Giáo viên Trương Thị Hải Yến hướng dẫn các học viên yoga đến học trực tiếp tại Nhà Thiếu nhi quận 7 - Ảnh: ĐỨC KHUÊ
"Tôi đã tập yoga cả chục năm nay rồi, nhưng gần đây tôi thích chọn cách tập online hơn vì tôi thường phải nấu nướng vào buổi sáng, không thể đến lớp được", cô Kim Anh (60 tuổi) chia sẻ.
Bỏ cả việc đến lớp để... học online
Cô Kim Anh là một trong số những học viên đang theo học tại lớp của chị Trương Thị Hải Yến, một giáo viên đã có kinh nghiệm bảy năm dạy yoga. Trong một buổi sáng thứ sáu tại Nhà Thiếu nhi quận 7 (TP.HCM), lớp của chị Yến có khoảng 18 người tham dự và tầm 10 người học online. Chị Yến phụ trách việc hướng dẫn cho những người lên lớp và cả những học viên online qua màn hình máy tính bảng. Có những hôm chị đứng lớp đến 40 học viên cả trực tiếp lẫn online.
"Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người có nhu cầu học yoga nhưng không thể đến lớp nên tôi phải mở lớp online. Rồi khi hết dịch thì có một số người, trong đó có cô Kim Anh, kết hợp giữa việc lên lớp lẫn học online. Nhưng có nhiều người thì thấy tiện quá nên bỏ luôn cả việc lên lớp mà chỉ học online thôi", chị Yến cười nói.
Việc học online giúp cho học viên tiết kiệm được thời gian vì không cần phải di chuyển nhiều. Ngoài ra họ cũng có thể học ở bất cứ đâu. Chỉ cần một chiếc laptop, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng có kết nối mạng là thoải mái học tại nhà hoặc khi làm, đi du lịch.
Không chỉ những người học lâu năm, người mới bắt đầu cũng có thể lựa chọn phương pháp này. Nin Trương, một giáo viên lâu năm, tiết lộ chị có mở lớp online để dạy cho các học viên mới, đặc biệt có cả những người đang sinh sống ở nước ngoài. Với người mới bắt đầu thì sẽ khó khăn hơn, nên chị phải xây dựng giáo án riêng để dạy theo dạng một kèm một, nghĩa là một giáo viên dạy riêng cho một học viên. Cách dạy này giúp giáo viên theo dõi sát sao học viên và đưa ra những điều chỉnh, sửa đổi.
Ngoài ra, một số người mới vì tự ti khi chưa biết gì mà phải lên lớp tập chung với những người học lâu năm, thì họ cũng chọn cách học online để được hướng dẫn trước các bài tập.
"Những người như vậy họ chọn học yoga online để được hướng dẫn cách hít thở, cách thực hiện động tác trước, đến khi đã quen thì sẽ lên lớp học trực tiếp", chị Hải Yến chia sẻ.
Ngoài việc đứng lớp trực tiếp, chị Yến còn hướng dẫn học viên từ xa qua máy tính bảng - Ảnh: ĐỨC KHUÊ
Trải nghiệm mới lạ
Dù cũng đã học yoga khá lâu nhưng với chị Thanh Nguyệt, việc tập luyện qua màn hình điện thoại mang đến cảm giác khá lạ lẫm trong lần đầu thực hiện. "Tôi đổi sang cách học online từ năm ngoái khi không thể ra đường vì dịch COVID-19. Mới ban đầu, cả giáo viên lẫn học viên đều gặp khó khăn vì không thể tiếp xúc trực tiếp nên có nhiều bất lợi. Nhưng dần dần tôi cũng quen. Đúng là một trải nghiệm mới lạ nhưng cũng khá thú vị", chị Nguyệt kể lại.
Từ kinh nghiệm bản thân, chị Nin Trương cho biết chuyện học online ngoài những thuận lợi thì cũng có không ít bất tiện. Một trong số đó là việc phải học qua màn hình đem đến hạn chế.
"Camera của máy tính bảng hay điện thoại thường không quay được hết toàn bộ cơ thể người học. Do đó tôi khó bao quát được hết các động tác và sẽ khó điều chỉnh hơn. Nếu kêu họ đứng ra xa màn hình để tôi xem, thì họ sẽ không nghe được lời tôi hướng dẫn", Nin Trương cho biết.
Chị Hải Yến thì thừa nhận việc dạy online cực hơn rất nhiều so với khi hướng dẫn trực tiếp trên lớp. Nhưng theo thời gian, cả giáo viên và học viên dần làm quen được nên mọi chuyện cũng dễ dàng hơn.
Một khó khăn khác là chuyện học viên dễ nản mà sớm từ bỏ, vì học một mình vừa không có không khí tập luyện, lại dễ đánh mất động lực.
Nhưng bất chấp khó khăn như vậy, phong trào học yoga online vẫn đang phát triển khá mạnh. Các giáo viên yoga đang ngày càng nhận được nhiều lời đề nghị dạy online. Thậm chí với chị Yến, mỗi tuần chị thường phải dành ra khoảng hai hoặc ba ngày ở nhà để dạy lớp online.
Người mới bắt đầu cần lưu ý gì?
"Yoga có thể trở thành con dao hai lưỡi, vì nếu tập đúng thì mang đến lợi ích sức khỏe nhưng tập sai tư thế, kỹ thuật,... sẽ dẫn đến chấn thương cả trước mắt lẫn lâu dài. Do đó, người mới tập lần đầu nên tìm hiểu kỹ thông tin của người hướng dẫn để tránh tập với những người thiếu chuyên môn, kinh nghiệm", giáo viên Nguyễn Thị Hồng Vân (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ kinh nghiệm.
Còn Hải Yến bổ sung rằng những người mới "vỡ lòng" nếu có điều kiện thì nên đến lớp học một thời gian rồi hãy chuyển sang học online. Còn nếu không thì họ nên tìm giáo viên có chuyên môn tốt dạy một kèm một để được hướng dẫn, điều chỉnh cho đúng kỹ thuật.
Chị Yến cũng khuyên rằng người học nên chủ động chia sẻ với giáo viên về tình trạng sức khỏe của mình, không nên che giấu về bệnh tật hay chấn thương nếu có. Người học cũng không nên chạy theo phong trào mà cho bản thân thời gian để cảm nhận sự thay đổi của cơ thể theo từng ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận