Nina Phạm gặp Tổng thống Barack Obama ở phòng Bầu Dục ngay sau khi cô xuất viện hôm 24-10 - Ảnh: Reuters |
Hôm qua (24-10), Nina Phạm - nữ y tá nhiễm vi-rút Ebola trong quá trình điều trị cho bệnh nhân người Liberia ở Dallas (Texas) đã rời bệnh viện sau thời gian điều trị và được diện kiến tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng.
Nina Phạm xuất hiện khỏe mạnh với nụ cười thường trực trên môi. Cô mặc bộ trang phục doanh nhân màu ngọc lam sậm khi bước ra bên ngoài Trung tâm chữa bệnh thuộc viện y tế quốc gia Mỹ ở Bethesda, Maryland và tự tin trả lời báo chí.
“Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc được đứng ở đây ngày hôm nay. Tôi đang trên đà hồi phục và tôi đang nghĩ về nhiều người khác vẫn chưa được may mắn" - hãng tin AFP dẫn lời y tá Nina Phạm.
Sau khi trả lời báo chí, Nina Phạm đã đến Nhà Trắng để diện kiến tổng thống Obama. Tại phòng Bầu Dục, tổng thống Mỹ đã ôm chúc mừng Nina Phạm trước ống kính của nhiều phóng viên.
Theo AFP, trả lời câu hỏi liệu tổng thống Obama có sợ khi tiếp xúc quá gần với y tá Nina Phạm vừa hồi phục từ bệnh Ebola hay không, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định rằng Tổng thống Obama không quan tâm đến bất kỳ nguy cơ nào khi ông thể hiện lòng biết ơn của mình đối với Nina.
Nina Phạm là nhân viên y tế đầu tiên nhiễm vi-rút Ebola ở Mỹ trong quá trình điều trị bệnh nhân người Liberia Thomas Eric Duncan sau khi ông này nhập viện Texas Health Presbyterian Hospital ở Dallas ngày 28-9.
Đồng nghiệp của cô là nữ y tá Amber Vinson cũng đã nhiễm vi-rút Ebola sau đó. Tuy nhiên, Vinson vẫn chưa được xuất viện vì còn phải theo dõi thêm.
“Các kết quả xét nghiệm cho thấy vi-rút không còn trong máu cô ấy nữa. Sức khỏe cô ấy đang tiến triển tốt nhưng vẫn phải lưu lại bệnh viện để tiếp tục điều trị hỗ trợ cho đến khi có thêm thông báo mới” - đại diện bệnh viện Emory University Hospital ở Atlanta (Georgia), nơi y tá Vinson điều trị cho biết.
Nina Phạm cho biết cô luôn nghĩ về bạn của mình là nữ y tá Vinson và bác sĩ Craig Spencer vừa nhiễm Ebola ở New York hôm 23-10 vừa qua.
Cô cũng bày tỏ lỏng cảm ơn đối với bác sĩ Kent Brantly và một điều phối viên người Mỹ đã từng nhiễm Ebola ở Liberia, người đã hiến huyết tương của mình để giúp cô hồi phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận