Cú “bể nợ” này trùng hợp với việc gói cứu trợ của khối đồng euro dành cho Athens hết hạn.
Người Hi Lạp biểu tình kêu gọi chính phủ ký thỏa thuận vay nợ với châu Âu - Ảnh: Reuters |
Có phải một khi Hi Lạp không còn khả năng trả nợ, nhe răng ra “cười trừ” và đe dọa ra khỏi khối đồng euro thì các chủ nợ sẽ để yên? Không bao giờ.
Bằng cớ là trong ngày 30-6, Chính phủ Hi Lạp đã một lần nữa nài van IMF gia hạn. Ngày 1-7, nhật báo Hi Lạp Ekathimerini đưa tin Chính phủ Hi Lạp đã gửi một đề xuất thắt lưng buộc bụng đến các chủ nợ châu Âu, thay thế đề xuất thứ nhì bị bác bỏ hôm thứ hai.
Cũng tờ báo này buồn bã ghi nhận: “Hi Lạp trở thành nền kinh tế tiên tiến đầu tiên không thanh toán được nợ của IMF, gia nhập hàng ngũ lịch sử các nước vỡ nợ”.
Trong danh sách đó có Zimbabwe với đồng nội tệ thảm hại, 35 triệu tỉ đôla Zimbabwe mới tương đương với chỉ 1 USD. Liệu đây có phải là tương lai của đồng drachma của Hi Lạp, một khi rời khỏi khối đồng euro?
Câu hỏi đặt ra trong từng giao dịch với đồng drachma là bản vị của tờ giấy bạc này là gì và rằng Hi Lạp còn bao nhiêu ngoại tệ để bảo chứng cho đồng drachma?...
Cứ thế, đồng drachma sẽ trượt dài nếu như cán cân thương mại của Hi Lạp không thặng dư để thu về ngoại tệ làm chỗ dựa cho đồng nội tệ. Câu trả lời xám xịt khi mà tháng 7 này lẽ ra là tháng cao điểm du lịch, song tình hình rối ren thế này, khách nào dám đến, “con bò sữa” du lịch cũng cạn sữa.
Chuyện Hi Lạp bể nợ là kinh nghiệm xương máu đối với mọi quốc gia, xã hội nào đang thản nhiên vay nợ. Bài học đầu tiên là chớ vung tay quá trán. Tại sao Hi Lạp vay ồ ạt kể từ sau khi gia nhập khối đồng euro?
Đằng sau những vụ vay nợ bất kể ngày mai là nạn tham nhũng và đục khoét. Đó là động cơ kích thích Athens ngày càng vay nợ nhiều hơn. Trên mặt phải của tấm mề đay, các dự án xây dựng này nọ là chính đáng, ví dụ như các công trình phục vụ Thế vận hội Athens 2004. Song mặt trái lại là có xây thì các quan lớn mới có cơ hội tống tiền ngay chính nhà thầu của nước cho vay tiền.
Có thể lấy trường hợp hối lộ để được thắng thầu của Tập đoàn xe lửa quốc gia Đức Deutsche Bahn, trúng thầu tuyến metro từ Athens ra sân bay Venizelos, hoặc Hãng Siemens cung cấp hệ thống theo dõi điện tử và an ninh cho thế vận hội. Đừng trách tại sao Đức nay khắt khe đòi nợ Hi Lạp dữ thế. Đơn giản bởi Đức là chủ nợ lớn nhất của Hi Lạp.
Số nợ ngập đầu 312 tỉ euro của Hi Lạp vẫn còn đó và Athens phải trả ngay đời này chứ không thể đợi đến đời con cháu. Không đơn giản hễ cứ bỏ phiếu “ra khỏi đồng euro” là sẽ có thể xù nợ, hoặc sẽ được một “ông lớn” kinh tế nào khác đùm bọc...
Bài học thứ nhì là “chớ ham bội chi ngân sách”, đặc biệt đối với những nước đang xem bội chi, thâm thủng ngân sách nhẹ tựa lông hồng. Các nhà kinh tế học chỉ ra rằng Hi Lạp phải gầy dựng một “nền văn hóa ổn định ngân sách” để thoát nợ. Bài học tiếp theo là tăng trưởng dựa trên vay nợ sẽ không thể nào thọ được.
Một nếp “văn hóa ổn định ngân sách” thay cho “văn hóa reo hò” khi phát hành trái phiếu quốc tế thành công là điều cần kíp trước khi quá trễ.
Hi Lạp sẵn sàng hoãn trưng cầu ý dân Theo AFP, Liên minh châu Âu (EU) sẽ sớm quyết định liệu có cho Hi Lạp vay thêm hay không tránh nguy cơ “Grexit” (Hi Lạp rời khối đồng euro). Chính quyền Athens xin vay thêm 29,1 tỉ euro để đáp ứng nhu cầu tài chính và tái cơ cấu nợ trong hai năm tới. Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng tuyên bố châu Âu sẽ không xem xét cho Hi Lạp vay nợ nếu nước này tổ chức trưng cầu ý dân về việc có đáp ứng yêu sách thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ đưa ra hay không vào ngày 5-7 tới. Các quan chức Hi Lạp cũng tiết lộ nước này sẵn sàng hoãn cuộc trưng cầu ý dân. Bộ trưởng Tài chính Hi Lạp Yanis Varoufakis cho biết Đảng Syriza cầm quyền có thể sẽ kêu gọi người dân Hi Lạp chấp nhận thắt lưng buộc bụng nếu nước này được châu Âu cho vay nợ. Ở Athens, khoảng 20.000 người đội mưa biểu tình ở quảng trường Syntagma để kêu gọi chính phủ đạt một thỏa thuận vay nợ với châu Âu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận