Dòng tiền vào bất động sản tiếp tục tăng
VNIndex đóng cửa tuần thứ 32 của năm nay ở mốc 1.232,21 điểm sau 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, có thêm 6,23 điểm, tương đương 0,51% so với tuần trước.
Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn TP.HCM đạt 22.527 tỉ đồng, giảm 1,3% so với tuần trước nhưng vẫn tăng 18,4% so với trung bình 5 tuần và 59% so với trung bình 20 tuần trước.
Dữ liệu từ Fiintrade cho thấy nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước mua ròng trong tuần, nước ngoài và tự doanh bán ròng.
Dòng tiền tăng vào bất động sản, thực phẩm và đồ uống, điện nước xăng dầu khí đốt, giảm ở nhóm tài nguyên cơ bản, hàng và dịch vụ công nghiệp, hóa chất.
Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản có tỉ trọng giá trị giao dịch tăng lên 26,41% toàn thị trường, là mức cao thứ hai trong 10 tuần liên tiếp. Chỉ số giá tăng 3,34% so với tuần trước, mạnh thứ 2 thị trường, điều này cho thấy nhóm này có cầu tăng, giá tăng.
Các mã giao dịch mạnh nhất VIC, NVL, DXG, DIG, VRE, KBC, VHM, TCH, PDR, HDC. Trong đó có 5/10 mã tăng điểm trong tuần.
Cổ phiếu VIC của Vingroup tiếp tục tỏa sáng với mức tăng 16,72%; TCH của Công ty đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy cũng tăng mạnh 11,4%. Tính từ đầu năm, chỉ số nhóm bất động sản tăng 20,67%.
Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất hạ nhiệt và thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực hơn từ Chính phủ, chính sách, thời điểm xấu nhất có thể đã qua đối với ngành bất động sản. Ngoài ra ở mỗi cổ phiếu còn có câu chuyện riêng, như VIC tăng trần khi VinFast niêm yết tại Mỹ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Hiền Phương - giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam - cho biết khi lãi suất giảm, doanh nghiệp bất động sản nằm trong nhóm hưởng lợi nhiều nhất vì dư nợ vay rất lớn.
Thứ hai, khi nhiều dự án của Novaland (trong đó có dự án hơn 650 triệu USD) được gỡ vướng mắc, không chỉ cổ phiếu doanh nghiệp này tăng mà còn tạo tâm lý tích cực lan tỏa.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bất động sản giảm sâu nhất năm 2022, do vậy đi lên từ vùng giá thấp thường hấp dẫn nhà đầu tư.
Năm 2022, cổ phiếu NVL của Novaland và PDR của Phát Đạt là hai mã vốn hóa lớn duy nhất nằm trong danh sách 50 cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường chứng khoán khi lần lượt sụt 84% và 81%.
Triển vọng thị trường cuối năm 2023 ra sao?
Dữ liệu từ Wichart cho thấy tổng lợi nhuận sau thuế quý 2-2023 của ngành bất động sản dân cư đạt 11.318 tỉ đồng, tăng 187,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân của sự tăng trưởng đột biến này đến từ việc Vinhomes (VHM) ghi nhận lợi nhuận rất lớn sau khi bàn giao dự án.
Cụ thể, VHM đóng góp lên tới 9.713 tỉ đồng vào lợi nhuận sau thuế, tương đương 86% tổng lợi nhuận toàn ngành. Trong khi đó, nhóm còn lại chỉ đạt 1.605 tỉ đồng (chiếm 14% tổng lợi nhuận).
Đây là quý thứ 4 liên tiếp mà VHM "gánh" tăng trưởng lợi nhuận của toàn ngành bất động sản dân cư.
Kết thúc nửa đầu năm 2023, tổng lợi nhuận sau thuế của VHM đã đạt khoảng 21.000 tỉ đồng, trong khi đó kế hoạch lợi nhuận năm 2023 khoảng 30.000 tỉ đồng.
Vì vậy, chuyên gia Wichart cho rằng dư địa để ghi nhận lợi nhuận trong nửa cuối năm 2023 không còn nhiều, khiến triển vọng tăng trưởng không còn tích cực.
Thực tế, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý 2-2023 của toàn ngành bất động sản dân cư khi không tính VHM ghi nhận mức tăng trưởng âm khoảng 46% so với cùng kỳ.
Dù số giá trị tuyệt đối có ghi nhận tăng so với quý 1 liền trước, nhưng chưa có chất xúc tác nào thực sự mạnh mẽ để thúc đẩy lợi nhuận toàn ngành vực dậy từ đáy.
Đi sâu vào phân tích tăng trưởng của 20 doanh nghiệp (chiếm 90% vốn hóa toàn ngành), số liệu thể hiện chỉ vỏn vẹn 5 công ty bất động sản ghi nhận tăng trưởng dương trong quý 2 nhưng đến từ hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, tăng trưởng đột biến từ lợi nhuận khác và không đến từ kinh doanh cốt lõi; hoặc tăng trưởng cao do nền lợi nhuận cùng kỳ thấp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vốn hóa lớn khác trong ngành đều ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận trên 20% so với cùng kỳ, phản ánh sự khó khăn chung của thị trường bất động sản.
Theo dự báo của nhóm chuyên gia này, nhóm các doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn của ngành, do đó không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay và dự báo sẽ sụt giảm 41,7%.
Về triển vọng, chuyên gia chứng khoán KIS lưu ý nghĩa vụ trả nợ trái phiếu vẫn cao ở mức 57.000 - 60.000 tỉ đồng. Do vậy đơn vị này giữ quan điểm trung lập với nhóm cổ phiếu ngành bất động sản khi việc thanh toán trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết triệt để và tín hiệu nới lỏng quy trình cấp phép cần thời gian để thực thi.
Ngoài ra, nhà đầu tư khi "xuống tiền" với nhóm cổ phiếu này cũng nên đánh giá kỹ bức tranh tài chính, khả năng triển khai, thực hiện dự án bởi thị trường luôn có sự phân hóa, chuyên gia khuyến nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận