25/11/2018 13:43 GMT+7

Niềm vui mỗi ngày: Người lập các bếp ăn từ thiện

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Tờ mờ sáng, sau bài tập thiền giữ sức khỏe, thầy Nguyễn Văn Mốt (80 tuổi, ngụ TP Sa Đéc, Đồng Tháp) leo lên chiếc Cub 50 cà tàng rồi hướng về phía Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, nơi ông mở một bếp ăn từ thiện ở đó.

Niềm vui mỗi ngày: Người lập các bếp ăn từ thiện - Ảnh 1.

Thầy Mốt (đứng) tại bếp ăn miễn phí cho những người bán vé số - Ảnh: THÀNH NHƠN

Không ngoa khi cho rằng bếp ăn từ thiện trở thành thương hiệu gắn liền với tên tuổi của thầy Mốt tại mảnh đất xứ bưng biền Đồng Tháp. Đó là bếp ăn tình thương dành cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, là bếp ăn khuyến học dành cho nhiều thế hệ học trò nghèo. Còn mới đây lại là bếp ăn dành cho người bán vé số dạo sau những giờ lao động cực nhọc. Tất cả đều được khởi xướng từ cái tâm vì người nghèo của người cựu giáo chức già về hưu này.

"Có thực mới vực được đạo, làm gì cũng phải no cái bụng trước đã. Suy nghĩ vậy nên những năm qua tui luôn cố gắng duy trì các mô hình bếp ăn từ thiện để người nghèo có điểm tựa lúc khốn khó. Thấy người ta no bụng, mình cũng ấm lòng" - thầy Mốt chia sẻ.

Hiện bếp ăn tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc hằng ngày phục vụ hàng ngàn suất ăn, nước nóng, nước tinh khiết cho người nghèo. Hơn 600 thành viên từ các nhóm từ thiện trong và ngoài tỉnh đảm nhận việc nấu nướng. 

Tính đến nay, bếp ăn đã duy trì được 26 năm và không tắt lửa ngày nào, kể cả lễ, tết. Lật mở cuốn sổ đóng góp của các nhà hảo tâm dịp rằm tháng 10 với gần 13 tấn gạo dành cho bếp từ thiện tại bệnh viện, thầy Mốt hào hứng cho biết: "Họ ủng hộ gạo ba ngày rằm thôi là mình đủ nấu ăn trong một năm".

Trong khi đó, bếp ăn dành cho học sinh nghèo, người bán vé số thành lập từ ý tưởng và kêu gọi tài trợ của thầy Mốt đã giúp hàng ngàn cô cậu học trò, người bán vé số dạo tại Sa Đéc. Thống kê, hằng ngày hai bếp ăn từ thiện này cung ứng khoảng 150 suất ăn cho học sinh và 200 suất ăn cho người bán vé số. Đảm nhận nấu nướng là các giáo viên về hưu muốn cống hiến sức mình sau khi hoàn tất hành trình "đưa đò".

"Thầy Mốt là người đề xuất ý tưởng mở bếp ăn cho học sinh nghèo rồi vận động anh chị em cựu giáo chức đứng ra đảm nhận nấu nướng. Thầy dù đã lớn tuổi nhưng ngày nào cũng đảo xe mấy vòng đến các địa điểm từ thiện tại thành phố. Anh em ai cũng cảm phục trước những việc thiện nguyện mà thầy làm vì người nghèo" - cô Đặng Thị Bé, trưởng ban điều hành bếp ăn khuyến học, cho biết.

Với thầy Mốt, muốn làm việc thiện bền vững thì phải minh bạch, bởi vậy khi nào có nhà hảo tâm tài trợ, đóng góp gì thầy đều bắt phải ký vào biên nhận cùng số tiền đã hỗ trợ. Cô Trần Thị Lan Phương, chủ tịch Hội Khuyến học TP Sa Đéc, nhận xét: "Dù đã cao tuổi nhưng thầy vẫn rất tâm huyết với công việc thiện nguyện giúp người nghèo.

Từ cái ăn, cái mặc cho người nghèo đến học bổng cho mấy đứa nhỏ thầy đều cố gắng vận động nhà hảo tâm hỗ trợ. Thầy chính là tấm gương mẫu mực của người giáo viên về hưu với những việc làm thiện nghĩa".

Trong giỏ xách mà thầy Mốt luôn mang theo bên mình có hồ sơ của nhiều em học sinh nghèo khó bởi theo thầy, "khi gặp nhà hảo tâm thì mình giới thiệu ngay các em này để họ giúp đỡ". Gặp chúng tôi, thầy khoe vừa vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ em Nguyễn Yến Khoa (sinh viên khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) số tiền 10 triệu đồng. Khoa mồ côi cha, mẹ làm thuê đủ thứ nghề để kiếm sống. Trước Khoa, nhiều em học sinh nghèo cũng được thầy giúp đỡ tương tự.
THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp