24/11/2016 14:59 GMT+7

​Ninh Thuận: Nhiều giải pháp ứng phó hạn hán

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Với lượng mưa thấp nhất nước, hạn hán tại tỉnh Ninh Thuận không còn lạ. Tuy vậy, trong năm 2016, hạn hán đang khiến nhiều nơi ở Ninh Thuận hoàn toàn không có nước sinh hoạt, nước ngầm đã cạn kiệt, người dân phải oằn mình chống chọi với hạn.

Năm 2016, hạn hán khốc liệt nhất trong 11 năm qua

Ninh Thuận mỗi năm có 10 tháng mùa khô hầu như không có lấy một giọt mưa, nhưng khi mùa mưa đến, mưa lại như trút nước. Thế nên giải pháp chống hạn mang tính lâu dài cho Ninh Thuận từ trước đến nay vẫn là xây dựng hồ chứa để trữ nước trong mùa mưa và điều tiết nước cho mùa khô. 

Tuy vậy, mùa mưa năm 2015, lượng mưa thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm nên bước vào mùa khô năm 2016 với cường độ nắng nóng và tốc độ bốc hơi lớn, trong khi nhu cầu tưới tiêu ngày càng tăng, 20 hồ chứa nước ở Ninh Thuận nhanh chóng cạn kiệt. Năm 2016 được đánh giá là năm hạn hán khốc liệt nhất kể từ 11 năm trở lại đây.

Trong các tháng mùa khô từ tháng 1 - 4 năm 2016, chỉ một số khu vực tỉnh Ninh Thuận có mưa rào vài nơi. Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã xảy ra tình trạng khô hạn ở hầu hết các địa phương, nặng nhất là ở những khu vực không được hưởng lợi từ nguồn nước Hồ chứa thủy điện Đa Nhim. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, từ 15-4 đến 26-7-2016 xảy ra 45 ngày nắng nóng gay gắt càng làm cho tình hình hạn hán trở nên gay gắt hơn.

Từ đầu tháng 8 đến nay, mặc dù đã có mưa rải rác ở nhiều nơi, tuy vậy, vẫn còn một số địa phương không đủ nước để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân như: xã Phước Nam, Phước Dinh (huyện Thuận Nam), xã Tri Hải (huyện Ninh Hải) với tổng số 1.575 hộ. UBND các huyện Ninh Hải, Thuận Nam vẫn đang tiếp tục hỗ trợ vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân

Hạn hán kéo dài dẫn đến một số diện tích đất sản xuất ở sông Dinh bị nhiễm mặn. Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh Ninh Thuận tính từ đầu năm 2016 đến nay ước tính khoảng 184,709 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 15.000 ha lúa phải dừng sản xuất vì thiếu nước, 461 ha cây trồng bị thiệt hại hoàn toàn, ước tính thiệt hại do cây trồng 68,467 tỷ đồng. Khoảng 5.291 con gia súc bị chết, ước tính thiệt hại khoảng 11,242 triệu. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 33 vụ cháy rừng làm thiệt hại 24,34 ha rừng bị cháy rụi.

Hiện, lượng nước tại 20 hồ chứa là 97,11 triệu m3, đạt 50,51% dung tích thiết kế, tổng lượng mưa trong tháng 9 đạt 2.418 mm. Nếu qua mùa mưa năm nay, lượng nước tại các hồ chứa không tăng thì tình trạng thiếu nước trong năm sau là rất cao.

Nỗ lực ứng phó

Với tình hình hạn hán xảy ra thường xuyên hàng năm, bên cạnh việc kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Trung ương, tỉnh Ninh Thuận cũng đã dùng mọi giải pháp để ứng phó hạn hán nhằm giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất.

Tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo cho các huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Vụ Đông Xuân, tỉnh đã chuyển trên 1.267 ha đất trồng lúa sang cây chịu hạn, trong vụ Hè Thu vừa qua, tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích 661 ha, đạt 131% kế hoạch; trong đó 25,5 ha bắp, 382,4 ha đậu xanh, 201 ha mè, 30,3 ha cỏ... đồng thời khuyến khích đồng bào sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước.

Cùng với giải pháp trên, tỉnh Ninh Thuận cũng tập trung hỗ trợ nước sạch cho vùng thiếu nước sinh hoạt cấp bách theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là không để dân đói, không để dân khát, không để gia súc chết, không để phát sinh dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Đồng thời, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận và chính quyền địa phương tổ chức chở nước sạch đến phục vụ nhân dân xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải). Đây là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng khô hạn sớm nhất trong năm 2016 của tỉnh Ninh Thuận.

Để chủ động với tình hình hạn hán, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình hạn hán, không chủ quan lơ là, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, điều chỉnh hợp lý kế hoạch cấp nước, khi xảy ra thiếu hụt nguồn nước hoặc xâm nhập mặn phải đảm bảo cung cấp  nước theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước sản xuất; chủ động xây dựng phương án điều tiết nước tưới cho sản xuất từng vụ cụ thể, đảm bảo thấp nhất thiệt hại cho sản xuất của người dân.

Các địa phương phối hợp với công ty Khai thác công trình thủy lợi duy trì tổ dùng nước PIM để chủ động điều tiết tưới luân phiên, tiết kiệm theo phương pháp nông - lộ - phơi nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nước; tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên người, đàn gia súc, gia cầm, cây trồng và chủ động công tác phòng, chống cháy, phá rừng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát, dự báo tình hình dịch hại và hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng, vật nuôi.

Để điều tiết nước phục vụ cho người dân phù hợp, công ty Khai thác các công trình thủy lợi chủ động điều tiết nước cho sản xuất, điều tiết xả từ nước từ hồ Sông Sắc và hồ Trà Co vào lưu vực sông Cái với lượng nước 3 m3/s để bù đắp lượng nước thiếu hụt. Nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm trên các loại cây trồng cạn tại một số vùng có điều kiện về nguồn nước, tạo điều kiện chia sẻ, tiết kiệm nước phục vụ mục đích sinh hoạt.

Ứng phó với biến đổi khí hậu là công việc cấp bách và lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Thời gian qua dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng bước đầu các giải pháp và kế hoạch ứng phó với hạn hán của tỉnh Ninh Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng và giảm nhẹ thiệt hại về người và của.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: hạn hán Ninh Thuận
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp