Tác phẩm Room lấy nhiều nước mắt từ khán giả tại LHP Toronto - Ảnh: IMDB |
Chuyện phim kể về một người phụ nữ bị bắt cóc, bị cưỡng hiếp và bị giam cầm trong một căn phòng nhỏ cùng cậu con trai trong nhiều năm.
Tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Emma Donoghue - từng được đề cử giải Man Booker - được giới phê bình ca ngợi bằng những ngôn từ đẹp đẽ nhất, khiến không ít người rơi lệ khi xem và hoàn toàn xứng đáng với Giải thưởng của khán giả LHP Toronto.
Không chỉ mô tả lại nỗi đau tột cùng của hai mẹ con trong cảnh bị giam cầm, bộ phim còn thể hiện đầy sinh động và cảm xúc những khó khăn họ phải trải qua khi đối mặt với thách thức lớn nhất là thế giới bên ngoài.
Sau khi được tôn vinh tại LHP Toronto, Room được giới chuyên môn dự đoán sẽ trở thành ứng viên hàng đầu của giải Oscar năm 2016 tới.
Trước đây, hàng loạt tác phẩm giành chiến thắng ở LHP Toronto đã chói sáng tại lễ trao giải Oscar, điển hình là Slumdog millionaire (Triệu phú khu ổ chuột), The king’s speech (Bài diễn văn của nhà vua) và 12 years a slave (12 năm nô lệ).
Năm ngoái, The imitation game sau khi đoạt giải tại LHP Toronto cũng được đề cử Oscar phim hay nhất.
Một tác phẩm rất “thời sự” và gây tiếng vang tại LHP Toronto là Desierto (Sa mạc) kể về một nhóm người nhập cư bất hợp pháp Mexico vượt biên vào Mỹ, bị một kẻ điên cuồng truy sát. Desierto giành giải thưởng của Liên đoàn phê bình điện ảnh quốc tế.
Khi lên nhận giải, diễn viên Gael Garcia Bernal khẳng định bộ phim phản ánh một phương diện của cuộc khủng hoảng di cư trên thế giới và tác phẩm này được dành tặng cho những người “di cư không phải vì muốn mà vì buộc phải ra đi”.
Giải thưởng của khán giả dành cho phim tài liệu xuất sắc nhất thuộc về Winter on fire: Ukraine’s fight for freedom (Mùa đông lửa đạn: Cuộc chiến vì tự do của Ukraine). Nhà làm phim Evgeny Afineevsky đưa khán giả trở lại với các cuộc biểu tình đẫm máu tại Kiev mùa đông 2013-2014, tiền đề của cuộc xung đột hiện nay tại miền đông Ukraine.
Giới phê bình quốc tế đánh giá tinh thần chung của nhiều bộ phim tại LHP Toronto lần thứ 40 là chủ nghĩa nhân đạo và hi vọng. Trong Room, hai nhân vật chính phải trải qua nhiều đau khổ trong cuộc sống địa ngục. Nhưng khán giả vẫn tìm thấy ở đó ánh sáng của hi vọng và tình yêu thương.
Tương tự, tác phẩm hoạt hình tĩnh vật Anomalisa của đạo diễn Charlie Kaufman là câu chuyện về thân phận, sự cô đơn nhưng cuối cùng tình yêu và hi vọng lên ngôi.
The Martian (Người Hỏa tinh) của đạo diễn Ridley Scott kể về một phi hành gia bị mắc kẹt trên Hỏa tinh, cuộc sống mong manh nhưng đầy hài hước. Demolition (Phá hủy) kể về một người đàn ông mất vợ là câu chuyện về nỗi đau và sự mất mát, nhưng kết thúc một cách ấm áp.
Các tác phẩm nổi bật khác, dù là hài hước như Maggie’s room (Căn phòng của Maggie) hay sử thi - chiến tranh như Land of mine (Vùng đất bom mìn) cũng đều thấm đẫm chủ nghĩa nhân đạo và sức mạnh của hi vọng.
Nhiều nhà phê bình nhận định dù đã bước sang tuổi 40, LHP Toronto vẫn đầy trẻ trung và vẫn là “thánh đường” để các bộ phim nghệ thuật khẳng định giá trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận