21/11/2016 19:50 GMT+7

Nổ súng phải theo mệnh lệnh và nguyên tắc

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Thảo luận tại hội trường chiều 21-11 về Luật cảnh vệ, có 22 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, và hầu hết các đại biểu đều quan tâm đến việc sử dụng vũ khí, cụ thể là việc nổ súng của lực lượng cảnh vệ trong khi làm nhiệm vụ.

Các đại biểu cho rằng nổ súng phải theo mệnh lệnh, có nguyên tắc và luật cần quy định cụ thể nội dung này để đảm bảo quyền con người, tránh việc lạm quyền.

Theo đại biểu Dương Văn Thông (Bắc Giang), về nguyên tắc, lực lượng cảnh vệ nổ súng là hành vi cần thiết được quy định trong lực lượng cảnh vệ. Tuy nhiên, để nổ súng không vi phạm quyền con người, quyền công dân thì dự thảo luật cần làm rõ hơn và phải phù hợp với các quy định hiện hành.

Ông Thông dẫn chứng “pháp lệnh sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có sự phân biệt nổ súng khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức thì theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền và khi tác chiến độc lập thì theo một số nguyên tắc. Trong khi dự thảo luật chưa quy định có hai trường hợp trên”.

Do “chỉ quy định chung chung” nên đại biểu này lo lắng “khi áp dụng thực tế sẽ có những điều đáng tiếc xảy ra”.

Đa số đại biểu khác cho rằng cần quy định chặt chẽ điều khoản về sử dụng súng, công cụ hỗ trợ cũng như điều kiện nổ súng. Việc nổ súng liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người nên luật cần quy định chặt chẽ, cụ thể các nguyên tắc việc lực lượng cảnh vệ nổ súng.

Việc nổ súng cần thực hiện đúng nguyên tắc “người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra” và cần bảo đảm điều kiện về “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” theo Bộ luật hình sự.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết cơ quan soạn thảo sẽ chỉnh lý để tạo điều kiện cho cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ, tránh việc lạm quyền, cũng như đảm bảo quyền công dân.

Về huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ, đa số ý kiến đồng ý với dự thảo luật vì trong trường hợp cấp bách để bảo đảm tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ thì lực lượng cảnh vệ được quyền huy động người, phương tiện.

Tuy nhiên cần quy định rõ hơn về thẩm quyền, trình tự và phải thống nhất với các quy định hiện hành, như Luật trưng mua, trưng dụng tài sản để tránh lạm quyền.

Cũng có ý kiến như đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) cho rằng cần mở rộng đối tượng cảnh vệ.

Cụ thể, bổ sung chánh án Tòa án nhân dân tối cao vào diện đối tượng cảnh vệ như nguyên thủ quốc gia. Hoặc có ý kiến thắc mắc trụ sở các cơ quan đầu não của tỉnh, các di tích lịch sử quan trọng có cần được đưa vào diện “đối tượng cảnh vệ”.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết trong điều kiện ổn định chính trị nên không cần bổ sung đối tượng cảnh vệ. Trong trường hợp cần bổ sung sẽ thực hiện theo quy định. Với mục tiêu là các cơ quan đầu não địa phương cũng là quan trọng nhưng không phải là mục tiêu bảo vệ.

“Lực lượng cảnh vệ chỉ có ở cấp trung ương, không có ở cấp địa phương” - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp