16/04/2021 06:20 GMT+7

Những vấn đề còn mù mờ liên quan đến vắc xin Trung Quốc

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Đến nay, Trung Quốc chưa công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của các vắc xin ngừa COVID-19 của mình. Chưa kể số liệu thử nghiệm từ các công ty Trung Quốc và các quốc gia Âu - Mỹ khác nhau một trời một vực.

Những vấn đề còn mù mờ liên quan đến vắc xin Trung Quốc - Ảnh 1.

Vắc xin của tập đoàn quốc gia Sinopharm - Ảnh: AP

"Chúng tôi đang chú ý quan sát kết quả thử nghiệm lâm sàng đối với các vắc xin ngừa COVID-19 của Trung Quốc ở nhiều nước" - TS Sylvie Briand, giám đốc Cục Nguy cơ dịch bệnh và đại dịch thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhận xét như trên với kênh truyền hình Pháp France Info hôm 13-4.

Vắc xin Trung Quốc dùng công nghệ cũ

TS Sylvie Briand cho rằng vắc xin Trung Quốc được phát triển trên nền tảng cũ, khác với các loại vắc xin hiện có của Pfizer hay Moderna sử dụng công nghệ ARN thông tin.

Bà giải thích công nghệ ARN thông tin là công nghệ mới mẻ nên chưa có nhiều kinh nghiệm, như vậy "đúng ra chúng ta có nhiều kinh nghiệm hơn đối với vắc xin Trung Quốc, thế nhưng quả thật kết quả đầu tiên cho thấy vắc xin này có vẻ kém hiệu quả hơn theo cách đã sử dụng, tức tiêm hai liều cách nhau ba tuần".

Bà ghi nhận ví dụ về những thử nghiệm tại Brazil, vắc xin Trung Quốc chỉ đạt hiệu quả khoảng 50%.

Vì sao vắc xin đạt hiệu quả như vậy lại xem là tương đương với ngưỡng WHO quy định, TS Sylvie Briand lý giải: "Cần phải nhìn lại bối cảnh cách đây nhiều tháng khi không có vắc xin nào. Lúc đó chúng tôi đã nói muốn có một loại vắc xin đạt hiệu quả tối thiểu 50% để có thể đưa vào tiêm chủng đại trà".

Năm vắc xin sáng giá

Trung Quốc đang phát triển khoảng một chục ứng viên vắc xin COVID-19, trong đó có 5 vắc xin hàng đầu được phê duyệt sử dụng khẩn cấp ở Trung Quốc và một số quốc gia khác.

Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) phát triển 2 vắc xin bất hoạt. Công ty Sinovac phát triển vắc xin CoronaVac cũng là vắc xin bất hoạt. Cả 3 loại đều yêu cầu tiêm hai liều.

Loại thứ tư do Công ty CanSinoBIO phát triển chỉ cần một liều duy nhất. Vắc xin này sử dụng công nghệ vector virus tương tự vắc xin Sputnik V của Nga.

Vắc xin thứ năm do Công ty Anhui Zhifei Longcom phát triển yêu cầu phải tiêm ba liều.

Lợi thế lớn của 5 loại vắc xin trên là có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường.

Nhà nghiên cứu miễn dịch ung thư Eric Billy ở Pháp giải thích: "Vắc xin Trung Quốc thuộc thế hệ cũ, dễ phát triển và sản xuất nhanh nhưng hiệu quả còn tùy quá trình bất hoạt của virus, vì vậy thông thường khả năng sinh miễn dịch kém".

Chưa công bố dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 3

Tạp chí y học British Medical Journal (BMJ) ngày 9-4 lưu ý rằng khác với các loại vắc xin của Mỹ và Anh, đến nay không có nhà sản xuất vắc xin nào của Trung Quốc công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (thử nghiệm được yêu cầu phải thực hiện trên hàng chục ngàn người) để biết hiệu quả đến đâu.

Dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 của vắc xin CoronaVac được công bố lần lượt vào ngày 2-11-2020 và 3-2-2021 trên tạp chí The Lancet.

Anhui Zhifei Longcom cũng mới công bố dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 ngày 4-3.

Ngoài ra, chưa có nhà sản xuất vắc xin nào của Trung Quốc nộp hồ sơ cho Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) hoặc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).

TS Carine Milcent ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) nhận xét: "Nếu muốn có giấy phép lưu hành thuốc ở Pháp hoặc Mỹ, bạn cần phải nộp hồ sơ đầy đủ để phân tích dữ liệu".

Những vấn đề còn mù mờ liên quan đến vắc xin Trung Quốc - Ảnh 2.

TS Sylvie Briand - Ảnh: REUTERS

Các số liệu tự công bố rất khác nhau

Hầu hết thông tin về hiệu quả của vắc xin Trung Quốc đều do các nhà sản xuất Trung Quốc và các quốc gia đang thử nghiệm cung cấp.

Tháng 12-2020, Sinopharm khẳng định hai loại vắc xin đạt hiệu quả 79% và 72,5%.

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) công bố vắc xin của Sinopharm đạt hiệu quả 86%.

Thổ Nhĩ Kỳ báo cáo CoronaVac đạt hiệu quả 91,25%. Brazil tính toán CoronaVac đạt hiệu quả 78% rồi sau đó lại bổ sung vắc xin chỉ hiệu quả 50,4%.

Nói chung số liệu nhảy múa búa xua như Indonesia 65,3%, Chile và Hong Kong 56%, Pakistan 75% (vắc xin một liều của CanSinoBIO).

Đáng lo ngại hơn tại Chile, vắc xin Trung Quốc đạt hiệu quả 56,5% hai tuần sau khi tiêm liều thứ hai nhưng chỉ đạt… 3% sau mũi tiêm thứ nhất.

Tháng 3-2021, UAE đã kêu gọi một số người đã tiêm hai liều vắc xin Trung Quốc đến tiêm liều thứ ba vì kết quả xét nghiệm kháng thể cho thấy phản ứng miễn dịch chưa đủ.

Những vấn đề còn mù mờ liên quan đến vắc xin Trung Quốc - Ảnh 3.

Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orbán được tiêm vắc xin Trung Quốc ngày 28-2 - Ảnh: FACEBOOK

Ba lý do các nước đặt hàng vắc xin Trung Quốc

TS Sylvie Briand đưa ra ba lý do. Một là vắc xin Trung Quốc đã có sẵn từ rất sớm. Hai là Trung Quốc có năng lực sản xuất lớn nên có thể cung cấp nhanh chóng số lượng lớn. Ba là có thể sử dụng vắc xin này cho các nhóm nguy cơ cao.

Cuối năm 2020, báo chí Trung Quốc đưa tin Sinopharm và Sinovac dự tính bán khoảng 30 USD/liều vắc xin. Giá các loại vắc xin khác chưa được công bố.

Bên ngoài Trung Quốc, khoảng 30 quốc gia đã phê duyệt vắc xin của Sinopharm nhằm mục đích khẩn cấp như Bahrain, Guyana, Hungary, Serbia và UAE.

BMJ ghi nhận Hungary là quốc gia EU đầu tiên chấp thuận sử dụng vắc xin Trung Quốc.

Một số quốc gia đã phê duyệt sử dụng vắc xin CoronaVac trong trường hợp khẩn cấp như Brazil, Chile, Indonesia, Lào, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mexico và Pakistan đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin của CanSinoBIO. Trong khi đó, vắc xin của Anhui Zhifei Longcom được chấp thuận sử dụng ở Uzbekistan.

Các thỏa thuận mua vắc xin với giá nào ở nước ngoài chưa được tiết lộ nhưng báo New York Times đưa tin Hungary mua vắc xin của Sinopharm với giá 36 USD/liều và Sinopharm cam kết cung cấp cho Senegal 200.000 liều với giá 19 USD/liều.

Những vấn đề còn mù mờ liên quan đến vắc xin Trung Quốc - Ảnh 4.

Tháng 3-2021, UAE đã kêu gọi một số người tiêm thêm liều vắc xin Trung Quốc thứ ba - Ảnh: AP

Điều tra các ca đông máu sau tiêm vắc xin: Công nghệ vector virus có liên quan? Điều tra các ca đông máu sau tiêm vắc xin: Công nghệ vector virus có liên quan?

TTO - FDA Mỹ cho biết giả thiết hàng đầu là vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca và J&J đã kích hoạt phản ứng miễn dịch hiếm gặp có liên quan đến công nghệ vector virus.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp