Bùi Phú Tuấn (bìa trái) trong lần tham gia hội nghị Lãnh đạo trẻ khu vực Đông Nam Á tại Kuala Lumpur (Malaysia) năm 2014 - Ảnh: B.P.T. |
Thực chất vẫn còn đó rất nhiều 9X không ngừng hoàn thiện bản thân, nỗ lực sống tích cực. Mỗi câu chuyện dưới đây là một “lát cắt” minh chứng cho điều này.
Không bỏ cuộc
Bốn năm trước, khi “chân ướt chân ráo” từ Kon Tum vào TP.HCM trọ học, bạn Bùi Phú Tuấn (sinh 1993, ĐH Kinh tế TP.HCM) rất lo lắng khi nghe nhiều đàn anh đi trước bảo “học ĐH được mỗi môn 5 điểm đã là khó”, còn bạn bè xung quanh ai nấy đều giỏi giang. “Tôi còn nhớ học kỳ đầu tiên có điểm số khá thấp, tôi thậm chí điện thoại về khoe với mẹ mỗi khi… thi qua được một môn” - Tuấn nhớ lại.
Một ngày nhìn lại, Tuấn tự hỏi: “Bạn bè mình có những người vừa học rất giỏi vừa năng động… Họ làm được, còn mình sao cứ mãi làng nhàng, nhút nhát? Việc từ quê lên phố học là thiệt thòi hay do mình chưa phấn đấu?”.
Đau đáu với hàng loạt câu hỏi trên, Tuấn dồn sức học ngày đêm và đăng ký tham gia hoạt động Đoàn, Hội trong trường, thời gian rảnh bạn đi làm nhân viên bán hàng để cải thiện kỹ năng giao tiếp.
Cuối năm hai, Tuấn “lột xác” hoàn toàn khi có điểm trung bình 9,01 và luôn nằm trong danh sách nhận được học bổng.
Bạn cũng trở thành thành viên tích cực của câu lạc bộ tiếng Anh và chương trình hướng nghiệp “Tự tin vào đời” (thuộc ĐH Kinh tế TP.HCM), dự án giao lưu văn hóa giới trẻ Việt - Nhật, đại biểu tham gia hội nghị “Lãnh đạo trẻ khu vực Đông Nam Á 2014” tại Malaysia và trúng tuyển chương trình “SCG - thực tập sinh quốc tế 2014”, được tập đoàn trên đài thọ để thực tập tại trụ sở chính ở Thái Lan trong một tháng.
Hiện Tuấn đang làm việc tại một tập đoàn của Đức dù đến hè 2015 mới tốt nghiệp.
Trong khi đó Tiêu Nhật Thịnh (sinh 1994, Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức) là một trong những gương mặt gây ấn tượng trong danh sách nhận học bổng AmCham 2014 bởi học bổng AmCham có nhiều vòng thi tuyển gắt gao, thường chỉ “lọt” vào tay sinh viên những trường ĐH tốp đầu.
“Để có tiền đóng học phí cho anh tôi học ĐH mẹ đã phải vay từ ngân hàng. Nếu thêm tôi nữa thì mẹ sẽ xoay xở ra sao? Tôi muốn học một ngành có thể ra trường đi làm sớm và học phí rẻ nhất” - Thịnh giải thích về việc chọn học trường nghề, gác lại giấc mơ theo đuổi ĐH ngành quan hệ quốc tế.
“Người Việt thường trọng bằng cấp nên giai đoạn làm hồ sơ thi ĐH cũng có nhiều người nói này nọ. Cá nhân tôi từng rất chạnh lòng và nhiều lần muốn nộp đơn thi lại ĐH suốt năm đầu ngồi ghế trường nghề” - gương mặt 9X đến từ Tiền Giang nói.
Từ đó, Thịnh tập trung học cao độ và luôn duy trì điểm trung bình trên 8 để được nhận học bổng từ trường. Không có tiền học tiếng Anh, Thịnh lên mạng tra từ, kiên trì luyện nghe đài…
Thịnh được Tập đoàn II-VI (Mỹ) nhận vào thực tập từ cuối năm hai. “Có thể suất học bổng, thực tập trên chỉ là điều nhỏ bé với nhiều người nhưng đó là điều rất ý nghĩa với tôi. Nó chứng minh việc học ở đâu không quan trọng, miễn chúng ta có nỗ lực thì sẽ được ghi nhận” - Thịnh chia sẻ.
Tiêu Nhật Thịnh trong ngày nhận học bổng AmCham - Ảnh: C.Nhật |
Đi để trưởng thành
Ngán ngại việc sống xa gia đình, phải tự lập từ sớm… là điểm chung ở nhiều 9X. Nhưng Nguyễn Sơn Tùng (sinh 1992, sinh viên ĐH Richmond, Hoa Kỳ) là một ngoại lệ.
Nhận được học bổng trung học A*Star của Chính phủ Singapore năm 2007 khi đang học lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM, Tùng còn nhớ những tháng ngày đầu du học ở nơi đất khách quê người thật không dễ dàng. “Trước đó tôi chỉ biết học và học” - Tùng nhớ lại.
Nhưng môi trường giáo dục tại Singapore không cho phép người học chỉ là “mọt sách”. “Tôi buộc phải gác lại nỗi nhớ nhà, vượt qua sự nhút nhát, rào cản ngôn ngữ… để lăn xả vào các hoạt động đội nhóm, nghiên cứu nếu không muốn bị tụt lại so với chúng bạn rất năng động” - Tùng cho biết.
“Singapore rất chú trọng việc giáo dục toàn diện ở học sinh. Tôi và một người bạn quyết định lập dự án Sugar nhằm kêu gọi học sinh cùng giao lưu và đi hỗ trợ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” - Tùng nói.
Sugar hiện đã được 7 tuổi và trở thành “ngôi nhà chung” thân thuộc của học sinh lẫn một số giáo viên Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM… với nhiều hoạt động ý nghĩa được thực hiện thường niên.
“Thời điểm thành lập Sugar, chúng tôi thường phải thức đến 3 - 4 giờ sáng để tư vấn, tìm hiểu thông tin và trả lời email… nên việc học bị ảnh hưởng rõ rệt. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ hối tiếc về điều này bởi nếu không có Sugar thì thời phổ thông của tôi chẳng có gì đáng nhớ khi nhìn lại” - Tùng chia sẻ.
Và Tùng nhận ra càng đi nhiều, bạn càng học được nhiều điều từ cuộc sống, hiểu rõ bản thân hơn. 23 tuổi, hiện Tùng đã đặt chân đến nhiều quốc gia: Singapore, Úc, Mỹ, Anh, Dominica…
Tương tự, Bùi Phú Tuấn cho biết bản thân đã “lột xác” đáng kể sau những chuyến thực tập, hội thảo tại nước ngoài.
“Chúng không chỉ tạo điều kiện để tôi tiếp xúc, học hỏi các bạn trẻ tài năng ở nước khác mà còn giúp bản thân hoàn thiện khả năng ngoại ngữ, kiến thức văn hóa các nước… Càng đi tôi càng thấy vững tin vào chính mình hơn” - Tuấn khẳng định.
Đam mê hoạt động Đoàn từ những năm cấp II nhưng bạn Nguyễn Song Thiên Kim (sinh 1996, cựu học sinh Trường THPT Phú Nhuận TP.HCM) nhiều lần trằn trọc trước câu hỏi: “Nên tập trung học hay tiếp tục làm thủ lĩnh Đoàn?”. Luôn học lớp chọn và thường đứng đầu lớp, Kim cho biết bản thân nhiều lần thấy nản lòng, áp lực trong việc cân đối hai điều trên. “Hầu hết lịch hoạt động Đoàn đều rơi vào thời điểm có kiểm tra trong trường. Gia đình thấy tôi đi nhiều, xót con nên cũng thường xuyên than phiền” - Kim nhớ lại. Nghĩ là vậy nhưng có hoạt động Đoàn nào ở trường mà bản thân không tham gia được, bạn đều thấy nhớ và tiếc. “Tôi không muốn quãng đời học sinh của mình trôi qua một cách vô vị, chỉ có học và học” - Kim giải thích. Năm lớp 12, Kim ra một quyết định khiến ai nấy sửng sốt: ứng cử vào vị trí bí thư Đoàn trường. “Thường thì mọi người sẽ “né” hoạt động Đoàn vào năm cuối cấp để tập trung vào việc học, còn tôi muốn chứng minh nếu có cố gắng thì sẽ dung hòa tốt được cả hai” - Kim nói. Vượt xa mong đợi, năm cuối cấp của cô bạn bí thư Đoàn Trường THPT Phú Nhuận (năm học 2013-2014) đã khép lại với chuỗi “quả ngọt”: 12 năm liền học sinh giỏi (điểm trung bình trên 9,0), bí thư Đoàn xuất sắc toàn quốc, trúng tuyển ĐH Kinh tế TP.HCM. Hơn hết thảy, Kim là một trong chín gương mặt học sinh ưu tú toàn thành phố được chọn để đứng vào hàng ngũ Đảng năm 2014. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận