Khinh hạm Hessen (F 221) thuộc lớp Sachsen trong biên chế của Hải quân Đức - Ảnh chụp màn hình
"Chúng tôi sẽ đưa tàu chiến tới khu vực sớm nhất trong mùa hè năm nay. Tôi chưa thể nói về chi tiết nhưng có thể tàu của chúng tôi sẽ ghé Nhật Bản. Đức muốn tăng cường quan hệ với các đối tác dân chủ", nghị sĩ Thomas Silberhorn phụ trách mảng quốc phòng của Quốc hội Đức tiết lộ.
Tàu chiến Đức cũng có thể sẽ ghé thăm Úc và Hàn Quốc với hải trình dự kiến đi ngang khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
"Đức sẽ thể hiện sự đoàn kết với các đối tác dân chủ. Úc và Nhật Bản đã đề nghị Đức đưa quân tới khu vực và chúng tôi sẽ phản hồi lại yêu cầu ấy", một nguồn tin của Nikkei Asia trong đảng cầm quyền ở Đức tiết lộ.
Một nguồn tin khác của Nikkei Asia cho biết thực hiện sứ mệnh lần này là một khinh hạm đồn trú phía bắc nước Đức. Con tàu sẽ ở lại châu Á trong một khoảng thời gian không xác định và nhận tiếp tế nhiên liệu, nhu yếu phẩm từ các lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Hải quân hai nước cũng có kế hoạch tổ chức một cuộc diễn tập chung tại châu Á.
Như vậy Đức sẽ là quốc gia châu Âu thứ ba tuyên bố ý định đưa tàu chiến tới các vùng biển xung quanh Trung Quốc. Anh và Pháp trước đó đã tuyên bố sẽ đưa tàu sân bay hoặc tàu chiến đến khu vực nhằm đảm bảo tự do hàng hải.
Mặc dù ông Silberhorn cho biết động thái "không nhắm vào quốc gia nào", tạp chí Nikkei Asia nhận xét Đức rõ ràng đang nhắm tới Trung Quốc. "Họ không được phép áp đặt trật tự khu vực theo kiểu chân lý thuộc về kẻ mạnh", nghị sĩ Silberhorn ám chỉ Bắc Kinh.
Một số chỉ dấu quan trọng cho thấy Berlin ngày càng quan ngại trước cách hành xử của Bắc Kinh trong các vấn đề khu vực, bao gồm tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Hồi năm ngoái Đức đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng mình. Động thái được tờ Nikkei Asia đánh giá là "lạ" bởi Berlin không có lãnh thổ hải ngoại nào tại khu vực. Điều này khác với Anh và Pháp - những quốc gia đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước Đức.
Trong tranh chấp Biển Đông, Đức cùng với Anh và Pháp (còn được gọi là nhóm E3) đã nhiều lần cùng gởi công hàm và ra tuyên bố chung phản đối các hành vi của Trung Quốc. Trong công hàm được gởi lên Liên Hiệp Quốc tháng 9-2020, nhóm E3 đã bác bỏ các yêu sách đường cơ sở thẳng, 'quyền lịch sử' Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông.
"Việc Đức đưa tàu chiến tới châu Á là một bước đi mang tính biểu tượng, cho thấy sự dịch chuyển chính sách của châu Âu trong bối cảnh các nước này ngày càng cảnh giác với Trung Quốc", tờ Nikkei Asia nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận