Phóng to |
Huỳnh Thị Phượng (bìa trái) và Huỳnh Thị Mỹ Quyên (bìa phải) cùng mẹ đan len - Ảnh: Mai Vinh |
Đó là câu chuyện cách nay chưa đầy hai tuần lễ của hai chị em Huỳnh Thị Phượng và Huỳnh Thị Mỹ Quyên (trọ ở hẻm 23, đường Ma Trang Sơn, P.5, TP Đà Lạt). Niềm vui đậu đại học chưa kịp lắng thì hai cô gái phải ngồi tính toán chuyện học phí.
Bán nhà cho con đi học
Cách đây gần 10 năm, cha hai cô gái qua đời vì bạo bệnh. Bao nhọc nhằn đều đổ lên vai người mẹ, bà Phạm Thị Thông (54 tuổi). Năm 2006, tai họa lại ập xuống, đôi mắt bà Thông mờ dần. Ngày đó, dù bệnh tật nhưng hằng ngày bà vẫn ra chợ Mỹ Thành (P.6, Đà Lạt) bán rau. Phượng, Quyên tùy giờ học mà nắm tay dẫn mẹ đi rồi đưa mẹ về. Bà quyết liệt nuôi con ăn học nhưng tiền bán rau không đủ để trang trải. Năm 2006 bà Thông bán nhà dắt con đi ở trọ.
Trong căn nhà trọ không quá 15m2 bà dặn con rằng: “Nhà mình trắng tay rồi đó, tụi con không chí thú học thì mẹ trắng tay thêm lần nữa”. Hai cô con gái vừa qua 10 tuổi hiểu được điều mẹ nhắn nhủ. Bà làm đủ việc để miễn sao kiếm được 700.000 đồng/tháng trả tiền ăn ở.
Phượng kể mẹ hay dặn các con phải bình thản trước nghèo đói. Mỗi tối ba mẹ con ngồi bên nhau, con học, mẹ đan len. Các con học khuya tới đâu bà thức tới đó, chừng nào con học xong bà mới chịu đi ngủ. Bà cười: “Mệt lắm nhưng làm vậy cho tụi nó thấy xót mà ráng học. May mà đứa nào cũng thương mẹ”. Số tiền bán nhà ít ỏi bà Thông chỉ dùng vào mỗi việc trang trải chuyện học của con.
Tranh nhau nghỉ học
Ngày Phượng và Quyên đi TP.HCM thi đại học, bà lấy ra 2 triệu đồng cho con làm lộ phí. Đó là những đồng tiền dành dụm cuối cùng, tiền bán nhà chỉ đủ nuôi hai con đi học trong bảy năm. Quyên bảo: “Vừa thi đại học về tụi em hoang mang thật sự, không biết nếu cả hai chị em đỗ đại học thì phải xoay xở thế nào”. Thi đại học xong, hai chị em kiếm việc làm để có một khoản tiền chuẩn bị đi học. Tin đậu đại học đến lúc hai chị em vẫn đang hì hụi rửa đống ly tách cao ngất tại một quán cà phê gần Trường đại học Đà Lạt. 10 triệu đồng là chi phí nhập học cho cả hai chị em. Đây là khoản tiền lớn quá mức lo toan của cả gia đình.
Hai chị em bàn nhiều lần với mẹ vẫn không tìm ra cách nào để cả hai đều được nhập học, Quyên quyết định nghỉ học. Quyên bảo: “Học TP.HCM chắc tốn kém hơn học ở Đà Lạt, chị Phượng đậu ĐH Đà Lạt để chị đi học, em làm kiếm tiền rồi học sau”. Phượng khăng khăng không cho: “Em Quyên phải đi học, chị phải nhường em chứ sao em lại nhường chị”. Hai chị em dùng lá thăm để mau chóng chấm dứt cuộc tranh giành suất nghỉ học.
Câu chuyện đắng lòng về hai chị em tranh nhau nghỉ học đã đến tai các ni sư chùa Vương Xá (P.5, Đà Lạt) và từ đó truyền đến tai ông Lê Phỉ, một nhà nghiên cứu về Đà Lạt. Ông kể: “Nghe xong câu chuyện tôi ray rứt quá mà không biết làm sao, tôi cũng chẳng khá giả gì. Bất ngờ, tôi nhớ đến tờ báo Tuổi Trẻ với lời nhắn: “Tân sinh viên gặp khó khăn hãy gọi cho Tuổi Trẻ”. Ngay sau đó, ông đã chỉ dẫn hai em làm hồ sơ và mang đến văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Đà Lạt. Khi được tin cả hai chị em đều được học bổng của Tuổi Trẻ, ông thở phào: “Vậy là không ai phải nghỉ học cả, thật may mắn, câu chuyện đau xót đã không xảy ra”.
50.000 đồng và 20 điểm! Ngày đi thi hành trang chỉ có chiếc balô đựng sách vở, mấy bộ quần áo đã cũ và 50.000 đồng, thế nhưng Nông Thị Sợi (dân tộc Nùng, Lâm Hà, Lâm Đồng) dự thi khối C Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đã đạt được số điểm 20,25.
Vừa thi tốt nghiệp xong, Sợi đón xe buýt lên Đà Lạt, may mắn được những người bạn mới quen giúp đỡ, em tìm được chỗ tá túc chờ ngày thi. Từ đó cô bé bắt đầu tìm việc, nơi nào Sợi cũng gõ cửa để hỏi. Hai ngày sau, Sợi được nhận vào làm tại quán cơm Thanh Sơn (Trần Khánh Dư, Đà Lạt) với mức lương 700.000 đồng/tháng bao cơm trưa. Trước khi thi Sợi làm việc từ 10g-14g, thời gian còn lại em tập trung ôn tập. Số tiền làm thêm không đủ chi trả mọi chi phí, tiền trọ đã mất 400.000 đồng, số còn lại chỉ đủ để Sợi mua thêm ít tài liệu. Thấy hoàn cảnh cô bé khó khăn, những người trọ xung quanh cũng hay giúp đỡ em cái ăn cái uống, tiếp thêm cho Sợi niềm tin và nghị lực vượt qua kỳ thi. Ngày nhận được tin báo đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt với số điểm 20,25 Sợi vừa mừng vừa lo, mừng vì được tiếp tục học, lo vì hoàn cảnh khó khăn liệu em có thể đi hết con đường mình đã chọn. Từ khi thi xong tới giờ, Sợi lại tiếp tục xin vào làm ở một quán cà phê trên đường Bùi Thị Xuân. Sợi tâm sự: “Khi đi học em sẽ tiếp tục làm thêm để có tiền trang trải, đồng thời sẽ cố gắng học tốt để nhận được học bổng”. |
“Tiếp sức đến trường” cho 170 tân sinh viên khu vực Tây nguyên Tối nay 6-9 tại hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng, báo Tuổi Trẻ phối hợp với tỉnh đoàn, sở GD-ĐT các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 170 tân sinh viên khu vực Tây nguyên (5 triệu đồng/suất). Học bổng do Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (Công ty CP phân bón Bình Điền, báo Tuổi Trẻ, VTV tổ chức) và Công ty TNHH chế biến trà Trân Nam Việt (Bảo Lâm, Lâm Đồng) tài trợ với tổng giá trị 850 triệu đồng. Dịp này, Trường ngoại ngữ Dalat Academy (TP Đà Lạt) phối hợp với báo Tuổi Trẻ cấp 50 suất học bổng tiếng Anh miễn phí với tổng trị giá 150 triệu đồng (3 triệu đồng/suất) cho tân sinh viên cao đẳng, đại học có hoàn cảnh khó khăn đỗ vào các trường tại Đà Lạt. FPT Shop và Nokia cũng trao tặng 20 điện thoại di động cho các tân sinh viên. Lễ trao học bổng, giao lưu với các tân sinh viên điển hình và các văn nghệ sĩ đến từ TP.HCM được truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh truyền hình Lâm Đồng và tiếp sóng trên Đài phát thanh truyền hình Đắk Lắk, Đắk Nông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận