Một điểm giữ trẻ tại TP.HCM mở ra trong những ngày trường đóng cửa để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh - Ảnh: Phụ huynh cung cấp
Sáng đầu tuần một ngày giữa tháng 5-2021, thay vì cùng con đi bộ xuống trường mầm non ngay sát chung cư ở TP Thủ Đức (trước đây là Q.2, TP.HCM) thì chị Đặng Trà Thanh đưa con 4 tuổi đi quãng đường gần 6km để... "đến trường".
Gọi ngay cô "xí" chỗ
Chị Thanh kể: "Khi có thông báo đóng cửa trường học vì dịch, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là gọi thật nhanh cho cô giáo để "xí" chỗ. Cô chỉ giữ một vài trẻ, gửi muộn thì cô lại không nhận. Mùa dịch, ai cũng hỏi có lo lắng khi gửi con ở nhà cô hay không. Nói thật là lo nhưng không gửi cô thì biết gửi đâu? Cứ 8h tôi đưa đi, chiều 18h lại đón về".
Đã hơn một tuần chị Thanh gửi con ở nhà cô giáo. Đây là một chung cư cao cấp nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) gồm có ba cô chăm sóc mười trẻ. Chị Thanh mang sữa theo cho con, ăn uống các cô giáo lo, được học tiếng Anh 15 phút đầu giờ, mỗi ngày học phí là 250.000 đồng.
Tương tự, không thể gửi con về quê ngoại ở miền Trung, cũng không có người thân ở TP.HCM, vợ chồng anh Huỳnh Thanh Hùng (Q.Tân Bình) phải đưa con (học lớp lá Trường mầm non Bàu Cát) đến nhà một cô giáo giữ bốn trẻ ở một con hẻm trên đường Trường Chinh.
"Hai vợ chồng tôi là công nhân. Hai mùa dịch trước tôi cho con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Giờ ông bà bệnh nên lần nghỉ hè sớm này tôi hỏi vòng vòng ra địa chỉ nhà cô để gửi con. Con họ gửi sao thì con tôi cũng gửi vậy. Mỗi ngày cô đều chụp phần ăn của con gửi qua Zalo. Học phí là 300.000 đồng/ngày", anh Hùng chia sẻ.
Theo lời rao trên một group Hội giới thiệu trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ TP.HCM của các cô giáo, chúng tôi liên hệ với nhóm ba cô giáo tự giới thiệu là đang làm việc ở một hệ thống giáo dục và kỹ năng sống, nhận giữ trẻ tại một chung cư trên đường Trần Văn Danh (P.13, Q.Tân Bình).
Khi đến, quan sát điểm chăm sóc trẻ này có hai phòng trong căn hộ hơn 70m2, với hơn mười trẻ. Trong phòng là đồ chơi, nệm và giường tầng. Các em đa số là học trò tại lớp, hoặc các trẻ được tìm đến từ... mạng xã hội.
"Chị không gửi con ngay từ đầu, bây giờ nhóm đã đủ. Mà khi lên chung cư thì kiểm tra y tế và khai báo rất khắt khe, chưa kể hàng xóm phản ảnh, phường đi kiểm tra nên nhóm trẻ cũng hoạt động kín kín. Chị thông cảm tìm cô khác" - một cô giáo nói tình hình và từ chối khi chúng tôi hỏi nhờ trông trẻ.
Cũng rất "nhộn nhịp" trên mạng xã hội, các nhóm giáo viên, phụ huynh mầm non, các thông tin phụ huynh tìm chỗ gửi trẻ, cô giáo tìm trẻ để nhận giữ được rao công khai. Một giáo viên ở Q.12 rao và để lại số điện thoại: "Do dịch nên cô nhận bé giữ tại nhà, phòng sạch sẽ, thoáng mát, có máy lạnh. Cô nhận giữ bé từ 7h sáng đến 5h chiều, qua 5h sẽ tính ngoài giờ. Các con được sinh hoạt giống như ở trường mầm non, ăn 3 bữa sáng, trưa, chiều".
Hay một tài khoản cá nhân đăng lên group tìm phụ huynh có nhu cầu: "Tại căn shophouse của chung cư ở TP Thủ Đức, có khuôn viên cho các bé chơi an toàn, có camera phụ huynh giám sát, ba cô giáo có kinh nghiệm dạy lâu năm nhận giữ bé từ 2 - 5 tuổi. Các cô sẽ xây dựng thực đơn gửi bố mẹ hằng ngày, con được học vẽ, tô màu...".
Quảng cáo giữ trẻ cho phụ huynh có nhu cầu trong mùa dịch
Lúng túng khi hè đến đột ngột
Tại Hà Nội, học sinh các cấp bao gồm trẻ mầm non đã nghỉ học từ ngày 4-5 để phòng dịch COVID-19. Tâm lý phụ huynh vẫn nghĩ rằng đây chỉ là đợt tạm nghỉ chờ dịch bệnh được kiểm soát nên nhiều người chưa có giải pháp gửi con dài hơn mà chủ yếu vẫn ứng phó trước mắt. Chỉ khi Sở GD-ĐT Hà Nội quyết định cho học sinh nghỉ hè sớm, thời điểm trẻ trở lại trường học vẫn đang để mở, nhiều phụ huynh mới hốt hoảng nghĩ đến việc gửi con dài hơn.
Do vậy, trên các diễn đàn cha mẹ học sinh ở Hà Nội thời gian này vấn đề được quan tâm nhiều là giải pháp để gửi con. Anh Hoàng Anh - có hai con học lớp 2 và lớp 4 Trường tiểu học Ngôi Sao (Hà Nội) - cho biết: "Khi không có COVID-19 việc gửi con trong hè dù khó vẫn khắc phục được, nhưng trong tình huống có dịch bệnh càng khó khăn hơn. Vì không có các trại hè, các trung tâm sinh hoạt văn hóa hè để đăng ký cho trẻ tham gia. Việc cho con học tiếng Anh, học năng khiếu, học các môn văn hóa để kết hợp gửi con cũng không thực hiện được".
Anh Hoàng Anh chia sẻ mùa hè năm nay quá đặc biệt, không chỉ đến một cách đột ngột với các bậc cha mẹ, khiến họ không kịp xoay xở mà còn dở dang việc học, việc kiểm tra. Trẻ cũng bị COVID-19 tước đi nhiều cơ hội để vui chơi, nghỉ ngơi, du lịch hoặc đơn giản là về quê thăm ông bà, họ hàng.
"Nếu chắc chắn được lịch học sinh trở lại trường thì chúng tôi có thể chủ động phương án gửi con. Cụ thể là gửi con về quê cho ông bà trông đỡ. Nhưng hiện tại nghỉ hè mà vẫn thắc thỏm vì chưa học xong chương trình, chưa kiểm tra cuối kỳ. Nếu gửi con về quê rồi bất ngờ lại phải lên sẽ bị động. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh, rủi ro rất cao khi đi lại, di chuyển từ nơi này qua nơi khác" - chị Minh Hạnh, phụ huynh có con học lớp 3 Trường tiểu học Đại Từ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết.
Chị Trang, một phụ huynh đang gửi con ở khu đô thị Ecopark (Hưng Yên), cho biết: "Nhà chồng tôi có mấy đứa trẻ cùng độ tuổi tiểu học, mầm non nên gom cả lại, rồi nhờ một giáo viên mầm non quản lý, chăm sóc. Hiện giáo viên đang nghỉ không có việc nên cũng dễ tìm. Chi phí trả tính theo buổi là 400.000 đồng/buổi. Cô có mặt vào 7h30 sáng và trả trẻ cho bố mẹ vào 17h30 - 18h. Cô cùng một chị giúp việc cho trẻ ăn sáng, ăn trưa, tổ chức cho trẻ chơi, đọc sách. Trong nhóm có các cháu học lớp 2, lớp 3 nên thời gian vừa qua học trực tuyến. Cô giáo hỗ trợ các cháu mở phần mềm học trực tuyến, hỗ trợ khi cần thiết...".
Lưu ý khâu an toàn
Bà Nguyễn Thị Kim Uyên - phó Phòng GD-ĐT Q.10, TP.HCM - thông tin hiện quận có 19 trường công lập và 26 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với 8.500 em.
Bà Uyên nói: "Trường học đóng cửa do dịch COVID-19, phụ huynh tìm cô giáo để gửi con trong khi phải đi làm, các cô giáo không bận và cũng có nhu cầu giữ trẻ để ổn định thu nhập. Tôi nghĩ việc này cũng bình thường. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch giã nên câu chuyện nhóm trẻ tại gia là vấn đề phải chú ý. Đối với việc này, phòng không cấm nhưng chỉ nhắc nhở các cô, từ diện tích nhà ở để giữ trẻ cho đến ăn uống, học phí... mọi thứ phải thỏa thuận, phải an toàn. Đặc biệt, nếu chăm trẻ thì chú ý nhất khâu an toàn như gas, điện, nước, vệ sinh thực phẩm, hành lang chung cư... bởi ở nhà khác hẳn ở trường".
Bà Uyên cũng nhấn mạnh các nhóm trẻ từ 2-3 em trở lên không phải do giáo viên công lập mà giáo viên mầm non ngoài công lập nhận giữ. "Giáo viên công lập ở Q.10 vẫn đến trường. Các cô vào trường vì có lương theo quy định. Vào để làm clip dạy con các kỹ năng như gấp quần áo, dọn góc học tập... hay đọc thơ, làm dụng cụ học tập cho năm học sau" - bà Uyên nhấn mạnh.
Trong khi đó, năm học 2020-2021, TP Thủ Đức có 61 trường mầm non công lập, 230 trường mầm non ngoài công lập và 261 nhóm lớp tư thục với tổng hơn 50.000 trẻ.
Bà Kiều Mỹ Chi - phó Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức - cho biết: "Phòng có thông báo cho tất cả các cơ sở phải đóng trường học để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Sau đó, chúng tôi đi kiểm tra chứ không chỉ thông báo. Có một số điểm giữ trẻ lẻ, nhỏ, rất khó kiểm soát.
Có nhiều giáo viên cho rằng vì phụ huynh có nhu cầu nên họ chăm giữ trẻ. Nhưng với giáo viên trường công thời gian này phòng triển khai đến các trường là thông báo giáo viên phải vào trường để làm dụng cụ học tập, tham gia công tác bồi dưỡng thường xuyên. Ngay cả giáo viên ngoài công lập cũng thế, phòng cũng thông báo nhắc nhở vấn đề này".
Bà Chi thông tin thêm: "Cũng thông cảm và thừa nhận rằng phụ huynh thực sự khó khăn khi phải đi làm mà "bí" chỗ gửi con, nên việc gửi ở nhóm trẻ không được cấp phép là có nhưng cũng đã ngưng. Những điểm giữ 3-4 trẻ đã cam kết với phường để đảm bảo an toàn. Nhưng hiện nay đã ngưng. Còn việc phụ huynh rất khó khăn nhưng phải gửi thì đó là nhu cầu rất cần và cần phải thỏa thuận với người gửi, như ông bà, người thân quen...".
Bà Lương Thị Hồng Điệp - trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: "Sở chuẩn bị có công văn hướng dẫn đến các phòng giáo dục - đào tạo quận, huyện, TP để hướng dẫn về các nhóm trẻ tự phát. Trong đó sẽ có hai nội dung. Một là yêu cầu các địa phương rà soát, hạn chế và không cho những nhóm trẻ tự phát này "mọc" lên. Hai là đang lấy nhu cầu ở các nơi để dự kiến sẽ tổ chức dạy hè vào ngày 14-6 nếu tình hình dịch bệnh ở TP.HCM kiểm soát ổn.
Nhìn nhận thực tế thì tôi hiểu, biết được khó khăn của phụ huynh có con nhỏ trong mùa dịch. Nhưng mình không thể đi ngược lại với quy định chung của TP. Giả sử nhóm trẻ đó có 5-6 em lỡ bị nhiễm COVID-19 thì trở thành ổ dịch, thành ổ nguy cơ lây bệnh rất cao. Khi đó câu chuyện nhóm trẻ tự phát trở thành vấn đề cực kỳ nghiêm trọng rồi".
Cần Thơ: lập biên bản nhóm trẻ giữ trẻ "chui" trong mùa dịch
Phòng GD-ĐT Q.Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã ghi nhận và lập biên bản một nhóm trẻ tại phường An Bình có giữ trẻ khi Sở GD-ĐT thông báo cho trẻ dừng đến trường để phòng dịch. "Sau khi lập biên bản sẽ xem mức độ nghiêm trọng mà có quyết định rút giấy phép hoạt động của nhóm trẻ này hay không. Đồng thời, cán bộ phòng cũng đi kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở tuân thủ quy định phòng dịch" - cô Nguyễn Thị Minh Thư, phụ trách bậc mầm non Phòng GD-ĐT Q.Ninh Kiều, cho biết.
Chị N.H.N. - nhân viên Nhà máy nhiệt điện sông Hậu tại Cần Thơ - cho biết: "Hai bên nội ngoại đều ở xa, vợ chồng tôi đều đi làm nên đành phải bấm bụng gửi con cho hàng xóm giữ. Gửi các cô trước giờ dạy con mình hiểu tánh ý bé, tôi yên tâm hơn rất nhiều. Thậm chí tôi năn nỉ cô nhận bé ở nhà giùm nhưng cô nói quy định của sở và của trường, lỡ trường biết cô sẽ bị đuổi nên cô không dám nhận mặc dù nghỉ dịch là cô không được nhận lương".
T.TRANG
Chị Nguyễn Thị Ly (đang làm việc trên đường Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM):
Đưa "rơ-moóc" đến cơ quan
Tôi có con 5 tuổi học Trường mầm non Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Mỗi ngày tôi phải đưa "rơ-moóc" hơn 10km đến cơ quan vì trường đóng cửa nghỉ dịch. Tôi không an tâm khi đến nhà cô giáo gửi riêng lẻ trong mùa dịch. Nhà không có người nên không có cách khác. Gần một tuần qua, việc ở cơ quan như... nặng gấp đôi vì tôi phải mang con theo. Vừa làm việc vừa quan sát, theo dõi con.
Ngày đầu con còn thích đến nơi mẹ làm việc vì lạ lẫm. Ngày hôm sau đến bây giờ thì nản, rồi con ra điều kiện mượn điện thoại, iPad chơi game... Đó là chưa kể con trai hay nghịch bàn làm việc của mẹ, của đồng nghiệp. Ăn uống, ngủ nghỉ giấc trưa cứ loạn cả lên, không giờ giấc như đến trường cô giáo chăm. Công việc của tôi thi thoảng cần chạy ra ngoài, bí quá gửi đồng nghiệp trông nhưng vẫn không an tâm, hoặc là đồng nghiệp miễn cưỡng nhận trông giúp vài giờ. Nói tóm lại, quá khổ vì mùa hè đến sớm quá khi các con mầm non không đến trường.
Bà N.T.Uyên (chủ của hệ thống trường mầm non tư thục ở TP.HCM):
Các cô còn có gia đình, cuộc sống
Khi bắt đầu nhận "lệnh" đóng cửa trường học, các cô giáo đã chủ động nhắn tin phụ huynh. Họ cũng không đợi phụ huynh tìm dù rằng nhu cầu hai bên là có. Giáo viên phải chủ động để có thu nhập ổn định cuộc sống. Các trường tư mới "tươi tươi" trở lại thì tiếp tục gặp dịch nên không thể "gồng" trả lương giáo viên khi học sinh nghỉ. Dịch giã mọi thứ đều không an toàn, nhưng các cô còn gia đình, cuộc sống nên ai cũng cố gắng sao cho an toàn nhất cho trẻ khi "lách việc".
Chị Nguyễn Ngọc Anh (có 2 con trai độ tuổi mầm non, học chung Trường mầm non Anh Đào, Q.Gò Vấp, TP.HCM):
Không có lựa chọn nào khác
Đã hơn một tuần trôi qua tôi thấp thỏm đi gửi con ở nhóm trẻ có bảy em nhưng đó là sự lựa chọn không thể có cách khác. Vợ chồng tôi đều làm ngân hàng, sáng đi chiều về trong khi trường tạm đóng cửa vì dịch. Tôi không có nhiều giải pháp như nhờ ông bà, gửi con về quê, hay thuê người chăm con tại nhà nên gửi con ngay tại nhà cô là tối ưu. Tuy nhiên, nhà cô giáo thì nhỏ mà có đến bảy trẻ. Vợ chồng tôi hình dung ra được nếu chẳng may có một ai đến đón các con lỡ bị nhiễm corona chẳng hạn thì sẽ như thế nào! Tôi lo lắm nhưng chỉ biết cầu mong mọi chuyện suôn sẻ.
THẢO THƯƠNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận