16/03/2013 12:06 GMT+7

Nổ súng phải trúng đích

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TT - “Tình trạng chống người thi hành công vụ đang diễn biến rất phức tạp, với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao...”.

Đó là một trong những nguyên nhân Bộ Công an lý giải cho sự ra đời dự thảo nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Nhưng đưa vào đó cả quy định cho phép người thi hành công vụ được “nổ súng trực tiếp” vào người có hành vi chống người thi hành công vụ lại là điều cần cân nhắc rất kỹ.

Trên các trang báo những ngày qua, công luận đã đặt ra rất nhiều băn khoăn. Ủng hộ có, phản đối có. Hôm 15-3, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) trong cuộc trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ cũng khẳng định “sẽ tập hợp hết các ý kiến, kể cả trên mạng, qua các báo, kể cả các bình luận để xem xét, từ đó mới có chỉnh lý”.

Rõ ràng, sự bàn thảo, góp ý là rất cần thiết trước một quy định đang có nhiều ý kiến trái chiều. Tiếp thu, chỉnh sửa ra sao sẽ được các cơ quan hữu quan họp bàn, xem xét. Song, đề cao hành xử tôn trọng người dân của người thi hành công vụ; nâng cao sự hiểu biết, chấp hành pháp luật của người dân; tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chống người thi hành công vụ cần phải được xem là những giải pháp tiên quyết.

Thực tế, người thi hành công vụ bị chống đối nhiều nhưng cũng có không ít trường hợp người thi hành công vụ sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ để ra tay một cách quá mức cần thiết trước một số hành vi vi phạm pháp luật của người dân. Chẳng hạn chuyện cảnh sát giao thông thẳng tay dùng dùi cui vụt vào mặt người điều khiển xe máy có hành vi vượt đèn đỏ hoặc không đội mũ bảo hiểm.

Những thông tin đó dường như đã khiến nhiều người dân có cảm giác bất an, lo lắng, lo sợ khi có hành vi vi phạm pháp luật và phải đối mặt với người thi hành công vụ, nhất là với công an. Trong số này, không ít người do bản tính hung hăng, nóng nảy, do hoảng loạn... đã có hành vi chống đối.

Chống người thi hành công vụ là hành vi cần xử lý. Nhưng sử dụng tốt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với việc phải “xử lý tình huống” bằng cách “nổ súng”.

Tính mạng con người là vốn quý nhất. Đưa quy định người thi hành công vụ được “nổ súng” vào trong một nghị định thì không thể chỉ vì những bức xúc nhất thời trước tình trạng chống người thi hành công vụ gia tăng. Đã “nổ súng” phải trúng “đích”. Đã là quy định thì phải phù hợp với thực tế và chặt chẽ về tính pháp lý. Quy định về “nổ súng” trong trường hợp nào cũng đều phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và không thể lỏng lẻo để người thi hành công vụ có thể dễ dàng tước đi mạng sống của một con người. Thậm chí, không thể không xét đến sự không cần thiết của quy định này như nhiều ý kiến đã nêu.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp