08/08/2023 06:35 GMT+7

Những toan tính quanh con bài ngũ cốc của Nga

An ninh lương thực thế giới trong những ngày gần đây trở thành đề tài nóng, nóng còn hơn cả cái nắng mùa hè thiêu đốt có nơi lên đến 53°C ở các nước châu Âu và châu Mỹ.

Tiểu thương Somalia ở chợ thủ đô Mogadishu phơi phóng lúa mì nhập từ Ukraine - Ảnh: REUTERS

Tiểu thương Somalia ở chợ thủ đô Mogadishu phơi phóng lúa mì nhập từ Ukraine - Ảnh: REUTERS

Kể từ khi Nga dừng thỏa thuận ngũ cốc vào ngày 17-7, giá ngũ cốc đã ngay lập tức tăng 3% lên mức 689,25 cent mỗi bushel (giạ). 

Đòn giáng tiếp theo vào chuỗi khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu là lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ vào ngày 20-7. Tổng cục Ngoại thương (thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ) thông báo dừng xuất khẩu các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) để bình ổn giá trong nước, ngoài ra Ấn Độ còn hạn chế xuất khẩu thêm lúa mì và đường.

Trong khi đó thì hạn hán xảy ra ở chỗ này, mưa lũ lại càn quét chỗ kia và nhiều khu vực bị mất mùa đã làm cho giá lương thực đồng loạt tăng cao.

Khi lương thực cũng "tham chiến"

Theo nhận định của một số chuyên gia, Nga đang "vũ khí hóa lương thực" nhằm tranh thủ lợi thế, tạo áp lực cho Ukraine và cộng đồng quốc tế. 

Thứ nhất, việc Ukraine không thể xuất cảng ngũ cốc khi chuẩn bị vào mùa gặt là một thiệt hại lớn về kinh tế và làm người nông dân Ukraine điêu đứng. 

Thứ hai, các cuộc không kích gần đây vào các kho ngũ cốc đã phá hủy khoảng 100.000 tấn ngũ cốc của Ukraine - một mặt gây thiệt hại cho chính Ukraine, mặt khác nó đã tiêu hủy nguồn thức ăn dự kiến của vài trăm ngàn người trong một năm tại điểm đến dự định của các chuyến tàu chở ngũ cốc qua Biển Đen.

Và tất nhiên việc dừng thỏa thuận ngũ cốc đã hoạt động trong năm qua sẽ tạo nên một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đối với cộng đồng quốc tế. Theo tính toán của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc, hơn 345 triệu người phải đối mặt với tình trạng đói ở mức cao vào năm 2023.

Trong một cuộc chiến tranh thì mọi phương tiện đều có thể tận dụng làm vũ khí và Tổng thống Vladimir Putin cũng như Nga đã có những tính toán riêng của mình. Phía Nga cũng đã không ít lần nêu ra các điều kiện để trở lại thỏa thuận ngũ cốc.

Thứ nhất, đó là yêu sách nhằm dỡ bỏ những cấm vận quốc tế liên quan đến thanh khoản việc xuất khẩu phân bón và ngũ cốc của Nga đồng thời đè bẹp đối thủ bởi những đòn phá hoại kinh tế.

Thứ hai, sản lượng ngũ cốc của Nga chiếm 20% thị phần thế giới, nên nếu Ukraine không bán được thì Nga sẽ thay thế và thậm chí Tổng thống Putin còn dự định "tặng" không cho một số nước châu Phi. Nhờ đó, uy thế chính trị của Nga sẽ lên cao hơn và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nước châu Phi, Trung Quốc và một số nước Trung Đông.

Thế nhưng liệu con bài ngũ cốc của Nga sẽ phát huy tác dụng, hay chính Nga cũng phải chịu áp lực từ nhiều phía và sẽ sớm quay lại thực hiện thỏa thuận ngũ cốc?

Áp lực từ cộng đồng quốc tế

Sáng kiến thỏa thuận ngũ cốc đạt được vào năm 2022 được cả cộng đồng quốc tế hoan nghênh và được gọi là "hành lang nhân đạo" khi đã giảm đến 23% giá ngũ cốc so với lúc ban đầu.

Nó đồng thời bảo đảm an ninh lương thực cho hàng triệu người, đặc biệt là các nước nghèo. Thế cho nên, việc Nga dừng thỏa thuận ngũ cốc sẽ đẩy giá ngũ cốc, lương thực tăng cao và người ảnh hưởng nhất thì vẫn là những người nghèo.

Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi, các tổ chức nhân đạo… tất cả đều lên tiếng lấy làm tiếc và luôn nỗ lực để nối lại thỏa thuận này. 

Bởi trong bối cảnh hiện nay, khi Nga chưa chắc đã bán được ngũ cốc trong nước do cấm vận (cộng thêm khoảng 200.000 tấn ngũ cốc và phân bón vẫn đang bị chặn tại biển Baltic), và nếu tình trạng trên cứ kéo dài thì nạn đói chắc chắn sẽ xảy ra tại các nước nghèo ở châu Phi và Trung Đông.

Nó sẽ kéo theo những bất ổn về xã hội và chính trị với hệ lụy như nạn di dân hàng loạt tại Syria năm 2015 là một kinh nghiệm xương máu mà không ai muốn lặp lại.

Do đó cộng đồng quốc tế sẽ bằng mọi cách tạo áp lực cho Nga, hoặc sẽ có những nhượng bộ nhất định với những yêu sách mà Nga nêu ra để sớm nối lại thỏa thuận ngũ cốc.

Thu hoạch lúa mì tại cánh đồng gần Luhansk - nơi do phía Nga kiểm soát, giữa tháng 7-2023 - Ảnh: REUTERS

Thu hoạch lúa mì tại cánh đồng gần Luhansk - nơi do phía Nga kiểm soát, giữa tháng 7-2023 - Ảnh: REUTERS

Áp lực từ Thổ Nhĩ Kỳ

Nhờ có trung gian tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ mà thỏa thuận ngũ cốc mới có thể đạt được hơn một năm trước. Và năm nay, mọi hy vọng cũng dồn vào Thổ Nhĩ Kỳ qua loạt hoạt động của Tổng thống Tayyip Erdogan.

Ông mới có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin ngày 2-8 về chủ đề này, và chắc chắn trong cuộc gặp gỡ vào cuối tháng 8 này giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ, khả năng tháo gỡ những khúc mắc để có thể nối lại thỏa thuận ngũ cốc là rất cao trên bàn nghị sự.

Nhờ vị trí địa lý và những lựa chọn chính trị đặc biệt của mình, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO duy nhất có thể nói chuyện được với Nga trong lúc này. 

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên NATO duy nhất có hệ thống tên lửa và kỹ thuật điện hạt nhân từ Nga, đổi lại các tàu thuyền và đặc biệt, Hạm đội Biển Đen của Nga muốn ra Địa Trung Hải hoặc vào Biển Đen chỉ có một con đường độc đạo duy nhất là đi qua eo biển Bosphorus và eo biển Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Thêm nữa, giao thương giữa hai nước ngay trong thời kỳ chiến tranh cũng đã đạt mức cả trăm tỉ USD. 

Cho nên Nga dù có ngứa mắt với cú quay xe của Thổ Nhĩ Kỳ khi bật đèn xanh cho Thụy Điển và Ukraine gia nhập NATO, họ vẫn coi Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng trong những toan tính chính trị của mình.

Và chắc chắn Tổng thống Erdogan một lần nữa sẽ nắm bắt lấy cơ hội trở thành nhà trung gian đầy quyền lực để giải quyết vấn đề khủng hoảng lương thực mang tính toàn cầu này. 

Thêm nữa, hơn ai hết, Tổng thống Erdogan hiểu được nếu nạn đói ở châu Phi xảy ra, dòng người tị nạn chắc chắn sẽ đi ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ, và khi đó tình hình sẽ rất khó kiểm soát và việc giải quyết khủng hoảng nhập cư là bài toán còn khó khăn hơn rất nhiều so với bài toán thỏa thuận ngũ cốc.

Như vậy nếu thuyết phục được Nga, Tổng thống Erdogan sẽ chứng minh tầm quan trọng mình trước Mỹ và NATO, tạo một cú hích lớn cho kế hoạch gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sau này. Đồng thời, Ankara cũng từ xa ngăn chặn được mối họa nhập cư bất hợp pháp hàng loạt từ các nước nghèo.

Áp lực từ Trung Quốc và Liên minh châu Phi

Tuy Trung Quốc không hề lên tiếng bênh vực hay phản đối Nga về vấn đề này, thế nhưng thực tế là lượng ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen đi đến Trung Quốc là nhiều nhất.

Cộng thêm Ấn Độ đang cấm xuất khẩu gạo, đồng thời nắng nóng, mưa lũ dẫn đến mất mùa ở nhiều nơi, chắc chắn Trung Quốc phải có kế sách vững vàng để bảo vệ an ninh lương thực trong nước. 

Mà kế sách đơn giản và hiệu quả nhất chính là tiếp tục mua ngũ cốc giá rẻ từ Ukraine bằng biện pháp tạo áp lực một cách nào đó, để Nga phải nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Trong khi đó, hơn lúc nào hết, Nga đang cần sự hậu thuẫn quý giá của Trung Quốc từ kinh tế đến chính trị, thế nên nếu cảm thấy cần thiết, họ sẽ biết phải làm gì và nói gì với Nga, và chắc chắn Nga khó mà từ chối Trung Quốc trong hoàn cảnh hiện nay.

Đối với Liên minh châu Phi cũng vậy, tuy họ không nhận được nhiều ngũ cốc từ Ukraine so với các nước khác, thế nhưng việc ngưng thỏa thuận ngũ cốc cũng được coi như thảm họa.

Đầu tiên là những khoản viện trợ sẽ không đến được với những quốc gia nghèo, thứ hai việc khan hiếm lương thực và giá cả, lạm phát leo thang thì người nghèo sẽ khốn đốn trước, nước nghèo sẽ đói trước. 

Kho lúa mì ở vùng Donetsk - Ảnh: REUTERS

Kho lúa mì ở vùng Donetsk - Ảnh: REUTERS

Cho nên một mặt họ tìm cách gây áp lực lên Nga để giải tỏa sự thiếu hụt lương thực đến từ Ukraine, mặt khác họ cũng muốn phương Tây gỡ bỏ những cản trở cho việc xuất khẩu ngũ cốc từ Nga, nhằm tránh được một nạn đói có khả năng xảy ra trong tương lai gần. 

Và Nga thì đang rất muốn nâng tầm ảnh hưởng của mình đối với các nước châu Phi, Tổng thống Putin cũng thường xuyên gặp gỡ và lắng nghe sáng kiến hòa bình của các nước châu Phi.

Chắc chắn rằng để nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, các bên đều phải "có đi có lại mới toại lòng nhau".

Những yêu sách của Nga trong việc dỡ bỏ các cấm vận để tạo điều kiện cho ngũ cốc và phân bón Nga xuất khẩu được thuận lợi hơn là điều rất hợp tình hợp lý, và đó cũng là một lý do để biện minh cho vấn đề giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu. 

Còn nếu phương Tây cứ tiếp tục cấm vận, tiếp tục giam giữ 200.000 tấn ngũ cốc và phân bón của Nga thì rất khó để Nga chấp nhận nối lại thỏa thuận.

Thế giới đang có nhiều bất ổn, nếu cộng thêm một nạn đói thì tình hình sẽ càng rối loạn hơn, việc giải quyết bài toán lương thực phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, rất nhiều các thế lực phía sau, thế nhưng những nước nghèo, những người nghèo sẽ là những người đầu tiên gánh chịu hậu quả.

Nga chấm dứt Sáng kiến ngũ cốc: Biển Đen dậy sóngNga chấm dứt Sáng kiến ngũ cốc: Biển Đen dậy sóng

TTCT - Sau khi đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc, từ 18-7 Nga bắt đầu pháo kích dữ dội các cơ sở hạ tầng quân sự Ukraine ở khu vực Odessa. Không chỉ thế, ngày 21-7 Bộ Quốc phòng Nga thông báo hạm đội Biển Đen đang tiến hành tập trận ở tây bắc biển Đen.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp