26/05/2013 07:51 GMT+7

Nick đến, Nick đi, và những điều đọng lại...

NGUYỄN BÍCH LAN
NGUYỄN BÍCH LAN

TT - Những ngày Nick Vujicic ở VN với các buổi diễn thuyết, các cuộc tiếp xúc của anh đã để lại nhiều cảm xúc và cả những lời khen, tiếng chê.

Những ngày qua, sự kiện Nick Vujicic đã gây xôn xao dư luận. Không ai không nghiêng mình kính phục nghị lực của chàng trai không tay, không chân này, nhưng đã có nhiều cuộc tranh luận nổ ra, đặc biệt trên cộng đồng mạng. Có người bảo bỏ ra 36 tỉ đồng cho sự kiện này là phí. Có người thì nói không phí. Có người bảo người Việt sính ngoại...Diễn đàn chủ nhật tuần này là những góc nhìn về sự kiện Nick Vujicic.

Nick Vujicic và chuyện của chúng ta

Nhìn theo hướng tích cực, chuyến diễn thuyết của Nick mang lại cho chúng ta những ích lợi nhất định. Thậm chí ngay cả những ý kiến không hài lòng về cách tổ chức, về kinh phí... liên quan đến chuyến diễn thuyết của Nick cũng đóng góp cho xã hội chúng ta những lợi ích nhất định.

ouemk5rj.jpgPhóng to
Phút gặp gỡ cảm động và bất ngờ giữa Nick Vujicic và cô bé cùng cảnh ngộ Nguyễn Linh Chi (8 tuổi) tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình - Ảnh: Nguyễn Khánh
31s04qID.jpgPhóng to
Tác giả bài viết - dịch giả Nguyễn Bích Lan là một nhân vật nổi tiếng vượt lên nghịch cảnh, cùng Nick Vujicic - Ảnh: T.T.D.
zWX3HU7a.jpgPhóng to
Thảo Vân - em gái hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng - theo dõi buổi diễn thuyết của Nick - Ảnh: T.Thắng

Sự hiện diện của Nick ở VN đã cho chúng ta có cơ hội để trả lời câu hỏi vì sao Nick lại có thể trở thành một diễn giả nổi tiếng thế giới. Tất nhiên không thể phủ nhận tài năng diễn thuyết của anh. Nhiều người khuyết tật ở nước ta có ý chí, nghị lực không thua kém gì Nick nhưng không có khả năng diễn thuyết như anh, thậm chí không sẵn sàng xuất hiện trước đám đông.

Để có một người khuyết tật là diễn giả giỏi như Nick Vujicic, chúng ta cần có một môi trường thuận lợi, một xã hội có thể bao gồm người khuyết tật trong các cơ hội của nó. Trong các cuốn sách của mình, Nick đã kể rằng anh được hưởng sự chăm sóc y tế của nhiều bệnh viện ở Úc (nơi anh sinh ra) và ở Mỹ (nơi anh đến lập nghiệp).

Mặc dù bị khuyết tật nặng, anh vẫn được đến trường đầy đủ, được học ở hệ thống trường học dành cho trẻ em bình thường. Anh cũng viết rằng nếu như sự nghiệp diễn thuyết của anh không thành công, bất cứ lúc nào anh cũng có thể kiếm việc làm với tấm bằng kế toán và hoạch định tài chính mà anh có.

Còn ở nước ta thì sao? Nhiều người khuyết tật không được tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế và nhiều người khuyết tật bị cắt đứt con đường đến trường vì nghèo, vì thiếu phương tiện đi lại. Thử hỏi có mấy trường học có lối đi dành cho xe lăn, cả nước có bao nhiêu học sinh bại liệt phải đến trường trên lưng bố, trên lưng mẹ, trên lưng bạn bè?

Tại sự kiện đầu tiên của Nick ở VN, nhiều người trầm trồ vì Nick không chân, không tay vẫn di chuyển khá dễ dàng và nhanh chóng từ cuối khán phòng lên sân khấu của hội trường White Palace nhờ chiếc xe lăn hiện đại. Nhưng ít phút trước khi anh xuất hiện, không ít người đã thấy cảnh một phụ nữ khuyết tật di chuyển bằng hai chiếc ghế gỗ nhỏ xíu, lê từng bước vất vả để tìm chỗ ngồi của mình trong khán phòng. Với phương tiện thô sơ ấy, chị đã phải mất bao nhiêu sức lực và thời gian mới tới được White Palace?

Dù trong chuyến diễn thuyết ở VN Nick có truyền được nhiều cảm hứng cho chúng ta đến mức nào, chúng ta cũng phải thừa nhận Nick là khách và anh chỉ đến vài ngày rồi đi. Chúng ta vẫn phải sống cuộc sống của chúng ta, vẫn phải tự lực vượt qua những thách thức của mình mỗi ngày. Có điều sau chuyến thăm của Nick, người VN có thể nhìn thấy gì, rút ra những bài học gì, có những hành động thiết thực gì để cải thiện cuộc sống của người khuyết tật?

Bản thân mỗi người khuyết tật đều phải tự cố gắng cứu mình chứ không thể trông chờ vào những phép mầu tự nhiên sẽ đến. Nhưng nếu điều kiện sống của chúng ta, môi trường xã hội của chúng ta vẫn chưa hỗ trợ người khuyết tật từ nhiều phía thì thật khó khẳng định những bài diễn thuyết của Nick có thể khích lệ những người khuyết tật ở VN vươn tới thành công.

Nick rời VN rồi, chúng ta sẽ làm gì? Chờ đợi chuyến diễn thuyết tiếp theo của anh để lại được truyền cảm hứng, hay bắt tay vào làm những việc thiết thực nhất để góp phần tạo ra những Nick Vujicic của đất nước mình?

Dư luận trái chiều

Xung quanh sự kiện Nick Vujicic đến VN, bạn đọc Tuổi Trẻ đã có nhiều ý kiến khác nhau, chúng tôi giới thiệu những suy nghĩ trái chiều...

* Tại sao phải chỉ trích một việc có ý nghĩa như thế? Đúng là ở đâu cũng có người khuyết tật, nhưng khuyết tật đến độ như Nick thì không phải nhiều mà anh ấy vẫn đầy nghị lực phấn đấu để sống có ý nghĩa và truyền bá nghị lực sống ấy đến mọi người, điều này không phải người khuyết tật nào cũng làm được!

Chi vài chục tỉ đồng để có được một bài học, động viên nhiều người bị khiếm khuyết và thậm chí là không khiếm khuyết nhưng “sống mòn” là điều rất đáng trân trọng. Bao nhiêu người khuyết tật ùn ùn kéo đến để được tận mắt thấy tấm gương nghị lực, giúp họ vươn lên, họ không ganh tị: “Sao không dùng tiền đó chi cho chúng tôi?” thì tại sao các bạn lại ồn ào phản đối?

anhhoa@...

* Nếu đây là chương trình do Chính phủ tổ chức trích từ ngân sách nhà nước thì mới lên án là lãng phí. Đằng này là tiền của một cá nhân mà. Tôi chỉ phản cảm về việc nghênh đón một diễn giả giống như một chính khách làm hơi quá lố thôi.

pingumap@...

* Tôi ngả mũ chào trước anh ta,nhưng quanh mình còn nhiều lắm tấm gương. Thú thật đây là bệnh sính ngoại thôi, giống cà phê Starbucks gì đấy.

ĐINH NGỌC TUY

* Nick đáng khâm phục, ngưỡng mộ. Chi ra một số tiền như vậy để Nick tới trò chuyện truyền cảm hứng cũng tốt vì Nick đã là một thương hiệu quốc tế, việc truyền cảm hứng sẽ có sức thuyết phục hơn. Nhưng cách đón tiếp, bảo vệ rùm beng quá, làm mất đi giá trị người Việt mình.

china3pleiku@...

* Tôi đã biết Nick từ lâu trên mạng và có thể nói Nick đã truyền cho tôi cảm hứng rất lớn trong cuộc sống, nhưng hãy nhìn xem ở các nước khác người ta tổ chức cho Nick đến nói chuyện ở đâu và như thế nào? Phần lớn Nick chỉ đến nói chuyện với học sinh ở những trường trung học hay ở những địa điểm sinh hoạt cộng đồng... Chính những nơi đó tấm gương và sự diễn giải của Nick mới có sức lan tỏa mạnh mẽ, chứ không có ai tổ chức đình đám và rình rang như ở VN chúng ta. Tôi xem xong chương trình của Nick trên VTV và tôi thật sự thất vọng. Tôi nghĩ một chương trình như thế này thà tôi mở YouTube xem Nick nói chuyện với trẻ con ở Mỹ hay Malaysia còn hay hơn. Tôi thấy thương cho Nick và thất vọng với cách chúng ta ứng xử với Nick, dù nó hết sức hoành tráng và tốn kém.

VÕ VĂN XUÂN

Cám cảnh...

“Nick thật tuyệt vời” - nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã nói như thế khi đề nghị anh - với tư cách người đã sát cánh cùng Nick Vujicic từ khi đặt chân đến VN đến lúc rời khỏi đây - nhận xét về con người nổi tiếng này. Á kể: ”Nick rất khiêm tốn, vui nhộn, sâu sắc... và tôi không hình dung được có một người khuyết tật trình độ như thế”.

Nguyễn Á là người đã có mấy năm ròng rã sống, lăn lộn với những người khuyết tật đặc biệt (nói đặc biệt bởi đó là những tấm gương sáng ngời vượt qua nghịch cảnh như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, nhạc sĩ Hà Chương, chàng trai đa tài Nguyễn Thế Vinh, dịch giả Nguyễn Bích Lan, ca sĩ Thủy Tiên... ở VN để thực hiện bộ ảnh nổi tiếng Họ đã sống như thế.

Thật khó quên cái hôm Á mời mấy chục con người đặc biệt ấy về TP.HCM để dự buổi ra mắt cuốn sách ảnh Họ đã sống như thế. Mấy chục con người đặc biệt ấy sống chen chúc trong nhà Nguyễn Á, cùng nhau chia sẻ những bữa cơm đạm bạc nhưng đầy ắp tiếng cười. Trong mấy chục con người đặc biệt ấy, nhiều người lần đầu tiên được có mặt ở TP.HCM, có người lần đầu được ngồi taxi... Và tôi hỏi Á: nhớ lại những ngày ấy và hôm nay sát cánh cùng Nick trong một sự kiện rình rang thì anh nghĩ gì? Á trầm ngâm một thoáng rồi buông một tiếng gọn lỏn: ”Buồn”. Anh giải thích thêm: ”Nhìn chiếc xe hiện đại của Nick dùng để di chuyển, nghe Nick nói chuyện hùng hồn, xem Nick với phong thái tự tin rồi nhớ lại những người khuyết tật ở VN nghèo khổ, rụt rè, vất vả... tôi không khỏi cám cảnh”.

Cảm giác của Nguyễn Á cũng là cảm giác của tôi khi nhớ lại trong một lần đến Úc - quê hương của Nick, ấn tượng lớn nhất với tôi là những chiếc xe buýt mà khi nó dừng lại thì nghiêng hẳn một bên để lề đường và sàn xe ngang nhau cho người khuyết tật lên xuống thuận tiện. Ở đó, những người kém may mắn như Nick khi chào đời nhận được sự hỗ trợ hết mực từ nhà nước, thậm chí cử cả một hộ lý đến nhà để giúp đỡ (xem trang web chamevoiconkhuyettat.org.au). Ở đó, những người như Nick được hưởng những phương tiện giáo dục như mọi người bình thường nên Nick mới hoạt bát, tự tin như thế. Ở đó, người ta từng có một ông bộ trưởng thể thao đi xe lăn, làm việc ra trò... Rồi từ “ở đó” - nước Úc, nhìn lại người khuyết tật của mình... Thôi, cám cảnh lắm!

Tuy nhiên, tôi cũng đồng tình với Á rằng khó thể so sánh khi hoàn cảnh mỗi nơi một khác. Chỉ mong rằng sự kiện Nick đến VN trong những ngày qua là một hòn đá tảng ném xuống hồ làm lay động nhân tâm, nhằm có những bước chuyển tích cực hơn nữa - từ chính sách đến xã hội - dành cho người khuyết tật VN.

Chỉ tiếc rằng hòn đá tảng - sự kiện Nick - đã có những khiếm khuyết trong khâu tổ chức, gây dị ứng cho nhiều người VN vốn không thích sự khoa trương, ầm ĩ, ví dụ như chuyện môtô hụ còi, lạng lách làm náo loạn đường phố khi đưa đón Nick. Hay một vài người khuyết tật có tên trong danh sách 24 người được mời lên sân khấu White Palace để nhận quà của ban tổ chức hôm giao lưu với Nick đã than phiền rằng: ”Điều chúng tôi mong mỏi là được gặp Nick. Vậy mà chúng tôi chỉ thấy Nick xa xa, qua khe hở của hàng rào vệ sĩ dày đặc. Người ta biến Nick thành VIP dù Nick không muốn làm VIP, bằng chứng là trước khi đến anh đã nhắn nhủ đừng đón tiếp long trọng”.

HUY THỌ

___________

Tin bài liên quan:

NGUYỄN BÍCH LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp