường". Ông xem xét điều gì xảy ra khi bang New Jersey (Mỹ) tăng mức lương tối thiểu từ 4,25 USD lên 5,05 USD và sử dụng các nhà hàng bang Pennsylvania giáp New Jersey làm nhóm so sánh.
Trái ngược với các nghiên cứu trước đó, ông và cộng sự Alan Krueger (qua đời năm 2019) phát hiện ra rằng việc tăng lương tối thiểu không ảnh hưởng đến số lượng nhân viên. Nghiên cứu kết luận rằng những tác động tiêu cực của việc tăng lương tối thiểu là nhỏ và nhỏ hơn đáng kể so với những gì được tin 30 năm trước khi Card và cộng sự tiến hành nghiên cứu.
Nghiên cứu về mức lương tối thiểu của Card đã làm thay đổi cơ bản quan điểm của các nhà kinh tế, theo Hãng thông tấn AP. Năm 1992, một cuộc khảo sát đối với các thành viên của Hiệp hội Kinh tế Mỹ (AEA) cho thấy 79% đồng ý rằng luật lương tối thiểu làm tăng tỉ lệ thất nghiệp ở những người lao động trẻ và có kỹ năng thấp hơn. Quan điểm này chủ yếu dựa trên quan điểm kinh tế truyền thống về cung và cầu: nếu anh tăng giá của một thứ gì đó, anh sẽ nhận lại ít hơn. Tuy nhiên, đến năm 2000, chỉ 46% thành viên của AEA cho rằng luật lương tối thiểu làm tăng tỉ lệ thất nghiệp. Sự thay đổi quan điểm này phần lớn là do nghiên cứu của Card và Krueger.
Phát hiện của họ đã mở đường cho các nghiên cứu sâu hơn về lý do tại sao mức lương tối thiểu cao hơn lại không làm giảm việc làm. Một trong các kết luận đưa ra là các công ty có thể chuyển chi phí tiền lương cao hơn cho khách hàng bằng cách tăng giá sản phẩm. Card cũng phát hiện ra rằng thu nhập của những người bản xứ có thể được hưởng lợi từ những người nhập cư mới, trong khi những người nhập cư đến sớm hơn mới là những người có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Ông xem xét thị trường lao động ở Miami sau khi hàng trăm ngàn người Cuba đến Mỹ năm 1980 giúp lực lượng lao động của thành phố tăng 7%. Bằng cách so sánh sự phát triển của tiền lương và việc làm ở 4 thành phố khác, Card phát hiện ra không có tác động tiêu cực nào đối với những người dân Miami có trình độ học vấn thấp.
Xác định nhân quả
Joshua Angrist (người Mỹ gốc Israel) và Guido Imbens (người Mỹ gốc Hà Lan) chia sẻ một nửa giải thưởng còn lại vì có phương pháp luận nghiên cứu các vấn đề xã hội.
Không giống như các ngành khoa học khác, các nhà kinh tế học không thể tiến hành các thí nghiệm lâm sàng có thể kiểm soát chặt chẽ đối tượng. Thay vào đó, họ nghiên cứu kết quả của các sự kiện ngẫu nhiên hoặc các thay đổi chính sách thực tế trên các nhóm người. Công việc của Card về mức lương tối thiểu là một ví dụ về "thí nghiệm tự nhiên". Theo AP, vấn đề với những thử nghiệm như vậy là đôi khi có thể khó phân lập nguyên nhân và kết quả. Ví dụ: nếu bạn muốn tìm hiểu xem liệu học thêm một năm có tăng thu nhập của một người, bạn có thể đơn giản so sánh thu nhập của những người trưởng thành có thêm một năm đi học với những người không có.
Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy vì có nhiều yếu tố khác có thể xác định liệu những người có thêm một năm ở trường có thể kiếm được nhiều tiền hơn hay không. Ví dụ, thu nhập của nhóm này cao hơn nhóm không học thêm một năm có thể do họ là những người lao động chăm chỉ, cần cù chứ không hẳn vì thời gian ở trường. Những loại vấn đề này khiến các nhà kinh tế học và các nhà nghiên cứu khoa học xã hội khác đau đầu.
Theo Ủy ban giải Nobel kinh tế, các thí nghiệm tự nhiên rất khó giải thích, nhưng Angrist và Imbens, vào giữa những năm 1990, đã phát triển các phương pháp luận để vượt qua những thách thức này và xác định chính xác hơn những gì thực sự có thể xem là nguyên nhân và kết quả của các thí nghiệm tự nhiên. Nói một cách khác, phương pháp luận của hai ông cho phép các nhà kinh tế học đưa ra kết luận vững chắc đâu là nguyên nhân và kết quả ngay cả khi họ không thể thực hiện các nghiên cứu theo các phương pháp khoa học nghiêm ngặt.
Những người bạn tốt
Không chỉ làm việc cùng nhau trong lĩnh vực nghiên cứu, 3 nhà kinh tế học này cũng là bạn tốt của nhau trong cuộc sống.
Nhà kinh tế học Guido Imbens kể lại ông Angrist từng làm phù rể trong đám cưới của ông. "Tôi rất vui khi biết tin này (nhận giải Nobel kinh tế), đặc biệt khi biết rằng tôi chia sẻ giải thưởng này với Joshua Angrist và David Card. Họ đều là những người bạn rất tốt của tôi" - ông Imbens chia sẻ cảm xúc. Còn nhà kinh tế học David Card lúc đầu cứ nghĩ rằng thông tin được trao giải Nobel chỉ là "một trò đùa" của bạn bè. Giáo sư Card nói rằng "những đóng góp của tôi khá khiêm tốn".
BẢO ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận