Tại một nhà máy chế biến trái cây lớn ở phía Nam - Ảnh: T. MẠNH
Thậm chí có những công ty đầu tư nhà máy trước khi có vùng nguyên liệu để thu hút sự tham gia của người dân làm nông nghiệp đạt chuẩn.
Góp phần chấm dứt đổ bỏ nông sản
Đầu 2019, Công ty cổ phần Lavifood đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, với số vốn đầu tư xấp xỉ 1.800 tỉ đồng. Ông Đinh Hùng Dũng, phó tổng giám đốc Công ty Lavifood, cho biết các dây chuyền sản xuất của nhà máy đáp ứng các nhu cầu về chế biến rau quả từ trái cây tươi, đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc...
Ông Dũng giải thích trước đây nông dân trồng và tự tìm thương lái thì thương lái thường chỉ mua loại tốt, hàng loại 1. Loại 2 họ sẽ không mua hoặc mua rất rẻ. Với loại 3 loại 4, nhiều nông dân phải đổ bỏ ra đường như thanh long những năm gần đây.
Trong khi đó, với công nghệ hiện đại, nhà máy sẽ sơ chế, đóng gói trái cây loại 1 để xuất khẩu trái tươi. Loại 2 đưa vào đông lạnh, loại 3 sấy, loại 4 ép nước. "Trước đây nông dân bán ra được 50% sản lượng thu hoạch thì nay có thể bán cho nhà máy trên 80%" - ông Dũng nói và cho rằng điều này sẽ không chỉ góp phần giảm thiểu, chấm dứt tình trạng đổ bỏ nông sản mà còn giúp nâng cao giá trị nông sản VN và cải thiện thu nhập cho người nông dân. Như tại Tây Ninh là từ khoảng 6.000 đồng/m2 lên 84.000 đồng/m2.
Đầu tư mạnh vào chế biến
Đang có một xu hướng đầu tư vào chế biến rau củ quả tại VN trong vòng 3 năm trở lại đây. Có thể kể đến việc bắt tay hợp tác giữa Hoàng Anh Gia Lai và Thaco đầu tư trồng và chế biến tại VN - Lào - Campuchia, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) khởi công dự án nhà máy chế biến rau quả tại huyện Mang Yang, Gia Lai.
Ông Đinh Cao Khuê, chủ tịch HĐQT DOVECO, cho hay mỗi năm nhà máy sẽ mua và chế biến hàng trăm nghìn tấn rau quả các loại như chanh dây, chuối, bơ, xoài, sầu riêng, mãng cầu, khoai lang, rau chân vịt, đậu tương rau, ngô ngọt, bí Nhật và nhiều loại rau quả khác của Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên.
Cuối năm 2018, Công ty Vina T&T cũng khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất dừa tươi Kim Thanh tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre với công suất theo thiết kế đạt 25 triệu trái dừa tươi/năm. Dự kiến dự án hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm nay. Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc, cho biết trái dừa Bến Tre đang cạnh tranh rất mạnh với những sản phẩm cùng loại của Thái Lan, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
"Quan trọng là khi có nhà máy chế biến thì chúng tôi sẽ bao tiêu toàn bộ dừa tươi của người dân Bến Tre với giá cao, ổn định. Sẽ không còn tình trạng không bán được dừa vào mùa mưa như trước" - ông Tùng nói.
Cơ hội tốt cho rau quả VN
Năm 2018 xuất khẩu rau quả của VN đạt trên 3,8 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm gần đây lên đến 15%/năm. Tuy nhiên, còn nhiều việc cần làm.
Trong số 27 triệu tấn rau quả sản xuất mỗi năm ở VN, mới có trên 1 triệu tấn được đưa vào chế biến.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, rau củ quả mang lại giá trị kinh tế lớn, vì chiếm diện tích ít hơn một số loại cây trồng khác, trong khi kim ngạch xuất khẩu lại lớn hơn. Tuy nhiên, hiện VN chỉ có 156 nhà máy chế biến rau quả các loại, riêng tại ĐBSCL chỉ có khoảng 5-6 cơ sở. Trong số 27 triệu tấn rau quả sản xuất ra, có trên 1 triệu tấn được đưa vào chế biến. Do đó, dư địa cho đầu tư vào các nhà máy chế biến các sản phẩm này là rất lớn.
TS Võ Mai, phó chủ tịch Hội làm vườn VN, cho rằng VN đã trở thành trung tâm chế biến các sản phẩm như hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủy sản... thì cũng có thể trở thành trung tâm của ngành chế biến rau quả cho thị trường toàn cầu.
Ông Phùng Văn Hiền, giám đốc Công ty Toàn cầu trái cây tươi (Bến Tre), cũng cho biết nhu cầu rau quả trên quy mô toàn cầu đang ở mức cao nên không lo lắng về đầu ra. Quan trọng là chúng ta có sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu hay không. Mới đây xoài vào được thị trường Mỹ, nghĩa là VN đã mở tiếp được cánh cửa các thị trường khó tính. Cùng với việc các đường bay thẳng từ VN đến Mỹ đi vào hoạt động thì giá vận chuyển sẽ rẻ đi và cơ hội cạnh tranh của rau quả VN sẽ tăng lên.
TS Võ Mai (phó chủ tịch Hội làm vườn VN):
Chuyển hướng khỏi cây lúa, cao su...
TS Võ Mai
Chuyển hướng sang chế biến và xuất khẩu rau quả ở VN là đúng đắn vì đây là lĩnh vực còn nhiều dư địa để phát triển. Bởi vì lúa gạo, hạt tiêu, hạt điều, cao su, cà phê... VN đã tới giới hạn của diện tích đất canh tác và năng suất cũng như khả năng mở rộng thị trường là khó. Trong khi đó, nhu cầu về các loại rau củ kể cả tươi sống, đông lạnh cũng như chế biến ngày càng tăng trên quy mô toàn cầu.
Kinh tế thế giới phát triển, người tiêu dùng ngày càng lựa chọn nhiều hơn các loại thực phẩm tự nhiên là động lực phát triển của ngành này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận