Nhưng dù cả nước rớt hạng về điểm cao thì Hà Giang vẫn sừng sững đột biến những điểm 9-10, ngập tràn thí sinh đạt 27-28 điểm, sẵn sàng giữ ngôi thủ khoa, á khoa các trường ĐH trong kỳ xét tuyển sắp tới.
Một tỉnh miền núi, chưa từng là "điểm sáng về giáo dục", tỉ lệ tốt nghiệp THPT nhiều năm trong nhóm "đội sổ" lại bất ngờ "cá chép hóa rồng" (!).
Nhìn vào kết quả ấy, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định: Nếu mọi khâu của công tác tổ chức thi đều nghiêm túc, Hà Giang không thể có nhiều điểm cao so với các thành phố lớn, chứ đừng mơ vượt trội.
Đằng này, trong 11 thí sinh đạt điểm cao nhất nước, Hà Giang chiếm 3; thống kê số điểm giỏi các môn tự nhiên, Hà Giang cũng đứng trên cả ba địa phương vốn có truyền thống và thành tích học tập "đầu bảng" là Hà Nội, TP.HCM, Nam Định.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD-ĐT đưa ra quy trình chặt chẽ, bổ sung đủ thứ phòng ngừa gian lận nhưng không thoát được "cái gốc con người".
Sự gian lận - nếu được tường minh - là rất nghiêm trọng. Bởi lẽ nó phát lộ trong chính một kỳ thi quốc gia hoành tráng, bài bản và tốn kém.
Theo kế hoạch, ngày 16-7 là hạn báo cáo cuối cùng của Hà Giang. Kết luận cuối cùng dù thế nào cũng sẽ phản ánh đầy đủ cái tâm của ngành giáo dục, của tỉnh Hà Giang, cũng như sự nghiêm minh của các cơ quan có trách nhiệm.
Không chỉ Hà Giang, có lẽ từ lỗ hổng của một kỳ thi quốc gia, ngành giáo dục cần chủ động rà soát lại cả các địa phương khác, không để bất kỳ một dấu hiệu bất thường nào "lọt lưới".
Với tiền lệ xử lý còn nhiều nương tay trong gian lận thi cử ở địa phương, nhiều người vẫn hoài nghi: Các cơ quan có trách nhiệm liệu có quyết tìm ra sự thật? Tìm ra rồi, liệu có xử lý đến cùng?
Rõ ràng trừ phi muốn "làm ngơ", còn ai cũng hiểu giải pháp tốt nhất lúc này chính là nhìn thẳng vào sự thật, không bao che.
Xử nghiêm vụ này thì vụ khác mới không xảy ra, ngành giáo dục mới có cơ hội thanh sạch mình, không còn lẫn lộn vàng thau.
Đành rằng tổ chức kỳ thi như vừa qua rất tốn kém, đành rằng có rất nhiều lực lượng tham gia vào kỳ thi chứ không riêng ngành giáo dục, đành rằng địa phương nào cũng có sự vào cuộc sát sao của cấp ủy, chính quyền...
Nhưng lỗi ở khâu nào, phải mạnh dạn bóc tách. Không thể chỉ vì sự liên đới ràng rịt mà dừng lại, xuê xoa.
Gian lận xảy ra ở một kỳ thi lớn là điều không ai muốn, nhưng nếu dám nhìn thẳng vào sự thật, đó là cơ hội để ngành giáo dục củng cố và lấy lại niềm tin...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận