Ngoài giờ học, Tùng luôn phụ mẹ công việc nhà - Ảnh: Châu Tường |
* Dành cho 333 học sinh là con cán bộ chiến sĩ hải quân
* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ và Quân chủng Hải quân
* Tài trợ: Công ty cổ phần Đồng Tâm
Cha em là liệt sĩ Vũ Ðức Nam, nguyên chiến sĩ trung đoàn rađa 451 Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, mất vì bệnh ung thư hạch trong quá trình công tác.
Thay mẹ lo việc nhà
Hơn 10 năm qua, Tùng lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương của cha. Mẹ đi làm suốt nên trong ngôi nhà tình nghĩa được phi đội DHC6 thuộc lữ đoàn 954 vận động xây tặng tại tổ dân phố Mỹ Ca, P. Cam Nghĩa, TP Cam Ranh chỉ có bóng dáng cậu học trò nhỏ chăm học.
Học bổng “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” nhằm tuyên dương học sinh vượt khó, học giỏi là con cán bộ chiến sĩ hải quân, qua đó động viên tinh thần cán bộ chiến sĩ hải quân yên tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc. Chương trình trao tổng cộng 333 suất học bổng tại Khánh Hòa và Hải Phòng với kinh phí 1 tỉ đồng do Công ty cổ phần Đồng Tâm tài trợ. |
Ðường vào nhà Tùng những ngày này đang thi công dở dang, toàn đất đỏ lầy lội dưới mưa. Mẹ không có nhà, hằng ngày mỗi khi đi học về, thay xong bộ đồng phục là Tùng làm mọi việc từ nấu ăn đến giặt giũ, cho gà ăn, lau dọn nhà... Nơi Tùng ở chưa có nước máy nên em bơm nước từ giếng của hàng xóm vào bồn chứa để dùng.
Tùng kể từ lớp 1 em đã tập tành nấu cơm, lớn hơn chút nữa thì nhờ mẹ dạy cho cách nấu canh, luộc rau, nấu các món khác nên những lúc mẹ vắng nhà em có thể tự nấu ăn được.
“Có hôm mẹ phải đi làm từ 2g sáng, ở nhà một mình em cứ cố nhắm mắt ngủ hoặc học bài đợi trời sáng để bớt sợ. Sáng dậy tự nấu mì gói ăn rồi đạp xe đi học”- Tùng kể.
Mẹ không ở bên nhắc nhở, việc nhà bận rộn nhưng Tùng không chểnh mảng việc học và luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Cô Lê Thị Mãnh, giáo viên chủ nhiệm của Tùng, khen: “Tùng học giỏi, biết vâng lời và ngoan lắm, ở nhà tự học mà học rất giỏi. Ở lớp Tùng hòa đồng và luôn giúp đỡ bạn bè trong học tập. Là con trai mà giỏi lắm, ở nhà phụ mẹ việc nhà, còn đi lao động với lớp là quét dọn sạch sẽ đâu ra đấy”.
Vượt khó, học giỏi
Bà Trần Thị Mai, mẹ Tùng, kể lúc mang thai được tám tháng thì cha Tùng nhận lệnh đi công tác ngoài đảo Trường Sa Lớn, ở nhà một mình bà vượt cạn và nuôi con. Lúc hai cha con gặp mặt nhau lần đầu cũng lúc cha Tùng sắp mất. Khi đó Tùng còn nhỏ quá nên chưa hiểu gì, chỉ làm theo lời mẹ bảo là hôn lên má cha thôi.
Mất đi trụ cột gia đình, hai bên nội ngoại lại ở xa, một mình mẹ Tùng vừa kiếm tiền vừa chăm con nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Thiếu tình thương của bố, thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, ăn uống không đầy đủ nên Tùng bị suy dinh dưỡng.
Khi Tùng lên 6 tuổi, bà Mai xin vào Vùng 4 Hải quân với công việc nấu ăn cho nhà khách của vùng (đến tháng 9-2013 chuyển sang nấu ăn cho phi đội DHC6 thuộc lữ đoàn 954). Không có nhà, hai mẹ con ở lại đơn vị, hằng ngày Tùng được mẹ chở ra ngoài Mỹ Ca để học.
Bà Mai kể: “Sáng sáng Tùng cứ ra cổng của vùng đứng đợi, tôi nhờ được ai thì chở giùm cháu nên Tùng đi học bữa sớm bữa trễ”.
Tùng kể năm học lớp 5, có những hôm em chỉ học một buổi nên 11g đã về, mẹ thì bận việc, cô hàng xóm cũng không đón giùm được nên tự đi bộ về nhà khách của Vùng 4 Hải quân cách trường bảy cây số. Cậu học trò nhỏ chọn cách ấy về nhà để mẹ biết mà yên tâm công tác.
“Nhìn thấy các bạn có cha đón mỗi khi tan học, em cũng buồn nhưng cảm thấy rất tự hào vì cha em đã cống hiến cả cuộc đời để bảo vệ Tổ quốc”- Tùng tâm sự.
Chỉ gặp cha một lần duy nhất trong đời, lại còn quá nhỏ nên Tùng chẳng nhớ được gì nhiều. Hình bóng người cha trong tâm thức của Tùng là những câu chuyện kể của mẹ. Tùng tưởng tượng cha là người lính oai nghiêm trong bộ trang phục hải quân màu trắng. Vì thế, Tùng ước lớn lên mình cũng sẽ giống như cha.
“Mẹ có chuyện gì con biết xoay xở làm sao?” Những năm tiểu học, Tùng được mẹ gửi học bán trú tại nhà cô Nguyễn Thị Phượng (giáo viên Trường tiểu học Cam Nghĩa 1, thành phố Cam Ranh). Cô Phượng kể: “Năm Tùng học lớp 2 bà ngoại ốm, mẹ gửi Tùng ở lại nhà tôi để về Thái Bình hai tuần. Đến ngày hẹn mà chưa thấy mẹ đón, Tùng đứng ngồi không yên cứ đi tới đi lui. Sau đó Tùng nhờ tôi gọi điện thoại cho mẹ. Trong cuộc điện ấy, Tùng bảo với mẹ là thấy nóng ruột quá, cha mất rồi, mẹ đi tàu xe có chuyện gì con biết xoay xở làm sao. Nghe cậu học trò nhỏ biết quan tâm lo lắng cho mẹ như vậy tôi thương lắm!”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận