24/08/2016 10:01 GMT+7

Những “VĐV” khoác áo blouse trắng

HUY ĐĂNG (Từ RIO)
HUY ĐĂNG (Từ RIO)

TT - Đằng sau một kỳ Olympic đầy cảm xúc với nụ cười Hoàng Xuân Vinh là những giọt mồ hôi của các bác sĩ - những người âm thầm làm việc vất vả trong hành trình ở Rio của đoàn thể thao VN.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phú (phải) chăm sóc cho Nguyễn Thị Lụa trong ngày thi đấu môn vật. Ảnh: H.Đ

Đoàn thể thao VN (TTVN) đến Olympic Rio 2016 với ba bác sĩ, chính xác là hai bác sĩ và một kỹ thuật viên vật lý trị liệu. Đây là lực lượng y tế đông nhất trong lịch sử tham dự Olympic của đoàn VN.

“Cày” nhiều hơn cả VĐV

Dù vậy, con số này vẫn còn là quá ít so với các quốc gia khác bởi ba bác sĩ nhưng lại có đến 23 VĐV, tức mỗi người phải phụ trách khoảng 7-8 VĐV. Vì vậy, các bác sĩ chính là những người phải “cày ải” nhiều nhất trong đoàn TTVN trên đất Brazil với lịch làm việc kín mít, hầu như chỉ có thời gian đi ngủ và các bữa ăn là họ được nghỉ ngơi. Bác sĩ Nguyễn Văn Phú, trưởng tiểu ban y tế đoàn TTVN, cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi đều bắt đầu làm việc từ 7g30 sáng, đeo bám đủ cả ba thời điểm tập luyện của VĐV là sáng, chiều, tối. Trong đó, 20g tối là khoảng thời gian căng thẳng nhất khi các VĐV cần phải xoa bóp, trị liệu để hồi phục thể trạng, cơ bắp sau một ngày tập luyện. Mỗi đêm chúng tôi đều phải hỗ trợ cho khoảng 15, 16 VĐV”.

Thêm vào đó, đoàn TTVN đến Olympic với rất nhiều nỗi lo xoay quanh các chấn thương của nhiều VĐV như Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền (cử tạ), Nguyễn Thị Huyền (điền kinh), Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ), Vũ Thị Hằng (vật)... Điều này càng tạo thêm sức ép công việc cho các bác sĩ, cụ thể là bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền - người phụ trách các vấn đề về chấn thương của VĐV. “Khó khăn nhất là trường hợp của Vương Thị Huyền và Vũ Thị Hằng, những người bị chấn thương gần sát ngày thi đấu. Chúng tôi rất lo lắng, phải cùng nhau bàn thảo suốt đêm về việc điều trị cho những trường hợp này. Ngoài ba anh em trên đất Brazil, chúng tôi còn tìm đến các chuyên gia y tế của ban tổ chức và các liên đoàn thể thao để thảo luận với họ. Huyền tuy có thể thi đấu nhưng chấn thương cũng ảnh hưởng không ít đến tâm lý của cô, còn Hằng thì chúng tôi không thể mạo hiểm với chấn thương cột sống của cô được”.

Đỡ nhọc nhằn nhờ thiết bị của Nhật

Dẫu vậy, bác sĩ Nguyễn Văn Phú cho biết đây vẫn là kỳ đại hội thể thao “sướng nhất” trong sự nghiệp hơn 20 năm làm việc trong ngành thể thao của ông (ông bắt đầu đeo bám các đoàn TTVN từ SEA Games 2003). “Việc thành lập tiểu ban y tế từ đầu năm 2015 giúp chúng tôi có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, thống nhất hơn trong việc điều trị cho các VĐV. Trước đây, VĐV của trung tâm nào chấn thương thì chỉ do bác sĩ trung tâm đó điều trị, nhưng giờ đây tất cả mọi người trong tiểu ban cùng ngồi với nhau bàn bạc, đưa ra phương án hợp lý nhất” - bác sĩ Phú nói.

Một cải thiện đáng kể là các thiết bị y tế hiện đại, theo bác sĩ Phú cho biết, đoàn TTVN được phía Nhật Bản cho mượn khá nhiều tại kỳ Olympic này. Đáng kể gồm có một số thiết bị cầm tay như máy tập vật lý trị liệu, máy kích thích điện cơ, máy kích thích điện xung, máy siêu âm... Những thiết bị này giúp tiết kiệm thời gian rất nhiều cho các bác sĩ. Bởi thay vì cần được bác sĩ hỗ trợ tại phòng y tế, các VĐV có thể đeo máy để giúp cho quá trình hồi phục và còn có thể sử dụng suốt cả trong lúc ngủ.

Dù vậy, vẫn có rất nhiều công việc điều trị không thể sử dụng máy như các bài xoa bóp truyền thống, thả lỏng... Vì vậy, ba bác sĩ VN vẫn phải đầu tắt mặt tối cho đến tận sau ngày 18-8 (buổi thi đấu cuối cùng của TTVN) mới có thể xả hơi. Với họ, kỳ Olympic 2016 không chỉ có niềm vui. Bởi bên cạnh tấm HCV lịch sử của Hoàng Xuân Vinh còn có những giọt nước mắt, những cái gục đầu buồn bã sau thất bại vì tác động của chấn thương như Vương Thị Huyền, Thạch Kim Tuấn, Vũ Thị Hằng... “Quyết định không cho Hằng thi đấu là một trong những quyết định khó khăn nhất đời làm việc của tôi. Tôi ước gì giá như đó không phải là môn vật, môn thi đấu đối kháng chứa đựng rất nhiều nguy hiểm. Chúng tôi không thể mạo hiểm tương lai của VĐV được” - bác sĩ Phú nói.

Hoàng Xuân Vinh ưa thích kiểu xoa bóp truyền thống

Bác sĩ Phú tiết lộ các thành viên của tuyển bắn súng, bao gồm xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, thường ưa thích kiểu xoa bóp truyền thống hơn là sử dụng các loại thiết bị hiện đại. “Rất may là chị Nguyễn Thị Nhung cũng rất am hiểu các phương thức y học này nên ngoài những giờ trị liệu buổi tối, HLV Nhung cũng đỡ đần cho chúng tôi được rất nhiều việc. Đừng tưởng bắn súng đứng yên là không sao, các VĐV phải đứng gần như bất động nhiều giờ một ngày nên cần rất nhiều thể lực và cơ thể cũng rất mỏi mệt” - bác sĩ Phú cho biết.

HUY ĐĂNG (Từ RIO)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp