Một buổi học đá bóng của học sinh Trường tiểu học An Phong (Q.8, TP.HCM) - Ảnh: N.K. |
Những hình ảnh dễ thương này diễn ra trong giờ thể dục ở cơ sở 4 Trường tiểu học Nhị Tân (huyện Hóc Môn, TP.HCM).
Niềm vui với quả bóng
Ở Trường Nhị Tân, thầy trò đã quen với những buổi tập luyện bóng đá, nhất là khi bước vào hội khỏe Phù Đổng toàn huyện. Những buổi tập luyện nằm trong dự án bóng đá học đường do Liên đoàn Bóng đá TP.HCM triển khai (bắt đầu từ năm học 2013-2014) giờ đã thu hút nhiều em tham gia.
Trên nền ximăng nóng nhỏ hẹp, các em thay nhau quần thảo với quả bóng, với những trò chơi mới lạ mà có lẽ với nhiều em đây là lần đầu tiên trong đời được tham gia, chẳng hạn như trò chơi chia phe cướp cờ, tập tăng tốc trong phạm vi ngắn hay lật - úp các marker bằng nhựa (cọc tiêu để tập các bài chiến thuật), tập quan sát và di chuyển...
Thầy Nguyễn Tấn Tới cho biết bóng đá học đường chỉ mới được triển khai bài bản từ hôm 15-8 ở trường, dạy vào chiều thứ năm và sáu hằng tuần như là môn tự chọn sau tiếng Anh và tin học. “Với giáo án tập luyện được xây dựng biến thành trò chơi hết, kỹ thuật bóng đá cứ dần dần đi vào các em lúc nào không biết” - thầy Nguyễn Tấn Tới hào hứng nói.
Thầy Tới chia sẻ thêm: “Ngày trước, chúng tôi tự kiếm lon sữa bò hoặc sữa bột lớn về bỏ cây sắt vô đúc thành các trụ bêtông cho các em tập dẫn bóng khá nguy hiểm mỗi khi té ngã. Còn giờ thì đỡ rồi. Trung tâm TDTT huyện Hóc Môn thấy trường không có tiền trang bị dụng cụ tập luyện đã hỗ trợ một số trang thiết bị. Nhưng nói đủ thì vẫn chưa đủ khi chúng tôi còn thiếu thốn nhiều thứ. Bóng đá học đường triển khai tại trường hơn một tháng rồi mà các em còn chưa có đủ giày để tập vì không phải phụ huynh nào cũng có khả năng đóng góp”.
Các em học sinh lớp 4 Trường tiểu học Nhị Tân (Hóc Môn) cơ sở 4 với bài tập trong chương trình bóng đá học đường - Ảnh: N.K. |
Giờ thể dục “xôm tụ” hơn nhờ quả bóng
Nhưng không phải trường nào cũng khó khăn khi triển khai dự án bóng đá học đường. Chẳng hạn như ở Trường tiểu học Lương Thế Vinh (quận 7), bóng đá được đưa vào chương trình chính khóa (3 tiết) dạy vào mỗi sáng thứ ba đến thứ sáu. Không chỉ tập chính khóa, các em còn đăng ký tham gia luôn cả lớp ngoại khóa vào buổi chiều sau giờ học.
Tại Trường Lương Thế Vinh, nhà trường và phụ huynh cùng chung tay xây dựng sân cỏ nhân tạo (ở phía sau trường, vốn từng là vườn hoa), mua áo bib trang bị cho tập luyện. Còn trang phục tập luyện thì phụ huynh tự trang bị rất đầy đủ với quần áo, giày, vớ chất lượng. Quan trọng hơn, các em đều rất mê bóng đá.
Ngồi trò chuyện khi chờ dạy tiết tiếp theo, thầy Nguyễn Trí Sang lập tức chứng minh ngay cho chúng tôi thấy khi các em lớp tiếp theo dù còn 30 phút nữa mới vào tiết đã lục tục xuống sân chờ vào học. Anh nói: “Ngày trước, khi bắt đầu dạy bóng đá, các em lớp 1 xuống sân thường ra ngoài sát hàng rào sân bóng nhìn xuống kênh để xem cá chứ ít chú tâm tập luyện. Giờ thì các em rất mê và không bỏ buổi nào”.
Nói đến trường gặt hái nhiều thành công ở phong trào bóng đá học đường không thể không nói đến Trường tiểu học An Phong (quận 8). Bởi đây là ngôi trường hai năm liền vô địch vòng chung kết Festival bóng đá học đường và mới nhất lại vừa giành ngôi vô địch hội khỏe Phù Đổng toàn quận hôm 2-10 vừa qua. Phong trào phát triển mạnh trong hai năm học qua nên trường đã góp đến tám cầu thủ cho tuyến năng khiếu của CLB futsal chuyên nghiệp Thái Sơn Nam.
Ở đây, bóng đá chỉ được dạy tích hợp chung với chương trình thể dục chính khóa, mà cụ thể là tranh thủ dạy kỹ thuật bóng đá cho các em trong 10 phút cuối của tiết học. Nhưng cũng từ đó, nhiều em mê bóng đá đã đăng ký theo học chương trình ngoại khóa các ngày thứ hai, tư, sáu (16g - 17g30). Và cứ thế, các em được thầy thể dục xin cô chủ nhiệm cho về sớm 15 phút để thay quần áo và đem đồ tập xuống sân để bắt đầu buổi tập. Đi đầu trong phong trào bóng đá học đường nên buổi tập của các em cũng chất lượng và chuyên nghiệp hơn hẳn với những pha phối hợp đẹp mắt rồi ghi bàn.
Nói về phong trào bóng đá của trường, thầy hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Phong không giấu được niềm tự hào. Ông kể hầu như chiều nào cũng nán lại xem các em học sinh tập và chơi bóng đá, và rất mừng khi chứng kiến các em gặt hái được nhiều thành công. Ông nói: “Khi nghe Liên đoàn Bóng đá TP.HCM đề nghị tham gia chương trình bóng đá học đường, tôi đã nhận lời ngay. Vì có phong trào thì mấy em mới chịu học. Trường chúng tôi có 50% học sinh là con em người nhập cư, nên các em tham gia lớp bóng đá đều thuộc gia đình nghèo và các em đều rất nỗ lực tập luyện”.
Dự án phát triển nhiều cầu thủ giỏi Nói về dự án bóng đá học đường dành cho học sinh tiểu học TP.HCM, chuyên gia Đoàn Minh Xương - người phụ trách chính của dự án - hào hứng cho biết từ phong trào bóng đá học đường, một số trường đã cung cấp nhiều cầu thủ chất lượng cho tuyến năng khiếu của quận hay CLB futsal chuyên nghiệp. Ông nói: “Qua hai năm học triển khai, dự án ngoài việc giúp các em vui chơi để phát triển thể chất còn phát hiện một số em có năng khiếu bóng đá để bồi dưỡng thành cầu thủ giỏi trong tương lai. Nhiều đội vô địch năng khiếu quận có nòng cốt là cầu thủ từ các trường”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận