Người dân làng bè Long Sơn giằng buộc lại bè cá cho chắc chắn - Ảnh: CTV
Ngành đường sắt chuẩn bị thực phẩm phục vụ khách
Ngành đường sắt đã chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát diễn biến thời tiết và chuẩn bị đầy đủ lương thực thực phẩm trên tàu, dưới ga để phục vụ hành khách.
Ngày 24-11, tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đã có công điện khẩn triển khai công tác ứng phó bão số 9 và hoàn lưu bão.
Cụ thể, ngành đường sắt yêu cầu các đơn vị cử người thường trực tại hiện trường chủ động ứng cứu khi có sự cố xảy ra, đặc biệt tại các điểm xung yếu như cầu, đường yếu, đoạn dễ ngập nước, khu vực hay xảy ra đá rơi, đất sụt…
Các đơn vị vận tải đường sắt phải chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và có phương án ứng cứu khi có thiệt hại do mưa bão xảy ra để đảm bảo đủ an toàn cho khách.
Nhân viên đường sắt phải thường xuyên phát thanh thông báo cho hành khách ở ga và trên tàu được biết về diễn biến thời tiết.
Các đơn vị đường sắt sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến đường đi của bão để chủ động điều tiết hành trình chạy tàu và có kế hoạch dừng tàu tại các ga có đủ điều kiện phục vụ hành khách.
Tiền Giang, Bến Tre hối hả chạy bão
Nhân viên điện lực huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre dùng bao cát để tấn mái tôn trụ sở công ty - Ảnh: Mậu Trường
Đến trưa 24-11, người dân các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đã sẵn sàng để ứng phó với bão số 9.
Tại Bến Tre, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các trường học cho học sinh nghỉ học chiều 24-11 cho đến khi có thông báo mới. Trước đó, tỉnh này cũng đã phát lệnh cấm tàu cá ra khơi.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão tại các huyện ven biển như: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú vào buổi sáng cùng ngày.
Trưa 24-11, tại Khu du lịch biển Tân Thành (Tiền Giang), hàng trăm khách du lịch vẫn bình thản với bão. Từng đoàn khách đến từ các tỉnh Vĩnh Long, Long An, TP.HCM vẫn vô tư ngắm biển, thậm chí một số bạn trẻ còn check in một cách vui vẻ hoặc chụp hình lưu niệm.
Tại khu vực sạt lở được xem là tuyến đầu nếu bão ập tới ở ấp cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), ông bà Trần Thị Sang vẫn tá túc trong căn nhà lá nằm sát mé biển.
Bà Sang nói có biết bão tới nhưng phải đợi chính quyền địa phương thông báo di dời thì mới đi. Còn giờ phải ở nhà giữ cháu.
Ghe đánh cá của ngư dân Bến Tre vào tránh bão trong những con rạch - Ảnh: Mậu Trường
Trong khi đó, tại buổi họp Ban chỉ huy PCTT và TKCN diễn ra trưa cùng ngày, ông Nguyễn Thiện Pháp, phó trưởng ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tiền Giang, cho biết sau khi tiến hành lệnh cấm biển từ 16h ngày 23-11, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kêu gọi người dân đang hoạt động trên đáy sông Cầu, chòi canh nuôi trồng thủy sản phải di chuyển vào đất liền, chèn chống lồng bè ven sông…
Ông Pháp cũng thông báo trên địa bàn tỉnh có 1.438 tàu cá đã được liên lạc và thông báo bão. Còn 647 tàu đang hoạt động ngoài khơi cũng được hướng dẫn di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Học sinh hai huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông được thông báo nghỉ học từ chiều 24-11 để tránh bão.
Đến 12h trưa nay tại khu vực biển Gò Công, nắng nhẹ và không có mưa. Trời có mây âm u, gió nhẹ.
Vũng Tàu phát bao cát miễn phí cho dân
Tại phường 5, TP Vũng Tàu, chính quyền và bộ đội biên phòng đã đóng bao cát và phát miễn phí cho người dân để phòng ngừa thiệt hại do bão số 9. Đây là việc làm thiết thực, hiệu quả.
Đến 12h ngày 24-11, chính quyền phường 5 (TP Vũng Tàu) và đồn biên phòng Bến Đá (Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) đã đóng khoảng 4.000 bao cát, với khối lượng khoảng 40 mét khối và phát miễn phí cho người dân.
Việc đóng bao cát ngay trước trụ sở UBND phường, bên đường Trần Phú nên mọi người đi ngang qua ai cũng thấy và đến lấy.
Ông Lê Thanh Phong, chủ tịch UBND phường 5, cho biết ý thức phòng chống thiệt hại do thiên tai của người dân rất cao, bao cát đóng đến đâu, người dân đến xin hết.
Đóng bao cát phát miễn phí cho người dân chống bão ngay trước trụ sở UBND phường 5, TP Vũng Tàu, trưa 24-11- Ảnh: ĐÔNG HÀ
Chính quyền phường 5, TP Vũng Tàu cũng đã cho xe đi dọc các tuyến đường phát loa kêu gọi người dân phòng tránh bão cũng như thông báo các địa điểm như trường học, nhà thờ, nhà kiên cố để người dân di tản, sơ tán.
Trong khi đó, sáng cùng ngày tại xã đảo Long Sơn, chính quyền và ngành chức năng đã đi từng lồng bè nuôi cá để vận động và khuyến cáo người dân về.
Người dân nhận bao cát miễn phí tại trụ sở UBND phường 5, TP Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Trưa cùng ngày, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 đã cử đoàn công tác đi đến từng tàu, thuyền đang neo đậu để nhắc nhờ, tuyên truyền, khuyến cáo các chủ tàu ở khu Sao Mai, vịnh Gành Rái. Tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 413 của trung tâm này đã ra túc trực tại cửa biển Sao Mai- Bến Đình để cứu nạn khi xảy ra sự cố.
Ông Vũ Hồng Thuấn, trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Vũng Tàu, cho biết từ chiều 23-11, chính quyền TP đã cấm tắm biển, đóng cửa các khu du lịch và yêu cầu các công trình xây dựng hạ cẩu, giàn giáo để đảm bảo an toàn khi bão vào.
Ninh Thuận: Không còn tàu, thuyền hoạt động trên biển
Trưa 24-11, các vùng ven Ninh Thuận xuất hiện mưa lớn, kèm sóng cao từ 1,5m - 2m.
Thượng tá Phạm Văc Trác, phó trưởng Ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc BĐBP tỉnh Ninh Thuận, cho biết đến sáng 24-11, không còn tàu thuyền nào hoạt động trên vùng biển Ninh Thuận và không có tàu thuyền nào đang hoạt động ngoài tỉnh mà không liên lạc được.
Bộ đội đồn biên phòng Ninh Chữ giúp dân chằng néo lồng bè thủy sản tại xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải - Ảnh: MINH TRÂN
Ông Trác cho biết toàn tỉnh có 229 chiếc tàu và 468 lao động đang nuôi trồng thủy sản tại vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải), thôn Khánh Nhơn (xã Nhơn Hải), thôn Mỹ Tân (xã Thanh Hải) thuộc huyện Ninh Hải và biển Cà Ná, huyện Thuận Nam.
Hiện còn một số lao động trên 132 lồng bè chưa vào bờ. Các chủ lồng bè đã ký cam kết không để lao động ở trên bè khi bão vào bờ.
Cũng sáng 24-11, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức nhiều đoàn đi thực tế kiểm tra các kè, hồ đập, vùng trũng thấp xung yếu.
Các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra kè sông, kè biển và vận động người dân Đông Hải chằng chống nhà cửa, đưa thúng vào bờ - Ảnh: MINH TRÂN
Tại phường Đông Hải, hàng trăm hộ dân dọc tuyến kè biển đã đặt bao cát giằng mái, chằng néo nhà cửa ứng phó khi bão đổ bộ. Tàu thuyền đã vào cảng cá Đông Hải neo đậu trú bão.
Chiếc thúng cá cuối cùng vào bờ trú bão - Ảnh: MINH TRÂN
Úp thúng cá nghỉ biển - Ảnh: MINH TRÂN
Đại tá Phạm Huyền Ngọc - giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận và ông Bùi Văn Phú - chủ tịch UBND TP Phan Rang-Tháp Chàm đôn đốc các đơn vị vũ trang, UBND phường Đông Hải vận động số hộ dân còn lại cần chằng chống nhà cửa, tiếp tục kêu gọi vài thuyền thúng còn hoạt động ven bờ vào trú bão.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận