Tàu ngầm lớp Tấn (Type 094) của hải quân Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Hồi cuối tháng 3, đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Satoshi Suzuki đã trao cho đại diện Bộ Tài chính Ấn Độ khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 36 triệu USD. Số tiền này dùng để lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng mặt trời trên quần đảo Andaman và Nicobar, hướng tới đảm bảo nguồn cung điện ổn định.
Động thái diễn ra chỉ vài tháng sau khi Ấn Độ hoàn tất một đường cáp ngầm nối Andaman và Nicobar với bang Chennai nằm trong đất liền. Sự xuất hiện của hệ thống năng lượng mặt trời sẽ đảm bảo liên lạc thông suốt giữa Andaman và Nicobar với lục địa.
Theo giới phân tích, sự xuyên suốt đó có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế lẫn quân sự. Một quan chức ngoại giao Nhật xác nhận khoản viện trợ 36 triệu USD là một phần trong nỗ lực thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, theo tạp chí Nikkei Asia.
Mặc dù số tiền khá khiêm tốn, các chuyên gia đều cho rằng khoản viện trợ này có ý nghĩa chiến lược và mang tính biểu tượng lớn.
Là một trong các lãnh thổ liên bang của Ấn Độ, quần đảo Andaman và Nicobar gồm hơn 520 hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác trên cửa ngõ ra vào Biển Đông. Khu vực này chứng kiến lượng tàu bè qua lại lớn do nằm gần eo biển Malacca.
Theo Nikkei Asia, các tàu ngầm thường không thể bị phát hiện trừ khi theo dõi được chúng ngay từ lúc rời căn cứ. Đối với những người theo dõi quân đội Trung Quốc, Andaman và Nicobar được xem như tấm lưới tự nhiên có thể giúp họ phát hiện tàu ngầm Trung Quốc, nếu chúng bí mật đi từ Biển Đông ra Ấn Độ Dương thông qua eo biển Malacca.
"Các tàu ngầm sẽ phải nổi lên khi đi qua Malacca bởi đây là tuyến đường biển đông đúc, quan trọng nhất thế giới", Nikkei Asia lập luận.
Sơ đồ tuyến cáp biển nối quần đảo Andaman & Nicobar và eo biển Malacca - Ảnh chụp màn hình
Bà Darshana Baruah, một nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ), cho rằng quần đảo Andaman và Nicobar giúp Ấn Độ có "lợi thế vô song" trong việc theo dõi tàu ngầm Trung Quốc. "Một cơ chế giám sát và phản ứng chặt chẽ sẽ giúp Ấn Độ phát hiện các tàu Trung Quốc khi chúng tiến vào Ấn Độ Dương", bà Baruah khẳng định.
Theo bà Baruah, để tối đa hóa tiềm năng của quần đảo này và thu hút thêm người đến các đảo, Ấn Độ sẽ cần phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm nước, điện, nhà, mạng Internet: "Khoản viện trợ của Nhật Bản đã giải quyết đúng một trong những nhu cầu cấp bách trên thực tế và sẽ giúp New Delhi tận dụng tối đa lợi thế chiến lược của quần đảo".
Bà Tanvi Madan, giám đốc của Dự án Ấn Độ tại Viện Brookings (Mỹ), lưu ý mặc dù viện trợ của Nhật mang danh nghĩa đầu tư vào cơ sở hạ tầng dân sự, đây là một khoản tiền phục vụ cho mục đích kép.
"Đã có bước chuyển lớn hơn trong chiến lược của Ấn Độ bao gồm cả việc phát triển năng lực của chính mình và chào đón các nhân tố bên ngoài khu vực", bà Madan nhận định với Nikkei Asia. Theo chuyên gia này, New Delhi ngày càng nhận thấy rõ việc Trung Quốc tăng cường hiện diện hải quân và không quân ở Ấn Độ Dương là điều khó tránh khỏi nên cần phải có chiến lược đối phó.
Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương, bao gồm căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti (Đông Phi) và xây dựng một loạt cảng thương mại ở Myanmar, Pakistan, Sri Lanka và Maldives. Giới quan sát lo ngại những cảng nước sâu này cuối cùng có thể phục vụ mục đích quân sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận