"Trực chiến" ngày đêm
Những ngày đầu tháng 3, người viết được Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng phía Nam dẫn đi thực tế tình hình kiểm soát, tuần tra biên giới biển của lực lượng biên phòng tỉnh cà Mau - nơi tận cùng phía Nam Tổ quốc.
Tại khu vực Đồn biên phòng Rạch Gốc (có đường bờ biển dài 36,6km), ngay giữa trời trưa nắng, đồn trưởng Lê Thành Út vẫn cùng các chiến sĩ biên phòng dùng ca nô tuần tra liên tục ở cửa sông để kiểm soát tình hình tàu thuyền sắp ra biển.
Đồn trưởng Út cho biết: “Với suy nghĩ đồn là nhà, biên giới là quê hương, các chiến sĩ xác định sẽ luôn bảo vệ vững chắc chủ quyền, cùng với các đơn vị liên quan quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản của nước ta”.
Cách đó khoảng 80km, các chiến sĩ thuộc Đồn biên phòng Sông Đốc cũng đang miệt mài đi tuần tra, đảm bảo an toàn đường biên giới biển. Thỉnh thoảng, một vài tàu cá lại được lực lượng biên phòng ghé thăm để tuyên truyền và trao tận tay lá cờ Tổ quốc.
Ngư dân phải tự "gỡ thẻ vàng"
Có thể thấy rằng, thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau đã thể hiện sự quyết tâm “gỡ thẻ vàng” cho ngành thủy sản bằng việc tuyên truyền, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số ngư dân chưa tuân thủ. Nếu như còn vi phạm vùng biển nước ngoài thì EC sẽ không gỡ thẻ vàng. Đây là vấn đề mấu chốt mà chúng ta phải giải quyết trong thời gian tới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Văn Ngọc - phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau - cho biết thời gian qua có xảy ra việc sang bán tàu cá sai quy định. Nhất là sang bán ra ngoài tỉnh, tàu cá hết đăng kiểm trốn tránh trên biển, các đảo không vào bờ, nên công tác quản lý, điều tra xác minh đối với các vi phạm vùng biển nước ngoài gặp nhiều khó khăn.
Có tình trạng chủ tàu, thuyền trưởng cố tình che giấu khi bị nước ngoài bắt giữ, không hợp tác, gian dối hoặc đang bị giam giữ tại nước ngoài, không liên lạc được. Tàu cá cũng bị tịch thu nên chưa thể làm việc được với “chủ thể” vi phạm để làm các bước xử lý theo quy định.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết sau hai tháng cao điểm kiểm tra tình hình tàu cá trên biển (từ tháng 1), tình trạng vi phạm trên biển đã ít hơn.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng để đạt được mục đích cuối cùng của kế hoạch 180 ngày là tháo gỡ thẻ vàng thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Ví dụ như tình trạng tàu thuyền đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đang hoạt động trên biển nhưng lại cố tình mất kết nối.
Ngoài ra, việc kiểm soát ở trong đất liền thì chúng ta có cả bộ máy thực hiện nhưng ở vùng biển mênh mông, lực lượng chức năng rất mỏng. Do đó, đây cũng là một khó khăn đòi hỏi chúng ta phải tăng cường lực lượng chấp pháp ở trên biển. Hơn thế là sự đồng lòng quyết tâm từ bà con ngư dân, đặc biệt trong thời gian thực hiện kế hoạch này”, ông Sử cho hay.
Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động dịp 3-3
Nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống Bộ đội biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2023) và 34 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2023), Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang đã trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam" cho 47 cá nhân trong lực lượng biên phòng tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận