13/11/2018 09:45 GMT+7

Nở rộ mua bán đại học: Tránh thương mại hóa giáo dục

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Tuy pháp luật không cấm việc mua bán trường đại học nhưng có luồng ý kiến: giáo dục có thể xem là hàng hóa, mua bán được, nhưng cần tránh tình trạng thương mại hóa giáo dục.

Nở rộ mua bán đại học: Tránh thương mại hóa giáo dục - Ảnh 1.

Sau khi được mua lại, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM đã có cơ sở riêng không còn phải thuê mướn - Ảnh: M.G.

Trong đó, từ kinh nghiệm các nước hoặc từ chính pháp luật hiện hành, vẫn có những phương pháp để tránh được tình trạng này.

Cần phải coi đầu tư giáo dục là loại hình đặc biệt, có quyền sinh lời nhưng phải giám sát và kiểm tra chặt chẽ việc tái đầu tư của các trường mà hiện Luật giáo dục ĐH đã có quy định. Hơn nữa, nguồn tiền đầu tư của các trường cũng cần phải được giám sát để đảm bảo nguồn tiền ấy được đầu tư cho sự phát triển của trường, tránh việc nguồn tiền này bị luân chuyển ra khỏi trường quá nhanh.

TS Hoàng Đức Bình (trưởng văn phòng đại diện ĐH Bắc Đan Mạch tại Việt Nam)

Mua bán là bình thường

Nhìn vào các trường (ĐH) đã được mua lại trong thời gian qua, có thể thấy một số trường đã có sự đầu tư và phát triển tốt hơn. Ví dụ trước khi được bán, những mâu thuẫn nội bộ khiến Trường ĐH Văn Hiến tuyển sinh rất chật vật. Hầu như nhiều năm liền trường không tuyển đủ chỉ tiêu, toàn bộ cơ sở giảng dạy phải đi thuê mướn.

Khi được chuyển giao chủ sở hữu mới, trường đã có cơ sở giảng dạy ổn định, tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu, cơ sở mới cũng đã được khởi công xây dựng trên diện tích 6ha tại huyện Bình Chánh (TP.HCM).

Tương tự, từ chỗ thuê mướn toàn bộ cơ sở giảng dạy, sau khi được mua lại, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM đã có cơ sở riêng tại quận Bình Thạnh, tuyển sinh ổn định. Cuối năm 2017, trường này đã khởi công xây dựng cơ sở mới tại huyện Bình Chánh.

Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng cũng đã được xây mới hoàn toàn cơ sở chính rất khang trang sau khi có chủ mới. Trường ĐH Phú Xuân thoát khỏi cảnh nợ lương nhân viên...

Có ý kiến cho rằng việc các trường ĐH yếu kém được mua lại là chuyện bình thường, không vi phạm các quy định pháp luật, giúp các trường thoát khỏi khủng hoảng để tiếp tục phát triển.

Tập đoàn Nguyễn Hoàng cho biết mỗi trường ĐH trong hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng đều có một hướng đi riêng. Việc định vị chất lượng giáo dục phát triển sẽ phụ thuộc vào nỗ lực thực hiện của chính tập thể cán bộ giảng viên - nhân viên và ban giám hiệu nhà trường. Tập đoàn chỉ đầu tư để đồng hành, hỗ trợ và khích lệ, tuyệt đối không can dự làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nhà trường.

GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho rằng cá nhân hay tập đoàn nào sở hữu các trường ĐH không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà điều cần quan tâm là chất lượng.

Cùng quan điểm, theo chuyên gia Phạm Thị Ly, khi nhìn nhận các trường ĐH tư thục giống như doanh nghiệp, những trường yếu kém sẽ bị thu tóm bởi những tập đoàn mạnh về vốn và kinh nghiệm quản trị. Như vậy sẽ tốt hơn là để các trường tồn tại nhưng lay lắt, không tuyển sinh nổi, không có nguồn thu, không thể đảm bảo được chất lượng đào tạo.

Nhưng tránh bị thương mại hóa

Tuy cho rằng việc mua bán trường ĐH là bình thường nhưng bà Phạm Thị Ly cũng lưu ý: giáo dục là một dịch vụ đặc biệt, vì khách hàng của nó có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình tạo ra giá trị.

Vì vậy, khi các trường hành động theo quy luật của thị trường, đặt cán cân thu chi lên trên những cân nhắc về lợi ích công và sứ mạng thực sự của nhà trường sẽ xuất hiện hiện tượng được gọi là thương mại hóa giáo dục.

Sản phẩm giáo dục được đóng gói trong tấm bằng ĐH, được tiếp thị, rao bán như mọi hàng hóa dịch vụ khác, và các trường thì cạnh tranh để giành thị phần, vì quy mô thị phần đồng nghĩa với lợi nhuận.

"Việc coi sinh viên như một khách hàng thuần túy sẽ dẫn tới chỗ các trường chiều theo ý muốn nhất thời của họ để thu hút thêm nhiều người học. Trong một thị trường lao động còn chưa thực sự trưởng thành, bằng cấp vẫn còn là món hàng có giá, sinh viên muốn học thật ít, có bằng thật nhanh.

Nhà trường cũng muốn giảm chi phí đào tạo. Hai bên cùng có lợi, và kết cục là tấm bằng ĐH lạm phát, trở nên vô giá trị, khiến thật giả khó phân, thị trường giáo dục ĐH trở nên méo mó" - bà Ly phân tích thêm.

Tương tự, ông Giản Tư Trung - viện trưởng Viện giáo dục IRED, hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE - cũng cho rằng về góc nhìn kinh tế thuần túy thì giáo dục nói chung cũng có thể xem là một loại hàng hóa dịch vụ, có thể mua - bán được và có giá cả hẳn hòi.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn văn hóa - giáo dục thì giáo dục không thể là hàng hóa thì hoàn toàn khác. Cụ thể là có thể bỏ tiền mua được bằng cấp, điểm số hay khóa học nhưng không thể mua được giá trị đích thực của giáo dục, đó là năng lực và phẩm hạnh của con người.

Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, xu hướng thương mại hóa giáo dục có ở khắp nơi chứ không riêng Việt Nam. Vấn đề là nhiều nước đã có những giải pháp ngăn chặn như đầu tư qua quỹ tín thác và các xu hướng dân sự tẩy chay các trường hoạt động vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận, bán bằng hơn là chất lượng đào tạo, phục vụ cộng đồng.

Để giáo dục ĐH lành mạnh, hạn chế tình trạng thương mại hóa giáo dục, cần phải có luật về quỹ tín thác liên quan đến tài chính giáo dục. Theo đó, nhà đầu tư không đầu tư trực tiếp vào trường mà đầu tư thông qua một quỹ giáo dục trung gian.

Với mô hình này, nhà đầu tư sẽ không thể trực tiếp can thiệp và chi phối hoạt động của trường như hiện nay. Việc mua bán cũng chỉ là mua bán cổ phần trong quỹ đầu tư chứ không thể mua trực tiếp ngôi trường.

Khi thực hiện điều này, xã hội sẽ phân biệt đâu là cơ sở giáo dục ĐH thuần túy, đâu là doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận từ giáo dục. Thực tế các trường ĐH uy tín nhất ở Mỹ đều là các trường tư, được đầu tư từ các quỹ tín thác uy tín, những người kiếm lợi từ giáo dục không thể chi phối ban lãnh đạo quỹ.

Ông Giản Tư Trung:

Dễ nhầm lẫn hai khái niệm

Chúng ta cũng rất dễ nhầm lẫn giữa khái niệm "thị trường hóa giáo dục" với "thương mại hóa giáo dục". Nhìn chung, thị trường hóa giáo dục là tạo ra một môi trường cạnh tranh về chất lượng giáo dục giữa các trường học, cạnh tranh nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu giáo dục, nhất quyết không vì kiếm lợi mà vi phạm mục tiêu này.

Trong khi đó, thương mại hóa giáo dục là biến một nhà trường - nơi được xem là thánh đường của khoa giáo và lương giáo - trở thành một doanh nghiệp thuần túy vì mục tiêu lợi nhuận là chủ yếu, hơn là đặt mục tiêu giáo dục lên hàng đầu. Nếu cứ mãi mập mờ hai khái niệm này thì sẽ rất nguy hại cho nền giáo dục của chúng ta.

Nở rộ mua bán đại học​

TTO - Hàng loạt tập đoàn, công ty liên tiếp mua lại nhiều trường đại học thời gian gần đây. Tuy pháp luật không cấm nhưng có nhiều ý kiến trái chiều về thực tế này.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp