28/01/2024 11:49 GMT+7

Nợ xấu ngân hàng tăng nhanh ra sao?

Chất lượng tín dụng nhiều ngân hàng có dấu hiệu đi xuống. Ngay cả với một số ngân hàng có khẩu vị rủi ro thấp cũng ghi nhận nợ xấu tăng đều cả 3 nhóm.

Kinh tế khó khăn, ngân hàng khó tránh nợ xấu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kinh tế khó khăn, ngân hàng khó tránh nợ xấu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bức tranh kinh doanh ngành ngân hàng 2023 dần lộ diện. Điểm tích cực, nhiều nhà băng có tăng trưởng lợi nhuận tốt năm qua.

Dù vậy, kinh tế khó khăn, nợ xấu vẫn là điểm nóng giới ngân hàng phải đối mặt. Khi chỉ tiêu này tăng, kết quả kinh doanh bị bào mòn, việc cấp tín dụng cũng trở nên thận trọng hơn…

Nợ xấu tăng ở nhiều nhà băng

Nợ xấu được phân loại theo tiêu chí thời gian quá hạn trả. Nợ xấu gồm các khoản nợ quá hạn trên 3 tháng trở lên tương ứng 3 nhóm: 3, 4 và 5 (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn).

Báo cáo tài chính ở một số nhà băng cho thấy nợ nhóm 3, 4 giảm nhưng nhóm 5 lại tăng mạnh. Như tại NCB, tổng nợ xấu đến cuối năm 2023 ở mức hơn 16.400 tỉ đồng, tăng so với cuối năm 2022.

Theo quy định, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng phải tăng dần lên từ 20% với nợ nhóm 3 lên 50% với nợ nhóm 4 và nợ nhóm 5 là 100%. 

Điều này ảnh hưởng tới lợi nhuận nhưng đảm bảo khả năng bù đắp các tổn thất đối với các khoản tín dụng tiềm ẩn rủi ro, nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng. 

Chất lượng tài sản của Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) cũng xấu hơn. 

Đến cuối năm 2023, tổng nợ xấu BVBank 1.913 tỉ đồng, tăng 35% sau một năm. Trong đó, nhóm có khả năng mất vốn vượt nghìn tỉ đồng.

Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của BVBank cũng tăng từ mức 2,79% lên 3,31%. 

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 23%, đạt 276,5 tỉ đồng.

Ngay cả với ngân hàng có khẩu vị rủi ro cho vay thấp với định hướng hạn chế tham gia vào các mảng cho vay rủi ro cao như ACB, tỉ lệ nợ xấu cũng tăng đều cả 3 nhóm.

Báo cáo tài chính quý 4-2023 thể hiện, cuối năm qua, nợ xấu của ACB đạt 5.885 tỉ đồng, tăng 93% so với cuối năm 2022. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng đột biến từ mức 70 tỉ đồng năm 2022 lên 1.804 tỉ đồng năm 2023.

Dù quy mô tăng, song đây vẫn là ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất hệ thống khi chỉ chiếm 1,2% tổng dư nợ vay.

Tốc độ hình thành nợ xấu mới liệu có chậm lại? 

TPBank từng nằm trong nhóm có chất lượng tài sản đảm bảo với tỉ lệ nợ xấu dưới 1% năm 2022. Tuy nhiên sang 2023, tổng nợ xấu cuối năm 2023 TPBank đã lên 4.200 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần cuối năm 2022.

Tương ứng, tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng của TPBank cũng tăng lên 2,04% tại thời điểm cuối năm 2023.

Tại Bac A Bank, chất lượng nợ cho vay cũng kém hơn. Báo cáo tài chính thể hiện tổng nợ xấu cuối năm 2023 của Bac A Bank đạt gần 914 tỉ đồng, tăng 78% so với cuối năm 2022.

Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ. Bởi vậy, tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của Bac A Bank đã tăng lên 0,91%.

Đến hết năm 2023, tổng nợ xấu của PGBank là 904 tỉ đồng, cũng tăng 21% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều tăng, bù lại nợ có khả năng mất vốn lại giảm. Kết quả, tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng là 2,55%.

Nói thêm, 2023 cũng là năm ghi nhận nhiều biến động trong cơ cấu sở hữu của PGBank. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã thoái vốn khỏi ngân hàng. Đơn vị này cũng đổi tên Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) thành Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank).

Kinh tế khó khăn, nợ xấu là vấn đề khó tránh. Tuy nhiên, điểm tích cực, theo nhiều đơn vị dự báo, tốc độ hình thành nợ xấu mới sẽ chậm lại và chi phí tín dụng được kiểm soát trong năm 2024.

"Chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của nhóm ngân hàng sẽ dần được cải thiện dần nhờ vào môi trường kinh doanh khả quan hơn và lãi suất duy trì ở mức thấp", Visrating - một đơn vị xếp hạng tín nhiệm có vốn của Moody's - dự báo.

Theo Visrating, tỉ lệ nợ xấu (NPL) mới hình thành sẽ chậm lại khi khả năng trả nợ của doanh nghiệp được cải thiện nhờ có dòng tiền tốt hơn và mặt bằng lãi suất ở mức thấp.

Biên lãi thuần (NIM) sẽ bắt đầu tăng lên do lãi suất huy động giảm nhanh và tăng trưởng tín dụng phục hồi. Khả năng sinh lời cải thiện sẽ giúp ngân hàng duy trì quy mô vốn ổn định.
Đại biểu đặt câu hỏi: Nợ xấu sao ngân hàng vẫn lãi lớn, cần có cam kết xử lý nợ xấuĐại biểu đặt câu hỏi: Nợ xấu sao ngân hàng vẫn lãi lớn, cần có cam kết xử lý nợ xấu

TTO - Dù thống nhất cần thiết kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết 42, nhưng các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi quá trình xử lý nợ xấu có làm lợi cho ngân hàng, có cam kết và lộ trình thực hiện nhiệm vụ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp