Chad Haag bỏ trốn sang Ấn Độ vì nợ học phí đại học quá nhiều - Ảnh: NVCC
Chad Haag, sinh viên Mỹ, 29 tuổi, đang sống trong một hang động sâu trong rừng tại… Ấn Độ, cách nơi anh trưởng thành là Colorado đến 9.000km, để trốn nợ học phí đại học.
Anh bỏ tất cả lại sau lưng, đến một ngôi làng ở Uchakkada, sống với chi phí chỉ vỏn vẹn 50 USD/tháng (hơn 1 triệu đồng VN). Với cây xanh sau vườn, voi lững thững dạo quanh, Haag thấy khoản nợ học phí không còn là nỗi ưu phiền thường nhật.
Trường hợp của Haag không phải là cá biệt, Đài CNBC dẫn lời Barmak Nassirian, đại diện Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ, cho biết ngày càng nhiều sinh viên Mỹ xách balô lên và đi… trốn ở những nơi có phí sinh hoạt rẻ hơn quê nhà.
Theo CNBC, nợ học phí của sinh viên Mỹ đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua và dự đoán đạt con số 2.000 tỉ USD vào năm 2022.
Trung bình một sinh viên tốt nghiệp đại học nợ khoảng 30.000 USD, tăng từ mức 16.000 USD vào đầu những năm 1990 (đã tính lạm phát). Trong khi đó, mức lương cho cử nhân mới tốt nghiệp, tính luôn lạm phát, gần như không thay đổi trong vài thập kỷ qua.
Quay lại với Haag, anh ta nợ 20.000 USD, con số tuy không nhiều so với nợ của nhiều sinh viên khác nhưng theo Haag, anh khó có thể tìm việc để trả được số nợ này chỉ với tấm bằng cao đẳng.
Từ tình cảnh không thể mua được căn hộ, hiếm khi gặp gỡ bạn bè ở Mỹ, Haag đã cưới được vợ là giáo viên ở Ấn Độ, có cả visa 5 năm và có cuộc sống ổn định ở nơi mới.
Haag có cuộc sống mới tại Ấn Độ với người vợ bản địa - Ảnh: NVCC
Nếu bạn đang chật vật với cuộc sống thì món nợ 20.000 USD quả là khủng khiếp!"
Chad Haag
Theo Mark Kantrowitz, chuyên gia về học phí đại học, những sinh viên trốn nợ học phí như trên khi trở về Mỹ sẽ thấy nợ không những còn đó mà còn tăng lên thêm do tiền lãi và tiền phạt đóng chậm.
Chuyên gia Nassirian cho biết có nhiều cách để xử lý nợ thay vì phải xa xứ như các trường hợp kể trên.
Sinh viên khó khăn có thể tham gia vào một trong các kế hoạch trả nợ dựa trên thu nhập của chính phủ. Trong đó, hóa đơn tiêu dùng hằng tháng sẽ được giới hạn dựa trên thu nhập.
Nhiều chuyên gia cho rằng quan trọng hơn cả là cần xem xét kỹ lưỡng hệ thống cho vay học phí hiện nay, vì sự việc đã không còn đơn giản khi hệ thống này đang khiến sinh viên, thế hệ tương lại của đất nước, phải trốn chạy đến nơi khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận