Tuần trước Đài CNN đưa tin: "Những xác chuột bí ẩn được tìm thấy trong điều kiện giống như sao Hỏa trên đỉnh núi ở dãy Andes".
Andes là dãy núi dài nhất thế giới, dọc theo bờ tây lục địa Nam Mỹ, trải dài qua 7 quốc gia gồm Venezuela, Colombia, Ecuador, Peru, Bolivia, Chile và Argentina.
Với nhiệt độ thấp tới âm 40 độ C, các đỉnh núi trên dãy Andes là môi trường cực kỳ khắc nghiệt, gần như không có cây cỏ.
Tuy nhiên, một nhóm nhà khoa học đến từ Argentina, Chile, Bolivia và Mỹ đang tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Loài chuột tai lá ("leaf-eared mouse" hay Phyllotis vaccarum) sống ở nơi khắc nghiệt này như thế nào?
Các nhà khoa học đã phát hiện xác của 13 con chuột tai lá trên đỉnh của 3 ngọn núi Salin, Pular và Copiapo ở độ cao 6.029 - 6.233 mét so với mực nước biển, tại khu vực cao nguyên Atacama (thuộc dãy núi Andes) ở Chile và Argentina.
Theo nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Current Biology, phát hiện này càng chứng minh rằng chuột tai lá là loài động vật có vú sống ở nơi cao nhất thế giới.
Ông Jay Storz, giáo sư sinh học tại Đại học Nebraska-Lincoln (Mỹ), cho biết: "Mỗi khi chúng tôi tìm thấy bất cứ thứ gì ở nơi rất cao như vậy, chúng tôi hoàn toàn kinh ngạc. Thật khó để nói hết mức độ khắc nghiệt của những môi trường như thế này".
Ông Storz thông tin ở đỉnh của những ngọn núi nói trên, lượng oxy thấp, nhiệt độ cũng hiếm khi tăng lên trên mức đóng băng và sức gió cực mạnh, từng được ghi nhận lên tới 186km/h tại một trạm thời tiết ở độ cao 6.505 mét.
Hơn nữa, môi trường trên các đỉnh núi ở dãy Andes được so sánh như ở sao Hỏa - một hành tinh khắc nghiệt và lạnh lẽo.
Theo trang web của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), vào năm 2021, các nhà nghiên cứu của NASA đã nghiên cứu môi trường tại dãy núi này nhằm "hiểu được cách các khối xây dựng cơ bản của sự sống (building blocks of life) có thể phản ứng với các điều kiện như trên sao Hỏa theo thời gian".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận