Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền |
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận thực trạng như vậy tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 19-11.
Đại biểu Ngô Văn Minh đưa ra con số thống kê nợ đọng BHXH hiện nay hơn 7.000 tỉ đồng, bên cạnh một số liệu không chính thức khác là 12.000 tỉ đồng. Nhiều đại biểu khác cũng bày tỏ lo lắng khi nợ đọng BHXH tăng cao và đề nghị Bộ trưởng đưa ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ đọng BHXH cao, bên cạnh khó khăn doanh nghiệp thì có trách nhiệm của chủ sử dụng lao động đã không nghiêm túc trong việc đóng bảo hiểm cho người lao động.
Chế tài xử phạt với việc chậm đóng, trốn đóng hiện nay còn nhẹ nên doanh nghiệp cố tình để nợ còn hơn là đi vay ngân hàng. Bà cũng đề cập đến trách nhiệm của địa phương, tổ chức công đoàn đã không phản ánh kịp thời khi phát hiện doanh nghiệp cố tình chây ì.
Bên cạnh đó, một phần là do năng lực thanh tra. Hiện trong toàn ngành có trên 400 cán bộ làm công tác thanh tra, Bộ có 55, mỗi địa phương có 5-7 thanh tra phụ trách nhiều lĩnh vực nên số cuộc kiểm tra với số cần kiểm tra rất ít.
Về biện pháp giải quyết, Bộ trưởng cho biết đã đề xuất một số giải pháp đưa vào dự thảo Luật BHXH lần này, trong đó chế tài xử lý phải nghiêm túc hơn, nặng hơn, bổ sung quyền thanh tra cho cơ quan bảo hiểm để lực lượng thanh tra đông hơn, nâng mức phạt chậm đóng đối với số nợ đọng. Cơ quan BHXH phải định kỳ cung cấp thông tin đóng BHXH cho người lao động. Đặc biệt những doanh nghiệp cố tình chậm đóng sẽ bị khởi tố, chuyển công an điều tra.
Bộ trưởng khẳng định: “Chấm dứt hẳn thì khó nhưng sau khi luật được thông qua thì những vấn đề nợ đọng BHXH sẽ cơ bản được giải quyết. Nợ đọng do doanh nghiệp khó khăn thì chúng ta phải chấp nhận ở một tỉ lệ nào đó và dần từng bước khắc phục”.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) bức xúc cho rằng người lao động khi lĩnh lương coi như đã đóng xong BHXH nhưng chủ doanh nghiệp không nộp thì đó là trách nhiệm của doanh nghiệp, nhưng người lao động lại không được hưởng chế độ với lý do cơ quan BHXH đưa ra là doanh nghiệp chưa đóng. Tại sao người lao động lại bị bắt làm con tin như vậy và Luật mới có khắc phục được hay không?
Đồng thời ông Tùng đề nghị xem xét dự thảo Luật BHXH sắp được thông qua có sự ưu tiên cho người lao động trong khu vực nhà nước mà xem nhẹ quyền lợi của người làm việc ngoài nhà nước hay không?
Tiếp thu ý kiến của ông Tùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nếu thấy những kiến nghị trên hợp lý, xác đáng thì Thường vụ Quốc hội, ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu để báo cáo Quốc hội và sẽ tiếp thu để chỉnh lý trước khi thông qua Luật BHXH mới. Ông đồng quan điểm cho rằng mọi người tham gia BHXH phải được hưởng quyền lợi như nhau, không phân biệt nhà nước, ngoài nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận