Nhiều công trình trọng điểm kết nối Ninh Thuận
Phát biểu trước 100 doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu ở phía Nam, ông Trần Quốc Nam - chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới.
Chính phủ đã có chủ trương cho đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cụ thể, bổ sung sân bay Thành Sơn quy mô cấp 4C, công suất 1,5 triệu lượt hành khách/năm vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đã hoàn thành đi vào hoạt động; cảng biển tổng hợp Cà Ná đã đưa bến cảng 100.000 tấn vào hoạt động...
Ông Nam cũng thông tin tỉnh đã quy hoạch xác định chọn năm cụm ngành đột phá, gồm năng lượng, năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng và thị trường bất động sản và hai động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị...
Bên cạnh đó, Ninh Thuận đã có ba khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 855ha và khu công nghiệp Cà Ná quy mô 827ha đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Mở ra cơ hội hợp tác
Từ các thông tin như trên, Ninh Thuận mong muốn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, kết nối đầu tư giữa hai tỉnh Ninh Thuận - Đồng Nai. Qua đó, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của tỉnh Ninh Thuận, các khu, cụm công nghiệp Ninh Thuận tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh Đồng Nai.
"Tỉnh xác định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới, là động lực quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về cảng biển, cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp, đô thị, du lịch, hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập khu kinh tế ven biển của cả nước.
Ninh Thuận sẽ ưu tiên phát triển các lĩnh vực trọng điểm, hình thành hệ sinh thái đồng bộ tạo động lực thúc đẩy phát triển các dự án sản xuất, chế biến công nghiệp và các ngành trụ cột của tỉnh", ông Nam bày tỏ và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.
Đánh giá về tiềm năng của Ninh Thuận, bà Nguyễn Thị Hoàng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - phân tích: "Với những điều kiện vị trí địa lý, tự nhiên, cơ sở hạ tầng, cùng với sự phát triển về văn hóa, du lịch, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư của các nhà đầu tư không chỉ đến từ Đồng Nai mà còn đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước và cả các tập đoàn lớn trên thế giới".
Bà Hoàng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai tiếp tục làm đầu mối phối hợp với các sở ban ngành liên quan của tỉnh Ninh Thuận để cùng hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp Đồng Nai và Ninh Thuận nắm bắt thêm thông tin, nhu cầu hợp tác, đầu tư vào các lĩnh vực, dự án mà tỉnh Ninh Thuận đang có nhu cầu thu hút đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận