19/06/2015 10:03 GMT+7

Tôi mơ loại bỏ tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội

ĐỖ THỊ MINH THỦY (60 tuổi)
ĐỖ THỊ MINH THỦY (60 tuổi)

TTO - Tôi đã từng mơ ước những cung đường qua phố thị nơi tôi đang sống bình yên, không có cảnh người xe ùn tắc trong khói bụi mịt mù, không có những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng, thảm khốc.

 

Những ước mơ đẹp bị hủy hoại vì con sâu tham nhũng

Giấc mơ ấy tưởng như đã thành hiện thực khi con đường đầu tư hàng ngàn tỉ đồng tưng bừng làm lễ khánh thành. Thế nhưng, vừa thông xe con đường đã bị sụt lún, bêtông, nhựa đường trồi lên tạo nên những ổ voi, ổ gà, gây nguy hiểm cho người và xe cộ.

Tôi đã từng mơ ước được chăm sóc sức khỏe trong những bệnh viện hiện đại, khang trang với một đội y bác sĩ có năng lực, đạo đức. Nhưng, vụ án nhân bản kết quả xét nghiệm đã làm tôi bàng hoàng, hụt hẫng…

Thế nhưng, như tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng khẳng định: “Không ai đánh thuế ước mơ, nhưng ước mơ còn phải hành động và hành động hết khả năng có thể…”. Vì thế tôi vẫn ước mơ. Tôi ước mơ 20 năm nữa thành phố sẽ không còn những con đường cứ đào lên rồi lấp lại mãi vẫn không hoàn thiện vì chất lượng công trình đã bị cắt xén.

Tôi ước mơ người người đều có công việc làm với thu nhập ổn định, không còn tình trạng thất nghiệp vì nạn cò mồi lao động, lo lót trong khâu tuyển dụng. Không còn các cơ quan xí nghiệp làm thất thoát hàng tỉ đồng của dân vì cán bộ không có thực lực, xài bằng giả, học thuê, học hộ…

Tôi ước mơ sẽ không còn những vụ án mà can phạm từng là những công bộc của dân, là cán bộ quận ủy lại có liên quan đến thế giới “đen”, là cán bộ điều tra lại gây ra những bản án oan khuất cho người khác, là thầy cô giáo lại dính líu vào đường dây bán điểm, hãm hại học sinh…

Tóm lại, tất cả những ước mơ để làm nên một xã hội giàu đẹp đều khả thi, nếu không bị những con sâu tham nhũng phá hủy, những con sâu làm nghèo đất nước, làm băng hoại giá trị đạo đức của xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Những con sâu mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định: “Những điều người dân nói về cán bộ 2đ là đất và đôla là có thật…”. Phải nói tham nhũng đang là một hiện tượng nhức nhối với con số biết nói, riêng trong năm 2014 đã điều tra, khởi tố 256 vụ, 593 bị can và tổn thất tài sản lên đến hàng nghìn tỉ đồng .

Và  tôi vẫn tin, vẫn mơ ước 20 năm nữa cán bộ “đất và đôla” sẽ bị loại bỏ khỏi đời sống xã hội, những con sâu tham nhũng sẽ không còn đất để dung thân.

Toàn xã hội cùng hành động

Có thể nói cuộc chiến chống tham nhũng là một cuộc chiến cam go, quyết liệt, nhiều thách thức. Thế nhưng, khi xã hội đồng lòng vào cuộc thì không có gì là không thể.

Khi chúng ta kỳ vọng 20 năm nữa đất nước chúng ta sẽ hoàn toàn trong sạch, không có tham nhũng lộng hành, không có cán bộ công nhân viên chức tha hóa, kết bè kết phái đục khoét làm thất thoát tài sản xã hội, xâm hại tiền bạc, quyền lợi  của nhân dân, ảnh hưởng đến sự an nguy của đất nước thì ngay từ bây giờ chúng ta phải hành động, phải sát cánh với Đảng, với Nhà nước để đấu tranh, ngăn chặn, loại bỏ nạn tham nhũng, thanh lọc xã hội ngày một  trong lành, bình đẳng.

Muốn được như vậy, tôi nghĩ chúng ta cần phải lên kế hoạch hành động cụ thể, cấp thiết  ngay từ bây giờ.

Về phía cán bộ, đảng viên:

- Mỗi một cán bộ, đảng viên phải là một chiến sĩ nòng cốt trên mặt trận chống tham nhũng, là tấm gương sáng cho nhân dân học tập. Luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng để tâm hồn không vẩn đục trước những tư lợi cá nhân, giám sát lẫn nhau để kịp thời nhận ra những hành vi sai phạm nhằm ngăn chặn.

Phê phán quyết liệt trước những những hành vi hối lộ, tham nhũng, không bao che, không giải quyết trong nội bộ mà phải công khai rạch ròi, xử lý đúng người, đúng tội

- Cán bộ phải biết tự giác nhận rõ thực lực của mình, không vì tư lợi mà tham quyền cố vị để gây ra tổn thất cho đất nước, cho nhân dân.

Đơn cử như trường hợp có cán bộ không học đại học, nhưng sử dụng bằng cấp giả để được nhận mức lương đại học, để tìm cách ngồi vào những vị trí quan trọng. Đó là hành vi tham ô, hệ quả tất yếu dẫn đến việc tham nhũng, cần phải có hình phạt xử lý thích đáng.

Về phía Nhà nước:

- Quan tâm đến đời sống của cán bộ, công nhân viên chức qua chế độ lương, thưởng tương xứng với năng lực, phù hợp với mức sống của xã hội.

-  Tuyển dụng, đề bạt lao động phải phù hợp với năng lực, đạo đức của từng người, không để xảy ra trường hợp vì nể nhau tuyển dụng một cách vô tội vạ, xóa bỏ ngay một thói quen xấu cứ cha hay mẹ là cán bộ của một cơ quan, tổ chức nào thì con cái được ưu tiên tuyển dụng mà không quan tâm đến tay nghề, khả năng. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc, là nguyên nhân dẫn đến tội phạm thiếu tinh thần trách nhiệm.

- Tổ chức bộ máy hành chính, quản lý các cấp phải rõ ràng để tạo sự thông thoáng trong công việc, qua đó dễ giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện sai phạm, tránh để kẻ xấu lợi dụng sơ hở gây khó khăn cho nhân dân dẫn đến tệ nạn tham nhũng.

Đơn cử như một số nơi đất đai còn nằm trong quy hoạch của Nhà nước, nhân dân không được phép xây dựng nhà cửa, nhưng lợi dụng tình trạng này có cán bộ đã nhận hối lộ, làm ngơ cho việc xây cất bất hợp pháp.

Thiết nghĩ trường hợp này rất dễ phát hiện, nhưng "con voi vẫn chui lọt qua lỗ kim" vì quan niệm tiêu cực "bứt dây động rừng".

- Vận động, khuyến khích, hướng dẫn, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia cuộc chiến chống tham nhũng, vì nhân dân chính là tai mắt của Nhà nước, phải dựa vào lòng dân, ý dân mới mong diệt được tận gốc con sâu tham nhũng.

-  Phải có hình thức bảo vệ, chế độ khen thưởng kịp thời khi nhân dân lập thành tích chống tham nhũng.

 Về phía nhân dân:

- Tuyệt đối không để mắc mưu bọn tham nhũng, vô tình trở thành người đưa hối lộ. Đơn cử như bản thân tôi, trong một lần đi làm sổ đăng ký tạm trú, sau khi làm xong thủ tục, anh cán bộ nói tôi trả lệ phí tiền quyển sổ, tôi đưa tờ 100.000 đồng, anh cán bộ cất vào ví nói "cảm ơn" rồi lặng lẽ tiếp tục ghi chép, mặc kệ tôi cứ đứng tần ngần ra đó.

Một lúc tôi ra về dọc đường thấy một chú cầm quyển sổ đăng ký mới tinh như tôi, tôi hỏi mới biết chú chỉ trả có 10.000 đồng. Lúc ấy tôi mới nhận ra mình đã vô tình tiếp tay cho tham nhũng.

- Thực hiện quyền làm chủ, trong các cuộc bầu cử phải sáng suốt chọn người có tài, có đức đại diện cho mình.

- Dũng cảm đấu tranh, tố cáo tham nhũng, không tiếp tay, không che giấu, không làm ngơ để tham nhũng lộng hành. Kiên quyết lên án những hành vi tham ô, tham nhũng, đưa hối lộ...

Tôi tin nếu toàn xã hội đồng lòng truy đến cùng, diệt tận gốc thì 20 năm nữa đất nước ta chắc chắn sẽ loại bỏ được nạn tham nhũng ra khỏi đời sống.

Đã mơ, phải hành động và hành động hết khả năng có thể... Đó chính là chìa khóa mở toang cánh cửa cho ước mơ thành hiện thực.

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm năm tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và năm tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có năm giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015.

Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected].

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

 

ĐỖ THỊ MINH THỦY (60 tuổi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp