23/04/2013 06:52 GMT+7

Nỗ lực... bảo vệ "chính chủ"

QUANG THI
QUANG THI

TT - 1. Nói đến hội họa Việt Nam, nỗi bức xúc đầu tiên phải là nạn tranh nhái, tranh giả. Mặc dù có bao nhiêu lời cảnh báo, bao nhiêu hồi trống báo động... thì đó vẫn là căn bệnh trầm kha đến nay chưa thấy thuốc chữa.

SjiSeyPo.jpgPhóng to
Bức ảnh mà Nguyễn Thành cung cấp cho thanh tra làm bằng chứng về việc nghi ngờ gallery TH sao chép bức Không gian hoa (đang trên giá vẽ) và bức Nón lá (phía trên bức Không gian hoa) của anh

Gần đây nhất là trường hợp anh Nguyễn Thành - chủ phòng tranh Art gallery trên đường Nguyễn Thiệp (TP.HCM). Ngày 8-4, khi cùng gia đình đi ngang qua gallery TH trên đường Lê Lợi (TP.HCM), anh phát hiện có hai bức tranh rất giống bức Nón láKhông gian hoa do anh sáng tác. Đó là hai bức tranh đã được đăng ký bản quyền và cũng đã được bán cho khách hàng nước ngoài vài năm trước. Nghi ngờ tranh mình bị sao chép trái phép, anh Nguyễn Thành chụp hình làm bằng chứng. Sáng 9-4, anh cầm hồ sơ nộp lên thanh tra Sở VH-TT&DL TP.HCM để đề nghị bảo vệ tác quyền.

Để tìm hiểu vụ việc, sáng 10-4, PV Tuổi Trẻ tìm đến phòng tranh TH. Khi đề nghị được gặp chủ phòng tranh, nhân viên dẫn đến một phụ nữ nhưng người này lập tức từ chối không làm việc vì “phòng tranh ế muốn chết” và “không biết gì về báo chí” (!). Nói xong, người phụ nữ này lập tức bỏ đi.

Trao đổi với Nguyễn Thành, anh cho biết từ khi nộp hồ sơ cho thanh tra để khởi kiện, qua tìm hiểu anh được biết mức phạt cao nhất khi vi phạm tác quyền tranh khoảng 2-3 triệu đồng. Thậm chí bị bắt quả tang phòng tranh vẫn chối đó là tranh ký gửi, có người gửi bán... Việc xử lý xâm phạm bản quyền tranh từ trước tới giờ luôn lâm vào tình trạng bắt cóc bỏ đĩa, ném đá ao bèo. Thế nên các họa sĩ được khuyên tốt nhất là nên... tự bảo vệ mình, cứ vẽ được tranh mới nào là... giấu đi! Tuy vậy, anh Nguyễn Thành nói anh vẫn khiếu kiện vì: “Ít nhất người ta phải dừng việc chép tranh lại. Tranh tôi tuy đã bán cho khách hàng, nhưng tôi vẫn làm vậy để bảo vệ quyền lợi của người mua!”.

Sáng 22-4, thanh tra Sở VH-TT&DL TP.HCM đã mời anh Nguyễn Thành lên để thông báo rằng họ thu được ba bức tranh bị nghi xâm phạm bản quyền của anh từ gallery TH. Hiện tại anh Nguyễn Thành đang hoàn tất thủ tục để bảo vệ bản quyền cho những bức tranh của mình.

2. Trong giới hội họa, Nguyễn Thanh Bình là một trong những họa sĩ mà tranh vẽ ra không kịp bán. Thế nên chuyện tranh của Nguyễn Thanh Bình bị làm nhái, làm giả tràn lan được xem như là lẽ... đương nhiên! Anh cho biết không phải chỉ ở Hà Nội, TP.HCM... mà ở Hong Kong tranh anh cũng bị làm nhái, làm giả. Thế nên dù có giấy chứng nhận tranh thật cũng chưa chắc ăn thua, vừa rồi Nguyễn Thanh Bình tỏ ra rất tâm đắc với một ứng dụng mới mẻ để chống tranh giả: in mã Q.R (quick response code) lên tờ giấy chứng nhận tranh thật.

Q.R code là loại mã ma trận do Công ty Denso Wawe (Nhật Bản) phát minh đầu tiên năm 1994. Lúc đầu, loại mã này được ứng dụng cho công nghệ xe hơi để chống hàng giả, sau vì tính hiệu quả nên được ứng dụng để bảo vệ thêm nhiều loại hàng hóa khác. Loại mã hàng hóa được tạo hình như ma trận này cũng là một niềm cảm hứng để các họa sĩ trên thế giới tạo ra một loại hình nghệ thuật là Q.R code art.

Theo giải thích của Nguyễn Thanh Bình, những thông tin về tác phẩm, tác giả... sẽ được mã hóa thành mã Q.R in kèm trên giấy chứng nhận tranh thật của họa sĩ. Khách hàng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có chế độ chụp hình quét qua thì mọi thông tin về bức tranh cần mua sẽ được hiện ra đầy đủ để kiểm chứng. Đây hoàn toàn là một ứng dụng mới mẻ ở ta mà Nguyễn Thanh Bình là người tiên phong. Với loại mã ma trận này, Nguyễn Thanh Bình đang nỗ lực bảo vệ cho mỗi bức tranh của mình đều là...“chính chủ”!

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp