Vườn cải phụng của anh Thạch Lam dù bán giá rẻ thương lái cũng không mặn mà đến mua - Ảnh: Chí Quốc |
Vào những ngày cuối tháng 3 vừa qua, tại huyện An Phú (An Giang) những dải đất trồng rau màu ven sông thường ngày không còn cảnh nông dân chăm bón như trước. Nhiều thửa ruộng trồng rau bị bỏ mặc trong nắng hạn đến héo rũ. Người dân cho biết đã khó tiêu thụ mà giá bán của chúng thấp hơn chi phí thu hoạch nên đành phải nhổ bỏ.
Mất trắng...
"Địa phương nào cũng có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã đứng ra tiêu thụ cho nông dân. Thế nhưng, vai trò của các tổ chức này trong việc tìm đầu ra thường đều vượt quá khả năng. Do đó khi có vấn đề cung vượt cầu xảy ra thì nông dân bao giờ cũng là người chịu thiệt, gần như cả ĐBSCL đều bị rơi vào tình trạng như vậy" Bà Lê Thị Thủy (phó chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp) |
Ngồi cạnh đám bắp cải chết rụi, ông Lê Văn Nhiên - xã Vĩnh Trường - kể vụ rau vừa qua trồng 6 công (6.000m2) bắp cải, tháng trước giá thương lái mua tại chỗ chỉ 300 đồng/kg, thế nhưng sang tháng này chẳng ai mua nên phun thuốc cho chết để làm đất trồng lại loại cây khác. “Vụ này coi như mất trắng nên bây giờ phải đi hỏi vay để trồng vụ mới, chứ không lẽ bỏ đất hoang” - ông Nhiên nói giọng buồn bã. Cạnh đó là mấy thửa trồng củ sắn vừa được ông Huỳnh Văn Bồi đưa máy vào cày bỏ do giá giảm từ 3.000 đồng còn 1.000 đồng/kg, nhưng vẫn không bán được.
Theo ông Âu Đức Thọ - cán bộ nông nghiệp xã Vĩnh Trường, toàn xã có 290ha hoa màu chủ yếu đậu phộng, bắp, rau dưa các loại, mấy năm trước rau dưa có giá từ 5.000-7.000 đồng/kg thì nay chỉ còn khoảng 2.000 đồng nên nhiều nông dân bị thua lỗ nặng. “Tiền thuê nhân công thu hoạch cao hơn giá bán nên nhiều hộ cho phá bỏ để trồng lại vụ mới với loại cây trồng khác” - ông Thọ nói.
Trong khi đó ở vùng chuyên canh màu huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) từ đầu năm các loại hoa màu cũng rớt giá thê thảm. Ông Nguyễn Văn Nhẫn - nông dân xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, người gắn bó với nghề trồng hành lá từ hơn 20 năm qua - cho biết dù năm nay trúng mùa nhưng do giá có lúc rớt xuống còn 1.000 đồng/kg nên nông dân lỗ nặng, trung bình mỗi công (1.000m2) hành lá nông dân lỗ 3-5 triệu đồng.
“Có lúc nếu thuê nhân công nhổ hành đem bán sẽ lỗ hơn là để nguyên nên tui phải cuốc bỏ. Ngay cả khi mấy ngày nay giá hành đã lên 2.500-3.000 đồng/kg nông dân vẫn còn lỗ 1-2,5 triệu đồng/công, sổ đỏ trong ngân hàng không biết lúc nào mới lấy ra được” - ông Nhẫn chua xót nói.
Ông Kha Văn Liến - phó chủ tịch UBND xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự - cho biết toàn xã có gần 200ha trồng rau màu, trong đó hành lá khoảng 70ha, củ cải khoảng 40ha, còn lại là các loại rau củ khác như xà lách, ớt, dưa leo... Dù thị trường tiêu thụ khá rộng lớn như An Giang, Cần Thơ, TP.HCM và nước bạn Campuchia... nhưng thời gian gần đây giá hành và củ cải có lúc chỉ còn 1.000 đồng/kg do cùng lúc các tỉnh An Giang, Sóc Trăng cũng trồng loại cây này nên bị dội chợ. Chỉ cần tính công đầu tư thấp nhất của mỗi công hành (hoặc củ cải) là 3 triệu đồng, khi gặp tình trạng lỗ trắng do giá thấp như vừa qua nông dân trong xã đã bị mất ít nhất 3,3 tỉ đồng.
Theo giải thích của bà Lê Thị Thủy - phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, nguyên nhân dẫn đến chuyện giá rau màu giảm đến mức thê thảm như vậy là do nguồn cung vượt cầu. Bà Thủy phân tích phần lớn người dân trồng rau màu theo phương thức tự phát nên ngành chức năng không thể thống kê được diện tích, sản lượng... để tham vấn về mặt thị trường hoặc thống kê thiệt hại.
“Trụ không nổi với nghề trồng rau”
Còn tại Sóc Trăng, vùng trồng rau trọng điểm của huyện Mỹ Xuyên là xã Đại Tâm, nhiều người dân tại đây đều than vãn trước tình trạng nông sản rớt giá thê thảm.
Anh Thạch Lam (ấp Đại Nghĩa Thắng) nhìn vườn rau cải phụng và xà lách không ai mua nói: “Tôi muốn phun thuốc bỏ đi vì giá xuống quá thấp, trong khi kêu thương lái họ lại không mặn mà đến mua”. Anh Lam cho biết vợ chồng anh đã trồng rau 10 năm qua nhưng chưa thấy năm nào giá rớt thê thảm như năm nay. Cải phụng anh trồng hiện có giá khoảng 1.500 đồng/kg, xà lách 3.000 đồng/kg. Theo tính toán của anh Lam, với mức đầu tư khoảng 1 triệu đồng/công đất thì giá bán như trên coi như huề vốn, chưa tính công chăm sóc hơn một tháng trời. “Hết vụ này chắc gia đình tôi lên TP.HCM kiếm sống. Tôi dự định xin vô mấy nhà máy dệt, còn vợ sẽ đi phụ giúp việc nhà chứ trồng rau kiểu này không thể trụ nổi” - anh Lam tâm sự.
Cách đó chừng 500m, giữa trưa nắng nhưng hai vợ chồng ông Trầm Út cũng đang tưới vườn cải phụng để bán được đồng nào hay đồng nấy. Ông Út nói cuối năm ngoái giá cải phụng ở mức 2.500 - 3.000 đồng/kg, nhưng từ sau Tết Nguyên đán 2014 đến nay “giá cứ rớt xuống hoài mà không lên lại nổi”. Nói về việc nhiều nông dân bỏ nghề, ông Út thông tin thêm: “Ở đây sau tết vừa rồi có nhiều người bỏ đi Bình Dương làm công nhân vì ở nhà trồng rau mà giá bán kiểu này thì trồng cũng như không”.
Trong khi đó, theo một chủ vựa nông sản ở ấp Đại Ân, bắp cải vốn là thế mạnh của xã Đại Tâm dù mấy ngày nữa là hết mùa nhưng giá cao lắm cũng chỉ 3.000 đồng/kg. Khoảng một tháng trước, bắp cải có giá bán như cho với 1.500-2.000 đồng/kg. Chủ vựa cho biết dù với “giá cao” là 3.000 đồng/kg, người trồng bắp cải vẫn không đủ bù vốn đầu tư cho thuốc, phân và ngày công lao động, không ít người đã chuyển sang trồng bông cải bởi loại này có giá nhỉnh hơn với mức 8.000 đồng/kg.
Ông Lương Minh Quyết - chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên - cho biết việc rớt giá chủ yếu rơi vào một số sản phẩm như bắp cải, củ cải..., một số loại khác như cải phụng cũng rớt giá nhiều nhưng diện tích trồng không lớn. Ông Quyết cho rằng năm nay hoa màu ở ĐBSCL được trồng tràn lan, nơi nào cũng có trong khi nhu cầu thị trường giảm nên góp phần làm giá rớt thê thảm.
Phóng to |
Từ tháng 2 đến nay, nhiều người trồng cà chua tại Đơn Dương, Đức Trọng (Lâm Đồng) triền miên thua lỗ - Ảnh: Phan Thành |
Hàng chục tấn cà chua, bắp cải Đà Lạt đổ bỏ
Những ngày này, không khí ảm đạm do thua lỗ tràn khắp các vùng trồng cà chua và bắp cải thuộc vùng rau Đà Lạt (TP Đà Lạt, huyện Đức Trọng, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng).
Thống kê chưa đầy đủ từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, chỉ riêng tại Đơn Dương có hơn 1.200ha cà chua và bắp cải với hơn 30.000 tấn phải bán với giá rẻ và đổ bỏ. Các địa phương khác cũng trong tình trạng tương tự. Không chỉ vụ đông xuân vừa qua, mà ba năm liên tiếp người dân trồng các giống cà chua phổ thông và bắp cải gặp cảnh thua lỗ, phải tìm cách bán tống bán tháo để gỡ vốn hoặc chặt bỏ.
Ông Huỳnh Ngọc Thận - chủ tịch Hội Nông dân huyện Đơn Dương - cho biết vào ngày 2-4 cà chua được mua tại vườn giá 500 đồng/kg, bắp cải 500 đồng/bắp (khoảng 2,5kg). Theo ông Thận, với giá này chỉ đủ nông dân trả tiền giống và mất trắng công thu hoạch, chi phí chăm sóc. Thống kê sơ bộ từ UBND huyện Đơn Dương có hơn 200ha cà chua và bắp cải đang được nông dân chăm sóc cầm chừng đợi được giá hoặc bỏ mặc trên đồng.
Tại huyện Đức Trọng, chị Trần Thị Hương (thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh) cho biết trước tết gia đình chị trồng 5 sào cà chua, chỉ mới thu hoạch được hơn 1 sào với giá 7.000 đồng/kg thì sau đó rớt giá thê thảm còn 500-700 đồng/kg. Nuôi hi vọng giá chỉ rớt trong thời gian ngắn sau tết, tuy nhiên đến nay tình hình vẫn không mấy khả quan. “Tưởng chỉ mất giá một thời gian sau tết, ai ngờ đến giờ giá cà chua đẹp vẫn chỉ vài trăm đồng/kg, không đủ trả tiền thuê công người hái nói gì tới lợi nhuận” - chị Hương xót xa nói.
M.VINH - P.THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận