Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange phát biểu từ ban công tòa đại sứ Ecuador ở London - Ảnh: REUTERS
Trong mắt người ủng hộ, Assange (quốc tịch Úc) là "người hùng thế giới ảo" dám đứng lên tố cáo tình trạng lạm dụng quyền lực của chính phủ.
Còn với giới chỉ trích, ông là một tội phạm gây hại an ninh của phương Tây và đe dọa mạng sống của nhiều người tại nhiều quốc gia bằng cách tiết lộ các bí mật.
Ông Assange, 47 tuổi, sống tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador tại London từ tháng 6-2012 để tránh bị Anh dẫn độ về Thụy Điển xét xử với cáo buộc xâm hại tình dục 2 phụ nữ trong chuyến thăm nước này năm 2010.
Ông luôn bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng vụ kiện này là nhằm bắt giữ và dẫn độ ông sang Mỹ để xét xử các tội danh tiết lộ hàng nghìn bí mật quốc gia của Mỹ hồi năm 2010.
Do lẽ việc Assange trốn vào tòa đại sứ là vi phạm các điều kiện về tại ngoại theo luật Anh, cảnh sát sở đã tuyên bố sẽ bắt giữ Assange ngay khi ông rời khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London.
Lệnh bắt này đã cầm chân ông Assange trong tòa đại sứ suốt hơn 5 năm qua.
Đến tháng 5-2017, Thụy Điển tuyên bố chấm dứt cuộc điều tra với Assange và các luật sư của ông dùng đây làm lý do chính để yêu cầu Tòa án Westminster ở London hủy bỏ lệnh bắt nói trên với thân chủ của mình.
Trong đơn khiếu nại hồi tuần trước, các luật sư cho biết Thụy Điển dừng điều tra nghĩa là quy trình dẫn độ Assange cũng chấm dứt và do đó, lệnh bắt đối với ông Assange cũng cần được gỡ bỏ vì nó "không còn mục đích và chức năng".
"Assange đã trải qua 5 năm rưỡi trong tình trạng mà, dù xét theo quan điểm nào, thì cũng giống như bị cầm tù khi không được tiếp cận ánh sáng hay chăm sóc y tế đúng mức" báo Anh Guardian trích đơn đòi gỡ bỏ lệnh bắt của ông Assange.
Ông Mark Summers, một trong các luật sư của nhà sáng lập WikiLeaks, khẳng định việc phải trốn trong tòa đại sứ Ecuador đã "ảnh hưởng cả tinh thần lẫn thể xác", và bào mòn sức khỏe của ông đến mức nguy kịch.
Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange chụp từ ban công tòa đại sứ Ecuador ở London - Ảnh: AFP
Nhiều tờ báo trước đó đã lạc quan đưa tin rằng có thể ông Assange sẽ toại nguyện, song phán quyết cuối cùng do ông Aaron Watkins, đại diện Cơ quan Công tố Hoàng gia đưa ra là các luận điểm yêu cầu gỡ bỏ lệnh bắt của ông Assange là "kỳ quặc và không vững vàng".
"Assange đã được tại ngoại theo đúng thủ tục bảo lãnh và lẽ ra phải chấp thuận yêu cầu trình diện tại tòa sau đó nhưng đã không làm thế, vì vậy lệnh bắt vẫn giữ nguyên" ông Watkins nhấn mạnh.
Sau khi nhận được phán quyết, ông Summers đã chất vấn thẩm phán Emma Arbuthnot rằng liệu tiếp tục theo đuổi việc bắt giữ thân chủ của ông vì vi phạm quy định tại ngoại có liên quan gì đến lợi ích quốc gia hay không.
Bà Arbuthnot trả lời vấn đề này chỉ được xem xét nếu đương sự chịu ra trước tòa và trình bày rõ lý do vì sao mình từ chối tại ngoại mà lại phải lẩn trốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận