Phóng to |
Nhóm sinh viên giành giải nhất với ý tưởng “Quyển tập mang thông điệp vì môi trường” - Ảnh: Kim Anh |
Chọn các đề tài về môi trường và giao thông, các bạn trẻ mong muốn kêu gọi xã hội chung tay bảo vệ môi trường sống cũng như tìm kiếm giải pháp cho giao thông đô thị.
Trăn trở về cuộc sống xung quanh
Làm sao để nhận thức đúng về bảo vệ môi trường đến với người trẻ một cách thuận tiện và gần gũi nhất là đề bài của nhóm năm sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự đặt ra cho mình khi tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo trẻ TP.HCM lần 3-2011” và cách giải quyết của các bạn là sản phẩm “Quyển tập mang thông điệp môi trường”.
Trên bốn bìa của quyển tập là những bức tranh, hình ảnh tuyên truyền bảo vệ môi trường, như bìa đầu tiên của quyển tập là bức tranh em bé ngăn một người lớn xả rác nơi công cộng. Bìa thứ hai là bức tranh một TP xanh sạch mát mẻ với những chiếc xe đạp... Ý tưởng “Quyển tập mang thông điệp môi trường” đã giành giải nhất cuộc thi và TS Dương Quốc Thái, tổng giám đốc Công ty cổ phần Bao bì nhựa Sài Gòn, thành viên ban giám khảo, cho biết doanh nghiệp của ông sẵn sàng hỗ trợ tài chính để biến ý tưởng này thành hiện thực.
Đội Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã mang đến cuộc thi ý tưởng túi cấp cứu đa năng M-FAK, cấp cứu khẩn cấp khi tai nạn giao thông trở thành phổ biến. Bộ túi này có những ngăn nhỏ để chứa dụng cụ và thuốc cần thiết cho trường hợp cấp cứu như bông băng, thuốc khử trùng, kéo, dây garô, đèn pin... Khi không dùng có thể xếp rất gọn để treo trên xe hoặc cất trong cốp xe. Vật dụng để làm túi cấp cứu đa năng này đều rẻ, dễ kiếm và dễ sử dụng. Theo ban giám khảo cuộc thi, chỉ cần bổ sung một số chi tiết, sản phẩm này của nhóm có thể ứng dụng vào thực tế.
Nghĩ đến người lao động chân tay
Nhiều ý tưởng gắn liền với chuyên môn mà các bạn đang theo học. Say sưa thuyết trình về đề tài thùng rác trong ống thoát nước, bạn Lê Minh Khánh (SV ngành bảo hộ lao động ĐH Tôn Đức Thắng) chia sẻ: “Khi nghĩ đến người công nhân thoát nước phải chui xuống những hố cống đen kịt, hôi thối mình thấy thương họ và mong có thiết bị đặt để chặn rác trong cống, sau đó dùng máy cẩu lên, người công nhân không phải chui xuống cống”. Dù đề tài còn nhiều hạn chế nhưng ý tưởng của Khánh được ban giám khảo khuyến khích.
Còn Hoàng Ngọc Kiên (Học viện An ninh) lặn lội từ Hà Nội vào TP.HCM tham gia vòng chung kết với ý tưởng máy quét rác vệ sinh vỉa hè đường phố. Là dân “ngoại đạo” nhưng vì nhiều lần Kiên chứng kiến cảnh những người công nhân vệ sinh nhọc nhằn với cây chổi quét rác đêm giao thừa, cùng với đó là hình ảnh người mẹ quét rác ở chợ đã thôi thúc Kiên cùng người bạn sáng chế mô hình chiếc máy quét rác tự động.
Đề tài phát triển bền vững giao thông công cộng đường thủy tại TP.HCM - tuyến Waterbus Nhiêu Lộc - Thị Nghè của nhóm sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM được đánh giá cao. Nếu tuyến buýt đường thủy trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được ứng dụng sẽ góp phần giảm tải lượng người tham gia giao thông đường bộ, giảm phần nào tình trạng ùn tắc giao thông.
PGS.TS Đinh Xuân Thắng - phó viện trưởng Viện Môi trường và tài nguyên ĐH Quốc gia TP.HCM, giám khảo cuộc thi - cho biết: “Cuộc thi năm nay nhiều ý tưởng hơn các năm trước. Tôi đánh giá cao tư duy của các bạn trẻ. Nhiều ý tưởng đơn giản nhưng tính thực tiễn cao. Đây là phong trào hữu ích với người trẻ, là sân chơi kích thích niềm say mê sáng tạo của các bạn trẻ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận