Nhà báo điều tra Lydia Cacho - Ảnh: Facebook
Năm nay, Hay Festival (trực tuyến) đã long trọng thông báo trao huy chương báo chí cho nhà báo - nhà văn nữ Lydia Cacho Ribeiro người Mexico.
Ông Peter Florence, giám đốc Hay Festival, phát biểu: "Lydia Cacho đã dũng cảm dấn thân trong lĩnh vực báo chí điều tra để vạch trần mức độ tàn ác đối với nữ giới và kiên cường đeo bám tình trạng ngược đãi phụ nữ vẫn đang tiếp diễn".
Sợ hãi đối với tôi là một người thầy thúc giục tôi phải phản ứng với hiểm nguy.
LYDIA CACHO
Lật mặt ác quỷ râu xanh!
Nói đến nhà báo Lydia Cacho, người ta thường nhắc đến tác phẩm "Los Demonios del edén" (Ác quỷ địa đàng) của cô viết bằng tiếng Tây Ban Nha xuất bản năm 2005. Sách đã được chuyển ngữ ở nhiều nước.
Tại Pháp, bản sách dày 320 trang với tựa đề "Buôn bán phụ nữ - Điều tra nạn nô lệ tình dục trên thế giới" đã được xuất bản năm 2011. Tác phẩm ra đời sau sáu năm ròng Cacho gian nan điều tra ở ba châu lục.
Bắt đầu quá trình điều tra, Lydia Cacho khảo sát thông tin từ các quốc gia xuất phát và các quốc gia đích đến của các nạn nhân buôn người và bọn buôn người để từ đó phác thảo lộ trình.
Sau đó, cô liên hệ với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ở Washington nhờ giúp đỡ thiết lập đầu mối liên hệ ở một số nước, đồng thời liên lạc với các nhà báo đồng nghiệp ở các nước dự tính sẽ đến để có thể bố trí phỏng vấn nạn nhân tại địa điểm an toàn.
Từ công việc lập kế hoạch điều tra đầy mệt nhọc, Lydia Cacho nhận ra có rất nhiều người sẵn sàng bảo vệ và giúp đỡ khi biết cô đang điều tra về chủ đề tội ác kinh doanh tình dục trẻ em.
Một phụ nữ ở Venezuela từng bị bọn buôn người lừa đưa sang Mexico bán thân đã hướng dẫn cho cô lộ trình đi như thế nào để có thể theo dõi được bọn buôn người đến Venezuela. Cô cũng áp dụng cách thức như thế để đi từ Argentina đến Miami (Mỹ), từ Trung Quốc đến Nicaragua hoặc từ Philippines đến Bangkok (Thái Lan).
Đối với một phụ nữ như Lydia Cacho, dấn thân điều tra nạn bóc lột tình dục chắc chắn là công việc hết sức phức tạp. Trong quá trình điều tra, cô phải nghiên cứu trước tâm lý trẻ em và lĩnh vực nạn nhân học.
Cô đã tiếp xúc với hơn 100 nhân chứng để viết cuốn "Los Demonios del edén". Cô cải trang thành gái bán dâm hoặc vũ công trong các quán bar nhằm hiểu rõ thế giới nghề nghiệp của họ. Cô hỏi han kẻ mua dâm lẫn bọn buôn người và cả cảnh sát bởi cảnh sát đôi khi chính là người mua dâm và người bảo kê cho bọn buôn người.
Lydia Cacho nhận ra các nạn nhân nhỏ tuổi chính là những người định hướng cho cô cách thức làm thế nào để tiến hành phỏng vấn một cách tôn trọng và thận trọng.
Các nạn nhân người lớn có thể nói "stop" khi cuộc phỏng vấn chạm đến cảm xúc của họ, còn trẻ em sẵn sàng phơi bày sự thật một khi đã tin tưởng người phỏng vấn.
Người lớn thường chỉ nói đến nỗi đau của bản thân trong khi hầu hết các bé gái nạn nhân đã bộc bạch: "Cháu sẽ kể hết nếu cô hứa điều này sẽ không xảy ra đối với các bạn gái khác".
Trong quá trình dấn thân vào con đường vạch trần tội ác bóc lột tình dục trẻ em, Lydia Cacho nhận ra nạn nô lệ tình dục tồn tại trên khắp thế giới, từ Mỹ đến vùng Patagonia (Argentina và Chile), từ Nhật đến Kyrgyzstan hay từ Pháp sang Trung Quốc.
Cô nhận thấy có xu hướng liên kết rất rõ giữa cuộc sống nghèo đói và tình hình bất bình đẳng xã hội với nạn nô lệ tình dục, giữa cảnh sống giàu sang với tình trạng sử dụng nô lệ tình dục. Nhiều đại gia từ Mỹ và Canada đã sang một số nước Mỹ Latin để quan hệ tình dục với trẻ em vì họ biết làm như thế ở đất nước họ là bất hợp pháp.
Nhiều nạn nhân buôn bán tình dục đã bị đẩy ra đường làm gái mại dâm - Ảnh: Reuters
Bị đánh đập và bị ép chụp ảnh khỏa thân
Lydia Cacho phát hiện bọn chăn dắt gái và ngành công nghiệp tình dục rất sành sỏi "chiến lược tiếp thị". Chúng dụ dỗ để những đứa trẻ mới lớn tin rằng mại dâm và khiêu dâm chính là bày tỏ thái độ tự do tình dục.
Nhiều nạn nhân nhỏ tuổi tâm sự với cô: "Cháu cứ tưởng cháu sẽ nổi tiếng và cháu sẽ được chọn chứ không phải bị bắt ép làm nô lệ, bị cầm tù và bị hiếp".
Lydia Cacho nhớ nhất hai phát biểu rất ấn tượng. Một bé gái ở Brazil mới 4 tuổi đã bị lạm dụng khiêu dâm trẻ em. Sau khi trải qua một thời gian dài trị liệu tâm lý, vào cuối buổi phỏng vấn em đã nói:
"Làm sao chúng cháu có thể lựa chọn nếu người ta không đưa ra cho chúng cháu giải pháp? Chúng cháu không nghĩ mình là món đồ chơi của người lớn, nhưng những người đàn ông ấy đều nghĩ như thế. Bọn họ có quyền lựa chọn, còn chúng cháu thì không!".
Trường hợp thứ hai là một em gái xinh đẹp đến từ Uzbekistan. Năm 13 tuổi em đã bị bán vào nhà chứa ở Dubai.
Các khách hàng rất tàn nhẫn nhưng cuối cùng em lại muốn tha thứ hết. Em giải thích: "Bọn họ giàu có và dữ tợn, nhưng em may mắn vì hiện giờ đã được yêu thương và không bao giờ gặp lại bọn họ nữa. Nếu em có con gái, em sẽ chăm sóc tốt để không ai có thể làm hại".
Tác phẩm "Los Demonios del edén" đã tiết lộ đường dây kinh doanh tình dục trẻ em và rửa tiền ở bang Quintana Roo (Mexico) với 19 quan chức và doanh nhân tham gia. Đường dây do chủ doanh nghiệp Jean Succar Kuri cầm đầu. Sau khi sách xuất bản, doanh nhân Kamel Nacif đã kiện Lydia Cacho ra tòa về tội vu khống.
Tháng 12-2005, Cacho bị bắt ở bang Quintana Roo rồi bị áp giải về bang Puebla. Suốt chặng đường dài hơn 20 tiếng, cô đã bị sờ soạng và bị đe dọa. Tại văn phòng Bộ Tư pháp bang Puebla, cô tiếp tục bị sờ mó, bị đánh đập và bị ép phải lột hết quần áo để chụp ảnh.
Cacho chỉ được trả tự do sau khi đóng tiền bảo lãnh 70.000 peso (3.700 USD). Ngày 31-7-2018, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc kết luận Nhà nước Mexico đã vi phạm một số quyền con người trong vụ Lydia Cacho.
Ngày 10-1-2019, Chính phủ Mexico công khai xin lỗi Cacho nhưng cô vẫn tiếp tục bị đe dọa. Tháng 7-2019, bọn trộm đột nhập vào nhà riêng Cacho, thuốc chó và lấy hết máy móc làm báo. Cô phải rời Mexico ra nước ngoài ẩn náu một thời gian.
Một ngày nọ, xe cô đang đi thì bị tấn công. Cô cảm thấy yếu đuối, buồn bã và tự nhủ có nên tiếp tục điều tra một khi phải trả giá đắt như thế. Nhưng rồi Cacho lại vững tin khi nhớ đến lời khuyên của mẹ nhiều năm trước: "Đừng để chúng có quyền kiểm soát cuộc sống của con. Đừng để chúng có sức mạnh tạo nên sợ hãi".
Cuối cùng, bọn ấu dâm đã phải trả giá. Tên cầm đầu Jean Succar Kuri đã bị kết án 112 năm tù.
Trong vụ án bắt cóc và tra tấn nhà báo Lydia Cacho, năm ngoái tòa án liên bang Mexico đã phát lệnh truy nã Marín Torres - cựu thống đốc bang Puebla, Karam Beltrán - cựu giám đốc cảnh sát hình sự bang và doanh nhân Kamel Nacif.
Interpol xác định Marín Torres và Karam Beltrán có mặt ở Brazil từ giữa tháng 10-2019 đến tháng 2-2020 thì mất dấu. Ngày 10-7 vừa qua, Mexico xác định Kamel Nacif đang ở Lebanon và tiến hành thủ tục dẫn độ.
Trước đó vào tháng 1-2020, Juan Sánchez Moreno - nguyên chánh văn phòng Bộ Tư pháp bang Puebla - đã bị kết án 5 năm 3 tháng tù (Sánchez bị bắt vào tháng 4-2019).
Cuộc điều tra của cảnh sát bang Quintana Roo đã tiết lộ nhiều băng video và hình ảnh đồi bại của chủ doanh nghiệp Jean Succar Kuri.
Hắn dụ dỗ các trẻ em nghèo đến hồ bơi, sau đó tìm cách dụ vào phòng ngủ rồi ép buộc các nạn nhân quan hệ tình dục với hắn và với bạn bè của hắn.
Có bé gái chỉ mới 4 tuổi. Một băng video do vợ hắn ghi hình lại cho thấy tên ấu dâm này đang cưỡng ép hai bé gái phải làm theo hướng dẫn của hắn. Ngoài ra, hắn còn phát tán hình ảnh ăn chơi đồi trụy lên một trang web ở Mỹ.
Cô gái làng chơi Cyntoia Brown bắn chết khách hàng năm mới 16 tuổi. Các vụ cưỡng ép bán thân như Brown hết sức kinh tởm.
Kỳ tới: Những thủ đoạn kinh doanh thân xác tàn độc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận