19/05/2015 08:04 GMT+7

Nhượng chồng giá... 50 triệu đồng

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Người chồng có quan hệ ngoài luồng với một phụ nữ. Sau đó cả ba thương lượng thỏa thuận: người vợ cho chồng mình chung sống hẳn với nhân tình thì được “đối thủ" đưa 50 triệu đồng.

Sau một thời gian người đàn ông bỏ đi biệt, cô nhân tình bèn khởi kiện đòi lại tiền. Tòa sơ thẩm buộc phải trả lại 50 triệu đồng cùng khoản lãi phát sinh nên người vợ vừa kháng cáo bản án.

Câu chuyện tình tay ba khá hi hữu, ly kỳ này xảy ra ở xã Phú Thuận, Thoại Sơn (An Giang).

Thỏa thuận… giao chồng

Theo hồ sơ vụ kiện, ông Trần Văn Thương chung sống với bà Bùi Thị Nhị có ba con chung. Năm 2010 ông Thương đến làm thầu cất nhà cho bà Bùi Thị Hiền - phụ nữ độc thân ngụ cùng xã. Hai bên nảy sinh tình cảm nên khi xây xong căn nhà, ông Thương ở lại… xây tiếp tổ ấm với bà này.

Bà Nhị hay biết nên nhiều lần đến bắt ghen, yêu cầu họ chấm dứt mối quan hệ. Bà Hiền thú nhận mình quá yêu thương và muốn chung sống với ông Thương.

Còn ông này vẫn thỉnh thoảng ghé tổ ấm mới, mỗi lần bị vợ ngăn cản thường bỏ đi cả tuần, khi về thì gây áp lực buộc vợ cho mình tiếp tục qua lại với người tình. “Ổng hăm… bằng không thì ổng bỏ tui, đến chung sống hẳn với bả luôn, không về nhà nữa” - bà Nhị kể.

Tòa thụ lý vụ kiện đúng quy định pháp luật

Ông Khưu Để Dành, chánh án TAND huyện Thoại Sơn, cho biết: Lần trước nguyên đơn khởi kiện, người chồng thừa nhận và lãnh trách nhiệm trả lại tiền nên tòa đình chỉ vụ kiện. Lần sau nguyên đơn lại khởi kiện và đưa ra tờ thỏa thuận, trong đó có nội dung nguyên đơn cho mượn 50 triệu đồng, bên bị đơn thừa nhận có nhận số tiền này. Do đó tòa thụ lý vụ kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản và tuyên buộc bị đơn trả lại tiền là đúng quy định pháp luật.

Không biết hai người tình bàn tính cùng nhau thế nào mà sau đó bà Hiền tìm gặp bà Nhị thương lượng: nếu “nhường” lại chồng, để ông Thương qua sống hẳn với mình thì bà ta sẽ “đưa” bà Nhị 50 triệu đồng.

Thấy khó ngăn cản được chồng, phần phải lo nuôi ba đứa con cùng mẹ chồng đã ngoài 80 tuổi nên bà Nhị đồng ý.

Cả ba người gồm ông Thương, bà Nhị, bà Hiền cùng làm và ký tên vào tờ thỏa thuận, trong đó có nội dung:

“Ngày 24-5-2010 âm lịch, tôi Bùi  Thị Nhị đồng ý cho chồng tôi là Trần Văn Thương sống cùng chung với chị Bùi Thị Hiền ngụ tại… Nay chúng tôi làm tờ thỏa thuận này để làm bằng chứng. Kể từ nay không ai xúc phạm tới ai”.

Từ đó ông Thương ở hẳn bên nhà bà Hiền, gần như ly thân với vợ, chỉ thỉnh thoảng về thăm mẹ, thăm con.

Hai năm sau, ông Thương… cao chạy xa bay, không còn chung sống với bà Hiền nữa nên bà Hiền tìm gặp bà Nhị đòi lại 50 triệu đồng.

UBND xã hòa giải ba lần ông Thương đều lánh mặt, còn bà Nhị khai trước đây mình không hề hỏi mượn gì cả, việc bà Hiền đưa cho 50 triệu đồng là phụ tiếp mình nuôi con, nuôi mẹ chồng để mình chấp thuận… giao chồng cho bà này. Sau đó bà Hiền khởi kiện ra tòa đòi tiền. 

Ngày 28-6-2013 tại TAND huyện Thoại Sơn, ông Thương lãnh trách nhiệm và cam kết trả lại 50 triệu đồng cho người tình dứt điểm trong 60 ngày. Nguyên đơn chấp thuận, rút yêu cầu khởi kiện nên tòa quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Vài tháng sau bà Nhị cũng xin ly hôn, tòa tuyên không công nhận bà Nhị và ông Thương là vợ chồng.

“Cho” hay… “cho mượn”?

Quá thời hạn cam kết mà người tình cũ không trả tiền, bà Hiền lại khởi kiện yêu cầu bà Nhị và ông Thương trả 50 triệu đồng.

Bà Hiền đưa ra tờ thỏa thuận có dòng chữ “cho chị Bùi Thị Nhị mượn với số tiền mặt là 50 triệu đồng thời hạn 1 năm”, trong đó chữ “mượn”,  số “1” và vài chỗ có dấu sửa, được tô đậm lên.

Căn cứ vào đó bà Hiền quả quyết mình cho mượn tiền để… được chung sống với người tình, chứ không phải bỏ tiền ra để… mua chồng. TAND huyện Thoại Sơn thụ lý vụ kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản. 

Trong khi đó tại tòa, bà Nhị vẫn khẳng định không hề có chuyện vay mượn, mà bà Hiền tự nguyện cho tiền để mình chấp thuận… giao chồng cho bà này. Đồng thời chỉ ra các chữ “mượn” và “thời hạn 1 năm” trong tờ thỏa thuận là… ghi thêm.

“Bà Hiền tự nguyện đưa 50 triệu đồng là tiền chia sẻ tình thương, tiếp giúp tôi nuôi mẹ chồng, nuôi con. Chồng tôi đã ở chung với bả nên… cấn trừ là hết, nếu đòi thì đòi ông Thương, tôi không đồng ý trả” - bà Nhị khai.

TAND huyện Thoại Sơn căn cứ tờ thỏa thuận này và việc hai bên thừa nhận có đưa tiền, nhận tiền nên buộc bà Nhị và ông Thương có trách nhiệm trả 50 triệu đồng cùng tiền lãi phát sinh hơn 11 triệu đồng.

Bà Nhị cho rằng tòa chưa xem xét toàn bộ sự thật khách quan, xử không đúng nên kháng cáo toàn bộ nội dung bản án. 

Trong đơn kháng cáo, bà Nhị cho rằng bà Hiền tự nguyện cho tiền mà tòa thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản là không đúng.

Bà Nhị cũng viện dẫn trước đó vào ngày 28-6-2013 tại tòa, ông Thương nhận trách nhiệm trả tiền và đã được bà Hiền đồng ý nên bà này không còn điều kiện khởi kiện yêu cầu mình phải trả nợ.

Mặt khác, tòa căn cứ tờ thỏa thuận có nhiều chỗ sửa chữa, có viết thêm chữ “mượn” và người ký làm chứng lại không có mặt để buộc phải trả lại tiền là thiếu căn cứ.

Luật sư Trần Tiến Vinh (văn phòng luật sư Tiến Vinh, Đoàn luật sư An Giang):

Vụ việc hi hữu

Cơ sở nguyên đơn khởi kiện, được tòa xem xét là tờ thỏa thuận... giao chồng. Trong đó ghi nội dung bà Nhị đồng ý cho chồng mình sống chung với bà Hiền thì bà Hiền đưa tiền, cho nên đây là một giao dịch có điều kiện.

Bà Nhị khẳng định bà Hiền tự nguyện cho tiền để mình... giao chồng. Trong khi tờ thỏa thuận bà Hiền đưa ra lúc khởi kiện ra tòa có chữ mượn 50 triệu đồng thời hạn 1 năm, nhưng những chữ này có dấu sửa và không xác định được viết vào thời điểm nào.

Có phải viết thêm sau này hay lúc cả ba vừa thương lượng xong? Với lại xem xét vụ việc, xem kỹ tờ thỏa thuận cho thấy yếu tố “cho mượn” rất thấp mà tòa tuyên buộc phía bị đơn phải trả  lại tiền cùng lãi phát sinh là chưa khách quan, không đúng.

Vụ này, nhiều anh em luật sư cho là hi hữu, khá lạ kỳ và nói vui rằng nếu tờ thỏa thuận không có chữ “mượn” thì bà Hiền tự nguyện đưa tiền để có được ông Thương. Đây là quan hệ trao đổi, đổi chác, người chồng là... tài sản giao dịch.

Còn nếu có chữ “mượn” thì đây là một quan hệ hợp đồng vay tài sản, mà người chồng là... tài sản thế chấp. Có điều tài sản thế chấp này khó giữ, khó xử lý, không thể... kê biên, định giá để thi hành án.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp