Để hạn chế tình trạng "canh mua giá rẻ chiều 30 Tết", bảo vệ được quyền lợi của người bán cũng như người mua hoa Tết, nhiều chuyên gia và cả nhà vườn đều cho rằng cần thay đổi cách thức bán hàng, đó là phải niêm yết giá ngay từ đầu, hoặc lập sàn bán hoa Tết và có sự quản lý.
Không niêm yết giá: hai bên đều thiệt
Là một tín đồ săn chơi hoa Tết trong hàng chục năm qua, ông Hồ Văn Cường (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết luôn đi mua hoa Tết khá sớm để chọn được những cây hoa đẹp, ưng ý hơn, nhưng chấp nhận trả mức giá cao.
"Nhiều người bán hét giá hoa quá cao ngay từ đầu nên nhiều người dân có tâm lý chờ giảm giá vào cuối ngày là chuyện khó tránh khỏi", ông Cường nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (quận 12) thường xuyên chọn mua hoa vào chiều 30 Tết để được giá rẻ. Theo bà Thủy, cùng một chậu hoa cúc nhưng đầu mùa Tết thương lái bán 200.000 - 250.000 đồng, còn sát Tết, khi ế chỉ còn 100.000 đồng, thậm chí 50.000 - 70.000 đồng.
Do đó, dù hoa mua trễ có thể không được đẹp, nhưng với những người lao động, tính ra người mua chi tiêu vậy cũng... hợp lý.
"Tôi hiểu được người nông dân cũng không dễ dàng gì để trồng được chậu hoa bán Tết, người bán cũng dãi nắng dầm sương nhiều ngày ở lề đường. Nhưng mức giá bán ra lúc đầu quá cao, cao đến vô lý và quá chênh lệch so với giá ngày cuối năm, dẫn đến người dân phải tính toán, chọn lựa. Chính người bán tự làm khó mình", bà Thủy khẳng định.
Với hơn chục năm trồng và buôn bán hoa lan, ông Phạm Anh Dũng, chủ tịch Hội sinh vật cảnh Củ Chi, thừa nhận việc người mua chờ hoa giá rẻ chiều 30 Tết xuất phát một phần do người bán kê giá quá cao ngay từ đầu.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, không ít người mua có tâm lý không muốn chia sẻ những khó khăn với người bán, thậm chí chờ thời cơ để hôi của, o ép bất chấp.
"Chiều 30 Tết là nhiều người mua trả giá rẻ như cho luôn, còn chỉ bằng một phần mười giá người bán đưa ra, còn dèm pha "không bán cũng bỏ chứ để làm gì", "bán còn kịp về quê ăn Tết", điều này thật sự làm người bán tổn thương", ông Dũng nói và cho rằng ngày càng nhiều thương lái chọn cách đập bỏ hoa vào chiều 30 Tết là vì thế.
Riêng với một số loại hoa có hạn sử dụng dài như hoa lan, hoa mai..., nhà vườn sẽ chọn để lại sang năm bán nếu cảm thấy không được giá.
"Có thể xem xét hạ giá 20 - 30% vì chất lượng hoa tồn lại thường xấu hơn, chứ không thể giảm 80 - 90%, bán như cho được. Bởi bán như thế càng củng cố thói quen canh me mua hoa giá rẻ cho người mua", ông Dũng nói.
Mở sàn bán hoa, sao không!?
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng việc người bán đập bỏ hoa chiều 30 Tết là hiện tượng rất buồn, phản cảm trong mắt người dân và du khách.
Theo ông Nghĩa, việc niêm yết giá bán với hoa Tết là điều cần thiết, giúp đưa thị trường của mặt hàng này dần vào khuôn khổ, hài hòa lợi ích của cả người bán lẫn người mua.
Đặc biệt, niêm yết giá sẽ tránh tình trạng "đập bỏ hoa vào chiều 30 Tết" làm ô nhiễm môi trường."Giá cả hoa Tết quá bấp bênh khiến người mua chịu thiệt nếu "đi không đúng ngày", trong khi nhiều trường hợp nhà vườn, thương lái phải bán rẻ vì hoa tồn khi giáp Tết.
Tính ra, các bên gần như không ai có lợi ích bền vững nếu giá hoa Tết bị thả nổi và bán buôn loạn giá như hiện nay", ông Nghĩa nhận định.
Đại diện Hội sinh vật cảnh Việt Nam cho rằng nên tính toán việc niêm yết giá hoa Tết, thậm chí triển khai một sàn bán hoa Tết. Khi đó, ban quản lý sàn có thể đưa ra các quy định chung cơ bản về giá như có mức giá sàn và giá trần cho từng loại hoa, chủng loại...
Người bán chỉ bán với giá trong khung này, trường hợp cần, người bán có thể tổ chức đấu giá trên sàn để người mua tham gia, sự cạnh tranh công bằng.
"Giá sàn và giá trần có thể đa dạng tùy vào thời điểm, chủng loại và chất lượng hoa, nếu mua hoa Tết sớm giá có thể cao hơn nhưng bù lại người chơi có thể sở hữu được hoa đẹp, ngược lại mua trễ, giá mềm hơn nhưng hoa sẽ bớt đẹp...", vị này nói và cho rằng nên khuyến khích người bán hoa, cơ sở nhỏ lẻ, thương lái thời vụ tham gia hội, nhóm để có được sự ổn định trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hoa Tết.
Về góc độ nhà vườn, ông Đỗ Mạnh Dũng, chủ vườn hoa Đỗ Dũng (Củ Chi), cho rằng việc niêm yết là cần thiết, nhưng nên có những linh động để người bán và người mua dễ gặp nhau.
"Trường hợp cần như trước Tết 15 ngày, 10 ngày, 3 ngày..., dựa vào sức mua và chất lượng hoa, người bán có thể giảm giá nhưng trong biên độ vừa phải với tỉ lệ chênh lệch giá tầm 20 - 25%, tránh tình trạng "đầu mùa giá trên trời, cuối mùa giá dưới đất" sẽ hài hòa hơn", ông Dũng nói.
Nên khuyến khích niêm yết giá
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Minh Hiệp, giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho rằng việc ổn định giá hoa Tết là điều cần thiết để tạo ra thị trường lành mạnh. Tuy nhiên, cái khó là giá trị hoa còn phụ thuộc theo gu thưởng lãm cũng như người chơi, nguyên tắc thuận mua vừa bán.
Theo ông Hiệp, hoa không phải mặt hàng thiết yếu để quản lý giá và khó có thể tính toán được giá trị, chi phí đầu vào. Do đó, việc áp đặt cách thức bán cho nhà vườn, hay áp một mức giá sẽ không dễ, trường hợp thành lập sàn bán hoa cần có sự chia sẻ của rất nhiều khâu liên quan.
"Cái gốc của vấn đề là do người bán để giá quá cao ngay từ đầu, dẫn đến phải hạ giá hoa dần để phù hợp với nhu cầu, và đưa về đúng giá trị thật, điều này đã tạo thói quen chờ hoa giá rẻ từ người mua. Do đó, nên khuyến cáo người bán, diễn giải để thương lái và người chơi hiểu lợi ích của việc ổn định giá hoa, lợi nhuận hài hòa cho các bên", ông Hiệp nói.
Quá nhiều người bán hoa "nghề tay trái"
Sau khi đảo qua một vòng khắp làng hoa Mỹ Phong (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), vợ chồng anh Nguyễn Cao Sơn (môi giới nhà đất) và chị Hà Bích Giang (giáo viên tiểu học, ngụ tỉnh Bình Dương) quyết định xuống tiền đặt cọc 1.000 chậu hoa cúc mâm xôi với giá 200.000 đồng/cặp.
Bán hoa Tết là nghề tay trái nhưng đem lại nguồn thu nhập khá lớn của hai vợ chồng. Mùa Tết năm ngoái, vợ chồng anh Sơn đầu tư 140 triệu đồng mua 700 chậu hoa tại Tiền Giang để bán tại một khu chợ Tết ở Bình Dương. Kết thúc mùa hoa Tết, sau khi trừ chi phí tiền vận chuyển, thuê mặt bằng, vợ chồng anh đã thu về hơn 150 triệu đồng.
Theo anh Sơn, trong các ngày 25, 26 và 27 tháng chạp, giá bán hoa do anh đưa ra luôn cao hơn do nhiều người đi mua. "Càng về gần giao thừa, giá hoa giảm dần và có khi phải bán dưới giá vốn vì lúc này có thể có những chậu hoa bị hư, bị lỗi. Nhưng bình quân lại, bán hoa Tết là một lời một", anh Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng (53 tuổi, Đồng Nai) - một thương lái lâu năm tại làng hoa Cái Mơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), phần lớn thương lái hoa những ngày Tết là những người trong nhiều ngành nghề khác nhau, chọn nghề bán hoa như một công việc làm thêm trong khoảng 10 - 20 ngày, xong vụ hoa Tết lại quay về với công việc chính.
Những thương lái tay ngang này thường muốn thu hồi vốn càng nhanh càng tốt nên luôn kêu giá... trên trời vào những ngày đầu, rồi giảm giá dần cho đến gần giao thừa thì xả hàng với bất cứ giá nào.
"Nhưng tôi đập bỏ hoa chứ không bán phá giá kiểu đó. Vì mình còn bán lâu dài, nếu bán giá thấp vào thời khắc cuối năm sẽ tạo tiền lệ xấu, người mua sẽ chờ vào thời điểm đó để mua hoa giá rẻ", ông Tùng nói.
Dù ủng hộ việc niêm yết giá hoa Tết nhưng ông Tùng cho rằng có quá nhiều thương lái thời vụ làm ăn chụp giật, chưa kể việc phối hợp giữa các sạp, các thương lái với nhau sẽ rất khó khăn.
Chủ nhiệm một tổ sản xuất hoa - cây kiểng tại Tiền Giang cũng cho rằng việc niêm yết giá hoa tại các chợ hoa Tết, phố xuân là rất khó thực hiện vì chất lượng hoa của mỗi vườn, mỗi sạp khác nhau.
"Chưa kể, những ngày đầu thì hoa còn đẹp nên tất nhiên giá sẽ cao hơn những ngày sau, khi hoa đã bị xuống sắc", vị này nói.
Công bố giá, hoa Đà Lạt bớt lo "dội chợ"
Việc sớm đưa ra giá hoa thay vì chờ đến dịp cận Tết mới "hét giá" được xem là cách để giúp hoa Đà Lạt thoát cảnh "dội chợ", kể cả dịp cận Tết.
Ngày 31-12, các tiểu thương tại chợ Đà Lạt cũng như nhiều cửa hàng hoa trên địa bàn cho biết giá bán sỉ hoa Tết đã được công bố, riêng giá bán lẻ cũng sẽ đồng loạt công bố trong hai ngày tới. Theo các tiểu thương, phần lớn các loại hoa là sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt đều được định giá ngay từ cửa vườn, từ nhà xưởng ngay khi chưa Tết.
Theo ông Trần Vân Nam - làng hoa Vạn Thành (phường 5, Đà Lạt), sản lượng đã được chốt từ ba tháng trước rồi. Giá hoa cũng được nhà vườn cùng các đầu mối ở TP.HCM và các tỉnh chốt xong cách nay một tháng. Tuần cận Tết, nhà vườn sẽ đóng hàng đưa đến điểm tập kết. Từ bốn năm nay, làng hoa Vạn Thành đều tuân thủ quy trình này.
"Ban đầu làm ăn theo kiểu này, chúng tôi thấy không thích lắm, vì muốn trù trừ đến cận Tết để nghe ngóng tình hình rồi mới ra giá. Có năm được giá cao, có năm bị đè giá muốn ná thở, thậm chí phải ký gửi cho thương lái, bán được nhiêu hay bấy nhiêu. Do đó, từ bốn năm nay, chúng tôi và các đầu mối đều chốt sản lượng cũng như giá cả từ sớm để hai bên cùng an tâm", ông Nam nói.
Ông Nguyễn Văn An, một thương lái chuyên hoa cắt cành tại Đà Lạt, nhìn nhận liên kết giữa nhà nông - nhà cung ứng - phân phối được kết nối chặt chẽ thông qua việc thỏa thuận chính xác về giá sản phẩm và sản lượng. Khi hai việc này được ấn định, các khâu còn lại rất dễ xử lý.
"Khi ngành hoa Đà Lạt xác định sản xuất vụ hoa Tết phải chuyên nghiệp như các vụ hoa khác, chúng tôi và nông dân đã liên kết để thực hiện, xây dựng giá bán phù hợp theo mùa, theo vụ. Nông dân đảm bảo chất lượng, tiến độ, sản lượng. Chúng tôi phải tìm đầu ra. Sự phân công trong chuỗi sản xuất đã giúp vụ hoa Tết không lo về giá và hàng tồn", ông An khẳng định.
Nhiều năm liền tham gia thị trường hoa ở vai trò người sản xuất lẫn cung ứng, ông Trần Huy Đường, giám đốc Langbiang Farm - nguyên chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho rằng vẫn còn nhiều người trồng hoa, người kinh doanh hoa mượn cớ các chi phí nhân công, vận chuyển vào dịp lễ, Tết tăng cao để chậm đưa ra giá bán hoặc thổi giá cao, rất dễ gây nhiễu thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Đường, chi phí về nhân công, vận tải có thể tính toán được từ trước, ngay trước khi thu hoạch nên hoàn toàn có thể tính vào chi phí sản xuất, từ đó có thể cho giá hoa xuất vườn, xuất xưởng.
"Không có một lý do nào để bảo vệ cho việc cận Tết mới đưa ra được giá hoa. Chẳng qua nông dân lẫn người kinh doanh muốn có cơ hội thu thêm lợi nhuận. May mắn cũng có, nhưng rủi ro có thể lớn hơn vì dần dà hình thành một thói quen không mua hoa sớm nhằm ép giá người bán khi "ngày hết Tết đến". Cái hại cuối cùng cũng thuộc về nông dân", ông Đường khẳng định.
Công bố giá từ vườn đến chợ
Ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho hay Lâm Đồng luôn có giá hoa sớm theo hợp đồng thu mua.
Chậm nhất là 15 tháng chạp đã có giá bán buôn cho từng mã sản phẩm. Nếu các tỉnh thành như TP.HCM tăng cường quản lý việc niêm yết giá sẽ chấm dứt việc loạn giá, đè hoặc đẩy giá gây bất lợi cho người mua lẫn người bán.
"Khi công bố, niêm yết giá bán hoa từ cửa vườn cho đến chợ sẽ tránh được nạn "dội chợ". Các siêu thị công bố minh bạch giá từng chậu, từng cành hoa nên việc mua bán rất nhẹ nhàng, vui vẻ", ông Sơn nói.
Phải dẹp nạn loạn giá hoa Tết
Bà Thanh Thanh (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết cứ vào dịp Tết, gia đình chỉ chưng vài loài hoa quen thuộc như cúc mâm xôi, ly hay lay ơn. Trong khi cúc khá ổn định giá và dễ mua, giá hoa ly và lay ơn lại khá "loạn". Có thời điểm hoa ly còn tăng chóng mặt, chỉ trong vòng 3 - 4 ngày giá đã tăng gần 30% và cứ gần Tết lại tăng mạnh.
Khi nguồn cung hoa nhiều hơn, các cửa hàng hoa cũng mở ra, người tiêu dùng có thêm lựa chọn nên giá một số loại hoa đã bớt bị "thổi" nhưng giá hoa Tết vẫn biến động bất thường. "Vì thế theo tôi, nếu có thêm cửa hàng bán giá niêm yết, giá hoa sẽ không còn bị loạn nữa", bà Thanh nói.
Theo bà Thiên Trang - giám đốc kênh bán lẻ của Dalat Hasfarm, giá hoa Tết luôn là mối bận tâm không chỉ của người tiêu dùng mà còn cả doanh nghiệp. Khi thiết kế giá hoa bán ra thị trường, đặc biệt trong mùa Tết, nhà kinh doanh sẽ canh vào mức chấp nhận của người tiêu dùng.
"Với thị trường hoa, chúng tôi có chiến lược giá khá rõ ràng. Để ra một mức giá cụ thể, cả ban phụ trách sẽ họp và thiết kế giá cho các kênh, triển khai đồng loạt và yêu cầu niêm yết rõ ràng. Thường mức giá này ít khi bị điều chỉnh trong quá trình bán hàng Tết, chỉ một vài trường hợp hy hữu", bà Trang nói.
Theo đó, khoảng hai tuần trước Tết mỗi năm, Dalat Hasfarm sẽ có bảng giá mới dành cho thị trường hoa Tết, do đây là thời điểm các chi phí về logistics, nhân sự, vận hành... đều tăng đáng kể. Mức điều chỉnh giá này được công bố và niêm yết rõ ràng chứ không phải nhìn thấy loại hoa nào bán tốt, hút hàng thì đẩy giá lên cao.
"Nhưng thực tế những thời điểm cận Tết, vẫn luôn có người tiêu dùng sẵn sàng trả mức giá cao hơn nên xảy ra tình trạng loạn giá hoa. Thậm chí có trường hợp thương nhân bên ngoài thấy thị trường đang hút loài hoa nào đó thì gom hoa của hãng để bán ra ngoài giá cao hơn", bà Trang cho biết thêm.
"Bình ổn" thị trường hoa Tết vẫn luôn là mong mỏi của nhiều người tiêu dùng, khi việc loạn giá hoa những thời điểm cận Tết không chỉ thiệt hại cho người mua mà còn đem lại rủi ro cho người bán.
Giải thích về hiện tượng giá "loạn xì ngầu" vào dịp Tết, ông Hoàng, một tiểu thương bán hoa ở miền Tây, cho biết có những mùa Tết phải đập bỏ mấy chục chậu hoa cúc vì công cán, chi phí vận chuyển nên không nỡ bán giá rẻ. "Cũng có năm do ảnh hưởng của thời tiết, hoa đẹp ít mà còn nở sớm nên những hoa hút hàng buộc phải tăng giá để bù", ông Hoàng chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận